Thay vì sử dụng thuốc, những người mắc chứng lo lắng, trầm cảm nên tập thể dục để cải thiện sức khỏe tâm thần. Đã đến lúc các bác sĩ cần chính thức kê đơn “luyện tập” cho bệnh nhân của mình.

trầm cảm
(Ảnh: Brocreative/ Shutterstock)

Trong suốt những năm qua, các nhà khoa học đã đưa ra rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tập thể dục là một trong những cách tốt nhất để điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần. Mới đây, một phân tích mới về chủ đề này đã làm cho khẳng định trên trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Nghiên cứu mới được thực hiện bởi một nhóm gồm 13 nhà khoa học người Úc, đã được công bố vào tháng 2 trên tạp chí British Journal of Sports Medicine của British Medical Journal.

Theo các nhà nghiên cứu, những người mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần thường coi dược phẩm là giải pháp đầu tiên và đúng đắn nhất để điều trị. Những điều chỉnh về lối sống như tập thể dục, nâng cao chất lượng giấc ngủ, tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh…chỉ được coi là những lựa chọn bổ sung. Ngay cả khi giải pháp thay đổi lối sống được khuyến nghị thì các bác sĩ cũng rất hiếm khi kê đơn chính thức cho bệnh nhân.

shutterstock 2005053044
Đã đến lúc các bác sĩ cần chính thức kê đơn “luyện tập” cho bệnh nhân của mình. (Ảnh: Inside Creative House/ Shutterstock)

Đánh giá trên một cơ sở bằng chứng rộng lớn

Để tổng hợp đầy đủ bằng chứng về việc hoạt động thể chất có tác động tích cực và tiêu cực như thế nào đối với chứng trầm cảm, lo lắng và đau khổ tâm lý ở người lớn, các nhà nghiên cứu Úc đã tiến hành phân tích tất cả các nghiên cứu liên quan đến chủ đề này từ trước đến nay. Họ sử dụng phương pháp umbrella review để có cái nhìn tổng quan nhất. 

Nếu chỉ nhìn vào một nghiên cứu khoa học thì chúng ta chỉ nhận được một số bằng chứng cho thấy một phương pháp nào đó là phù hợp để điều trị bệnh. Nhưng nếu nhìn vào hàng trăm nghiên cứu được thực hiện cùng nhau và xác nhận lẫn nhau thì chúng ta có thể thấy rõ phương pháp nào là thực sự hiệu quả và có thể áp dụng rộng rãi.

Từ trước đến nay, các nhà khoa học đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa tập thể dục và sức khỏe tâm thần nên nhóm nghiên cứu của Úc phải tự tìm ra cách thức tối ưu nhất để kiểm tra toàn bộ bằng chứng.

Để đạt được mục tiêu đó, họ đã xem xét gần một trăm bài đánh giá, bao gồm hơn một nghìn nghiên cứu được thực hiện với hơn 100.000 người tham gia. Nói cách khác, họ đã tiến hành một cuộc đánh giá trên quy mô rất rộng, có tính tổng quát cao trên một cơ sở bằng chứng vô cùng rộng lớn.

Tập thể dục là phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh trầm cảm

Khi nói đến vấn đề chăm sóc sức khỏe của con người, sức khỏe tâm thần thường không được coi trọng. Trên thực tế, có khoảng một nửa dân số toàn cầu sẽ gặp phải vấn đề liên quan đến sức khỏe vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ, và hiện có hơn 10% người dân trên toàn thế giới đang phải vật lộn với sức khỏe tâm thần.

Lo lắng là vấn đề phổ biến nhất, chủ yếu phát triển ở trẻ em và thanh niên. Còn tình trạng trầm cảm là gánh nặng lớn nhất đối với một người có chức năng sống bình thường.

Các nhà nghiên cứu Úc phát hiện ra rằng tập thể dục là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị chứng trầm cảm. Cụ thể, tập thể dục cho thấy kết quả điều trị hiệu quả hơn 150% so với dược phẩm hoặc Liệu pháp Nhận thức-Hành vi (CBT). Nó cũng hiệu quả hơn so với phương pháp tư vấn tâm lý hoặc “liệu pháp trò chuyện”. Trên thực tế, tập thể dục đã được chứng minh là có khả năng làm giảm các triệu chứng trầm cảm từ 42% đến 60%, trong khi liệu pháp nói chuyện và dược phẩm chỉ làm giảm các triệu chứng từ 22% đến 37%.

Tập thể dục đã được chứng minh là phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho cả chứng lo âu và trầm cảm, bất chấp thực tế dược phẩm mới là phương pháp điều trị được khuyên dùng phổ biến nhất (cho cả hai tình trạng trên).

Mọi hình thức tập thể dục đều có tác dụng

shutterstock 2151263173
Các nghiên cứu đã xem xét rất nhiều loại hình và lịch trình tập thể dục, kết quả cho thấy mọi hình thức vận động (như khiêu vũ, đi bộ, yoga…) đều mang lại kết quả tích cực. (Ảnh: Photographielove/ Shutterstock)

Các nghiên cứu đã xem xét rất nhiều loại hình và lịch trình tập thể dục, kết quả cho thấy mọi hình thức vận động (như khiêu vũ, đi bộ, yoga…) đều mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các đợt tập thể dục ngắn, cường độ cao mang lại hiệu quả tốt nhất. HIIT – hình thức “luyện tập cường độ cao ngắt quãng” – đã cho thấy mức hiệu quả nổi bật và ấn tượng hơn hẳn so với các hình thức khác.

Đối với người lớn tuổi, đi bộ nhẹ nhàng từ 20 đến 40 phút mỗi ngày cũng đủ để cải thiện sức khỏe tâm thần. Đây cũng là một lựa chọn an toàn, nhẹ nhàng cho những người không quen với các bài tập vận động cường độ cao. 

Tốt cho phụ nữ mang thai và người mắc bệnh mãn tính

Theo nghiên cứu này, tập thể dục đặc biệt có lợi đối với sức khỏe tinh thần của một số nhóm dân cư nhất định, bao gồm phụ nữ mang thai và sau khi sinh, những người bị nhiễm HIV và những người mắc bệnh thận. Ngoài ra, ngay cả những người khỏe mạnh về mặt thể chất cũng nhận được sự cải thiện đáng kể về sức khỏe tinh thần sau khi tập thể dục.

thai kỳ khỏe mạnh
Thiền định là một trong những phương pháp rèn luyện trí não và cơ thể hữu hiệu nhất, giúp làm giảm sự lo lắng và các cơn đau, hữu ích cho phụ nữ mang thai thường hay gặp các cơn đau lưng, vọp bẻ vào ban đêm và sáng sớm. (Ảnh: Mladen Zivkovic/ Shutterstock)
  • Đăng ký học thiền, rèn luyện cả tâm lẫn thân tại đây.

Tập thể dục là phương pháp trị bách bệnh?

Mặc dù kết quả của bài đánh giá này rất tích cực, chúng ta vẫn phải hiểu rằng tập thể dục không phải là liều thuốc vạn năng chữa khỏi mọi vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Có những trường hợp người bị trầm cảm nặng hoặc mắc bệnh tâm thần hoàn toàn không có khả năng tập thể dục một chút nào cả. Những người bị rối loạn sức khỏe tâm thần do các nguyên nhân thể chất bẩm sinh hoặc gặp chấn thương sau tai nạn cũng không thể tập thể dục để cải thiện tâm trạng.

Nhìn chung, phần lớn gánh nặng sức khỏe tâm thần đều xuất phát từ các chứng rối loạn tâm trạng phổ biến (từ mức nhẹ đến trung bình) nên có thể cải thiện được bằng phương pháp tập thể dục.

Một số nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng trong khoa học y tế, có những phát hiện được ghi chú trong tài liệu khoa học suốt 17 năm rồi mới được đưa vào thực hành tại các phòng khám bác sĩ.

Các nhà nghiên cứu Úc cho rằng chúng ta nên đưa việc tập thể dục trở thành phương pháp hàng đầu khi điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần, kế đó là bổ sung thêm phương pháp tư vấn và dùng thuốc nếu thấy cần thiết. 

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần thường không nghiên cứu phương pháp tập thể dục và đây là một sai lầm lớn. Một nghiên cứu khác gần đây đã chỉ ra rằng chơi bóng bàn có thể có lợi cho những người mắc bệnh Parkinson. Hoạt động thể chất cường độ thấp hàng ngày (10.000 bước trở lên, tương đương với gần 5 dặm) có thể giúp họ tăng tổng khối lượng não và giảm bớt hiện tượng lão hóa não so với khi tập thể dục ít hoặc hoàn toàn không tập thể dục.

Kết luận từ bài đánh giá toàn diện của Úc hoàn toàn trùng khớp với kết quả từ các nghiên cứu nhỏ: Tập thể dục (chứ không phải dược phẩm) nên là lựa chọn hàng đầu trong việc điều trị chứng trầm cảm, lo lắng và đau khổ cho hầu hết bệnh nhân.

shutterstock 695399332
Giảm lướt điện thoại và xem máy tính đồng nghĩa với việc bạn sẽ có nhiều thời gian hơn cho sức khỏe thể chất và tinh thần của mình. (Ảnh minh họa: novak.elcic/ Shutterstock)

Sau tất cả, bạn không cần chờ bác sĩ kê đơn rồi mới tập thể dục. Hãy gập máy tính lại, đi giày thể thao và bắt đầu đi bộ, chạy bộ ngay từ hôm nay. Dù bạn vận động bằng hình thức nào đi chăng nữa thì bộ não cũng sẽ vô cùng biết ơn bạn.