Một nam bệnh nhân ở TP.HCM nhập viện trong tình trạng mệt lả người, đau ngực, khó thở, không ngồi được. Theo các kết quả xét nghiệm, bệnh nhân bị suy thận cấp trên nền suy thận mạn giai đoạn 5, phải lọc máu (chạy thận) định kỳ 3 lần/tuần.

moi ngay uong 4 5 lon nuoc ngot trong suot 10 nam benh nhan phai chay than dinh ky
Người bệnh đang được theo dõi máy lọc máu cấp cứu. (Ảnh: tamanhhospital.vn)

Ngày 24/4, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) cho biết đã lọc máu cấp cứu kịp thời cho nam bệnh nhân T.T.V. (SN 1988, ngụ quận 9, TP.HCM). Bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, da sạm đen, huyết áp tăng 145/95 mgHg.

Gia đình cho biết anh T.T.V. bị suy thận mạn giai đoạn 5, lọc máu (chạy thận) định kỳ 3 lần/tuần.

Qua kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu để đánh giá chức năng lọc của thận ghi nhận định lượng creatinin cao 1066 umol/l, gấp 10 lần bình thường (44-97 umol/l ở nữ, 53-106 umol/l ở nam), kali tăng 7.56 mmol/l (bình thường 3.5-5.1 mmol/l), u rê máu tăng đến 21.4 mmol/l (bình thường 2.76 – 8.07 mmol/l).

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Tôn Minh Trí (khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. HCM) nhận định anh V. bị suy thận cấp trên nền suy thận mạn giai đoạn 5.

Bệnh nhân V. ngay lập tức được dùng thuốc hạ kali máu và chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) để lọc máu liên tục. Sau 8 giờ lọc máu, người bệnh khỏe, ăn uống bình thường trở lại, được xuất viện nhưng phải chạy thận định kỳ.

Bệnh nhân V. kể hơn 10 năm nay, anh uống mỗi ngày 4-5 lon nước ngọt, uống nước lọc rất ít, một năm chưa đến 20 lít. Anh cũng không đi khám sức khỏe định kỳ vì thấy vẫn khỏe mạnh, bình thường. Từ cuối năm 2022, anh liên tục bị đau lưng dù làm việc nhẹ. Anh thường hay bị nôn sau khi ăn cơm nhưng lại nghĩ bị trào ngược dạ dày.

Tháng 3/2023, tay, chân và mặt anh V. bị phù, sưng, anh tưởng do tăng cân. Tiếp sau đó, bụng anh V. bị phình to và khó tiểu, gia đình đưa anh đến bệnh viện cấp cứu.

Theo bác sĩ Trí, suy thận mạn tính là chức năng thận bị suy giảm hoặc ngừng hoạt động, không thể đào thải các chất độc và dịch thừa ra khỏi máu. Người bệnh suy thận đang lọc máu cần tuân thủ chế độ ăn uống chặt chẽ; tuyệt đối hạn chế ăn trái cây, rau củ nhiều nước và các loại thuốc dân gian, đông y… sẽ tăng kali khiến người bệnh ngưng tim, dễ tử vong.

Trước khi ăn rau, củ luộc cần vắt ráo nước. Một số loại trái cây nhiều kali cần tránh như xoài chua, trái cây khô, sầu riêng, bưởi, mít, chanh, nước cam, chuối, cà chua, bí đỏ, rau muống…

Trước đó, từng có một trường hợp bệnh nhân 20 tuổi, nặng 100kg, được đưa đến Bệnh viện Ninh Ba (Trung Quốc) cấp cứu trong tình trạng buồn nôn và nôn mửa liên tục. Nguyên nhân là do anh uống tới 20 chai nước ngọt có ga mỗi ngày suốt 3 ngày liên tiếp.

Khi nhập viện, chỉ số đường huyết cao gấp 20 lần so với người bình thường, đồng thời anh còn bị suy gan, suy đa tạng và nhiễm toan ceton. Sau 20 tiếng cấp cứu, anh tử vong.

Nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn là tăng huyết áp, hội chứng thận hư, sỏi thận, viêm cầu thận, biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường.

Trong thức uống có ga chứa axit photphoric làm thay đổi thành phần nước tiểu, thúc đẩy sỏi thận dẫn đến suy thận mạn tính.

Theo bác sĩ Trí, ở giai đoạn đầu, bệnh suy thận mạn tính thường không có triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Đến khi xuất hiện các triệu chứng như sạm da, đau lưng, tiểu ít, phù nề… bệnh đã ở giai đoạn 5, phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để tiếp tục sự sống.

Vì vậy, bác sĩ Trí khuyến cáo, nên hạn chế uống nước ngọt, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu, nước tiểu để kiểm tra chức năng thận. Người suy thận phải uống thuốc, ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ, nếu đang lọc máu cần tuân thủ chế độ ăn uống chặt chẽ.

Kết quả nghiên cứu kết luận rằng uống thức uống chứa quá nhiều đường có liên quan tới 61% sự xuất hiện của bệnh thận mãn tính, còn nước ngọt có ga liên quan đến 9%.

Tác hại thận của nước ngọt có ga gây ra như: Bệnh tiểu đường, thiếu hụt canxi, kích thích bài tiết axit uric.

Để bảo vệ thận, chúng ta cần: Tránh lạm dụng thuốc, không nên nhịn tiểu, hạn chế ăn nhiều đồ ăn chứa chất béo, kiểm soát các bệnh mãn tính.

Thạch Lam (t/h)