Làm việc chuyên môn trong văn phòng hay giảng dạy hoặc công việc trí não khác thường xuyên đối mặt với áp lực và căng thẳng. Làm thế nào để vừa không trì hoãn công việc lại vừa vận động được cơ thể? Dưới đây xin giới thiệu 8 bài tập nhanh gọn thực hiện trong lúc nhàn rỗi, để cơ thể được vận động thường xuyên, giải tỏa mệt mỏi và nâng cao sức khỏe.

stress 2902537 640
(Ảnh: Pixabay)

1. Gõ đầu

Ngồi thẳng trên ghế, hai lòng bàn tay đè vào hai bên tai, dùng ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn nhẹ nhàng gõ vào đầu, bạn sẽ nghe thấy tiếng thùng thùng trong tai. Hàng ngày làm 10 đến 20 lần để giảm bớt mệt mỏi, chống chóng mặt, tăng thính lực, trị ù tai.

2. Luyện mắt

Khoảng nửa giờ làm việc bằng mắt hãy cho mắt nghỉ ngơi, nhìn xa ra ngoài cửa sổ khoảng một phút, sau đó căng chớp hai mắt vài lần để thư giãn, ngoài ra có thể chuyển động quay tròng mắt. Làm như vậy giúp thư giãn các cơ mắt, thúc đẩy tuần hoàn máu.

3. Chải tóc

Dùng lược chải từ trán lên đỉnh đầu và chải xuống sau gáy, tốc độ tăng dần. Không chải quá mạnh gây tổn thương da đầu. Cách làm này giúp kích thích dây thần kinh và các điểm huyệt trên đầu, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm mệt mỏi và có hiệu quả hỗ trợ mọc tóc, đặc biệt quan trọng đối với người làm việc trí óc.

4. Vận động mặt

Thỉnh thoảng nghỉ ngơi có thể há thật căng miệng để các cơ mặt được vận động, làm động tác này nhịp nhàng một lúc giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, làm chậm quá trình “lão hoá” cục bộ, giúp cho đầu tỉnh táo.

5. Lắc đầu thoáng não

Vùng cổ gáy được cấu thành bởi các khớp xương cổ, mạch máu, cơ bắp, dây chằng, vì thế lắc đầu để các bộ phận này được hoạt động. Bằng cách này, không chỉ giúp tăng cung cấp máu cho não, còn làm giảm cholesterol trong động mạch ở cổ, giúp phòng chống đột quỵ, huyết áp cao và thoái hóa đốt sống cổ.

6. Duỗi mình

Khi cơ thể giữ yên ở một vị trí trong thời gian dài, nhiều vùng máu trong mạch máu sẽ ứ đọng, lúc này duỗi người sẽ giúp cơ bắp toàn thân thư giãn. Chỉ thực hiện trong một vài giây cũng khiến nhiều vùng ứ máu được giải tỏa chạy về tim, giúp tăng đáng kể khả năng tuần hoàn máu, cải thiện tuần hoàn máu.

7. Nghỉ ngơi tĩnh dưỡng

Nhắm mắt, thả lỏng toàn bộ cơ thể, kết hợp với hít thở sâu, làm 3-9 lần sẽ cảm thấy nhẹ nhõm thoải mái, mục đích ở đây là tập luyện phần cơ quan nội tạng.

8. Xoa bóp tai

Tai là vùng hội tụ của mạch, đoạn cuối dây thần kinh các cơ quan của cơ thể người tập trung ở tai. Kéo, xoa bóp tai có thể kích thích các dây thần kinh và tác động đến các cơ quan nội tạng, thúc đẩy sự trao đổi chất, tuần hoàn máu và bạch huyết, điều tiết tạng phủ, vì vậy mà cơ thể được cải thiện, hỗ trợ tăng cường sức khỏe.

Thanh Xuân

Xem thêm: