Đông y là một phần quan trọng thuộc văn hóa phương Đông, đã giúp con người phòng và trị bệnh tật trong suốt thời gian lịch sử lâu dài. Tuy nhiên, do sự du nhập của văn hóa phương Tây gần đây, cùng lối sống ngày càng rời xa tự nhiên, các giá trị tốt đẹp trong văn hóa phương Đông mờ nhạt dần. Đi cùng dòng chảy ấy, nhiều quan điểm sai về Đông y đã hình thành và được mọi người thừa nhận.

dong y
(Ảnh: Shutterstock)

1. Đông y chữa bệnh cần thời gian lâu dài, không thể có tác dụng nhanh

Không rõ từ khi nào, trong dân gian đã hình thành quan niệm “Đông y là phải chữa lâu mới có tác dụng”. Trên thực tế đúng là có rất nhiều bệnh cần thời gian điều trị lâu dài, đặc biệt là những bệnh cơ thể hư nhược, bệnh mạn tính đã lâu năm thì không thể “ba thang thuốc mà chữa bệnh mười năm được”. Tuy nhiên không hẳn bệnh nào khi chữa bằng Đông y là cần thời gian dài.

Như trong thời kỳ thai sản, một số chứng bệnh Đông y có cách điều trị rất nhanh để bảo đảm sự an toàn cho cả bà mẹ và thai nhi như chứng ố trở (nôn nghén nhiều) có những bài thuốc như Nhị trần thang gia giảm, Toàn phú hoa tán… tùy theo nguyên nhân. Những chứng sản phụ ngã hay bị đè bởi vật nặng gây động thai thì có thể dùng Sa nhân sao qua, Khung quy thang gia giảm…

Một ví dụ khác phổ biến là, khi cảm cúm ở giai đoại đầu, có thể chỉ dùng những phương pháp đơn giản của Đông y như cạo gió, giác hơi hay dùng một cốc nước gừng (Sinh khương) là có thể trị khỏi. Ngoài ra còn rất nhiều bệnh khi sử dụng thuốc Đông y cũng cho hiệu quả tốt và tác dụng rất nhanh chóng.

2. Đông y chữa bệnh mạn tính, không chữa bệnh cấp tính

Nhiều người cho rằng nếu bị những bệnh cấp tính thì nên đi chữa bằng Tây y cho nhanh, còn Đông y chỉ chữa bệnh mạn tính mà thôi. Bệnh mạn tính là một thế mạnh trong điều trị bằng Đông y, tuy nhiên với những bệnh cấp tính thậm chí cấp cứu thì Đông y cũng có những phương pháp khiến mọi người bất ngờ. Trong những tài liệu Đông y cổ xưa vẫn còn ghi chép những cách cấp cứu người chết đuối, chết treo cổ, chết ngạt…

Đông y có những phương thuốc điều trị rất nhanh như Nhân niệu điều trị say nắng, Nhân sâm, Phụ tử để hồi dương cho người hấp hối… Hay những chứng bệnh như Đau lưng cấp, cơn tăng huyết áp… Đông y đều có những phương pháp không những nhanh mà còn an toàn và hiệu quả. Như vậy bên cạnh việc chữa những bệnh mạn tính, đối với những bệnh cấp tính và cấp cứu, Đông y cũng cho hiệu quả điều trị rất tốt.

>> Vị thầy thuốc Đông y 112 tuổi: ‘Cảnh giới cao nhất của dưỡng sinh là dưỡng tâm’

3. Đông y chỉ chữa gốc, không có chữa ngọn

Đông y có câu: “Cấp trị tiêu, hoãn trị bản”. Tức là bệnh cấp tính, bệnh trạng ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh thì cần chữa ngọn bệnh (những triệu chứng nguy hiểm) trước rồi sau đó, khi tình trạng bệnh nhân đã ổn định thì sẽ từ từ điều trị gốc bệnh (nguyên nhân căn bản) sau.

Còn với bệnh mạn tính, khi những triệu chứng không quá nguy hiểm sẽ từ những triệu chứng ấy tìm ra căn nguyên của bệnh tật, khi điều trị được căn nguyên ấy rồi, các triệu chứng bệnh sẽ tự hết.

4. Đông – Tây y kết hợp sẽ hiệu quả tốt

Tây y là nền y học thực chứng dựa trên cơ sở Sinh lý và Giải phẫu người, dùng những thứ có hình tượng và những phản ứng được khoa học hiện đại chứng minh để đánh giá tình trạng sức khỏe và điều trị bệnh. Đông y với nền tảng là lý luận về Âm dương, Ngũ hành, cùng những thứ vô hình như thủy hỏa, khí hóa để đánh giá tình trạng sức khỏe và điều trị bệnh.

Tây y ngoài việc khám thực thể còn có thêm các xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán cuối cùng, còn Đông y lại khác, sử dụng tứ chẩn gồm vọng, văn, vấn, thiết để quy nạp tình trạng bệnh tật từ đó đưa ra phương án tối ưu cho người bệnh. Như thế khi sử dụng kết quả xét nghiệm Tây y để kê đơn thuốc Đông y sẽ có những điều không thực sự trùng khớp.

Thực tế, qua tứ chẩn của Đông y, có khi còn chẩn đoán ra bệnh trước khi có biểu hiện trên những xét nghiệm Tây y. Ngược lại, những bệnh được tìm ra do xét nghiệm của Tây y đôi khi chỉ là biểu hiện bề mặt của một chứng bệnh theo Đông y. Ngày này nhiều bác sỹ Đông y nói rằng Đông – Tây y kết hợp, dùng một số kết quả xét nghiệm của Tây y, tuy nhiên những xét nghiệm này cũng chỉ là biểu hiện của một chứng bệnh theo Đông y mà chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh thực sự.

Ví dụ như một người bị rối loạn chuyển hóa lipid, nếu theo kết quả xét nghiệm và những nghiên cứu hiện đại có thể dùng một số loại thảo dược như Lá sen (Hà diệp), Ngưu tất… để làm hạ mỡ máu, tuy nhiên đây chỉ là cách chữa trị trên bề mặt, không giải quyết được nguyên nhân thực sự trong khi bệnh này có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra như tỳ hư, thận âm hư… Theo Đông y, cần tìm hiểu xem bệnh là hư hay thực, tại tạng phủ nào rồi mới tìm cách giải quyết được.

5. Thuốc bổ của Đông y là chỉ có lợi không có hại

Thuốc bổ của Đông y rất phong phú và đa dạng nhưng được chia làm 4 nhóm chính là bổ âm, bổ dương, bổ khí và bổ huyết. Các thuốc bổ dương, bổ huyết thuộc về dương dược, còn các thuốc bổ âm, bổ huyết thuộc về âm dược. Các thuốc dương dược và âm dược này có những tính chất trái ngược nhau.

Thuốc dương dược thường có tính ấm, nóng, dùng cho người có thể trạng hàn (lạnh), còn âm dược có tính mát, lạnh dùng cho người có thể trạng nhiệt (nóng). Nếu như sử dụng một cách hợp lý sẽ đem lại hiệu quả rất tốt, nhưng nếu dùng sai các loại thuốc bổ này với nhau sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe bệnh nhân. Ví dụ như người thuộc thể hàn mà lại dùng âm dược, người bệnh sẽ ngày càng lạnh hơn, người thể trạng nhiệt lại dùng dương dược sẽ khiến cơ thể thêm nóng hơn.

Mọi người đều biết Nhân sâm và một số vị sâm khác được xem là những loại thuốc bổ thuộc hàng thượng phẩm trong Đông y. Các loại sâm thường là dương dược, có tác dụng bổ khí. Tuy nhiên nếu sử dụng thời gian dài mà không có sự kiểm soát thì rất dễ gây mất cân bằng âm dương, phần dương sẽ vượt trội hơn so với phần âm và gây nên những chứng bệnh như háo khát, nóng trong người, táo bón… lâu dần còn có thể ảnh hưởng không tốt hơn nữa tới sức khỏe.

Vì vậy chỉ nên sử dụng thuốc bổ Đông y khi có chỉ định hoặc được thầy thuốc Đông y tư vấn để tránh những tác dụng không mong muốn.

Huyền Đăng

Xem thêm: