Bạn có thể nghĩ rằng uống một chút rượu mỗi ngày là tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, các nhà khoa học không hẳn nghĩ như vậy. Việc uống rượu làm  tăng nguy cơ ung thư, là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 bệnh và gián tiếp gây ra ít nhất 200 bệnh. Vì vậy, khi tính đến các rủi ro của rượu đối với sức khỏe tổng thể thì các tác dụng bảo vệ của rượu dễ dàng bị phủ nhận.

Dai dich COVID 19 lam gia tang so ca nhiem benh gan do uong qua nhieu ruou 1
(Ảnh minh họa: Par Africa Studio/Shutterstock)

Sức khỏe có thể bị tổn hại bất kể số lượng rượu được tiêu thụ là bao nhiêu và bất kể lứa tuổi nào. Có thể nói mức tiêu thụ an toàn của rượu là 0.

Theo tờ Việt Nam Plus, Việt Nam là nước có mức tiêu thụ rượu bia tăng nhanh nhất thế giới, mức tiêu thụ bình quân đầu người xếp thứ hai Đông Nam Á và thứ 3 châu Á, chỉ sau Lào và Mông Cổ. Theo thống kê gần đây, có hơn 40.800 ca tử vong mỗi năm liên quan đến bia rượu. Bên cạnh đó, bia rượu cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra khoảng 30% các vụ gây rối và 33,7% vụ bạo lực gia đình. Con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

Nếu những con số biết nói trên chưa đủ để làm bạn thay đổi thái độ đối với bia rượu, hãy cùng xem tiếp chúng sẽ phá hủy não và cơ thể bạn như thế nào.

Rượu làm teo não, làm não già đi 12 tuổi

Từ nhiều thập kỷ trước, các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc uống rượu và sự co rút não. 

Khối lượng chất xám của não giảm ở những người nghiện rượu, mức độ giảm liên quan đến thời gian nghiện rượu. Chất trắng trong não nơi tập trung của các bó thần kinh và các con đường dẫn truyền tín hiệu cũng co lại và thay đổi cấu trúc vi mô. Điều đáng chú ý nhất là nó làm gián đoạn quá trình myelin hóa và tính toàn vẹn của sợi trục thần kinh. 

Một tín hiệu đáng mừng là khi cai rượu, thể tích não có thể  phục hồi một phần. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người uống nhiều rượu (155 ly mỗi tháng) có thể tăng khối lượng não nếu giảm mức uống trung bình xuống 20 ly.

Rượu cũng làm lão hóa não, những người nghiện rượu có bộ não già hơn người cùng tuổi. Các nghiên cứu hình ảnh từ lâu đã phát hiện ra rằng sự mất khối lượng chất xám cũng như những rối loạn đối với vi cấu trúc chất trắng thường thấy ở người nghiện rượu ngày càng trầm trọng hơn theo tuổi. Mô hình tuổi não cho thấy đối tượng nghiện rượu tăng thêm 11,7 tuổi. Dù không phát hiện sự lão hóa não ở những người nghiện rượu trẻ tuổi (20-30 tuổi) nhưng nó tăng lên nhanh chóng trong suốt những thập kỷ tiếp theo phụ thuộc vào mức độ tiêu thụ rượu và tình trạng sức khỏe, tuổi tác.

Nghiên cứu của BMJ cũng lưu ý rằng, những người tiêu thụ đồ uống có cồn hàng tuần bị suy giảm nhận thức nhanh hơn người không uống. Ngay cả người uống rất ít cũng vẫn bị suy giảm nhận thức.

Mức độ tiêu thụ rượu thấp (1-7 ly mỗi tuần) trước đây được xem là vô hại hoặc thậm chí có lợi đối với sức khỏe tim mạch. Nhưng các nghiên cứu MRI não quy mô lớn gần đây chỉ ra rằng, tiêu thụ rượu có quan hệ tuyến tính tiêu cực với việc sụt giảm trên diện rộng về thể tích chất xám và trắng, cũng như vi cấu trúc chất trắng và độ dày vỏ não. Cần nhấn mạnh rằng việc uống ít rượu (1-7 ly/ tuần) không có tác dụng bảo vệ so với việc không uống rượu, có nghĩa là bất kỳ mức độ tiêu thụ rượu nào cũng có thể ảnh hưởng đến thể tích não và vi cấu trúc chất trắng.

Rượu bia phá hủy thần kinh như thế nào?

1. Thiếu Vitamin B1

Thiamin, còn được gọi là Vitamin B1, là một yếu tố cần thiết cho chức năng thần kinh. Cơ thể người không có khả năng tự sản xuất thiamin mà cần bổ sung qua chế độ ăn uống. Thiếu hụt thiamin chủ yếu do suy dinh dưỡng và liên quan đến chứng nghiện rượu. Theo thời gian, sự thiếu hụt thiamin có thể dẫn đến tổn thương thần kinh và dẫn đến bệnh thần kinh do rượu.

Những người nghiện rượu thường có chế độ dinh dưỡng thấp, thậm chí nghèo nàn. Bên cạnh đó, người nghiện rượu cần bổ sung thiamin cao hơn bình thường. Ngoài ra rượu cũng cản trở khả năng sử dụng thiamin ở các tế bào, làm tăng tốc độ chuyển hóa thiamin, đồng thời làm giảm magie cần cho quá trình phosphoryl hóa thiamin. Rượu làm tổn thương niêm mạc ruột và làm giảm hấp thụ thiamin ở ruột. Tiêu chảy hoặc nôn  mửa do rượu cũng khiến sự hấp thụ thiamin bị cạn kiệt hơn nữa. 

Có thể nói, rượu tác động toàn diện lên quá trình hấp thu và sử dụng thiamin làm cơ thể kiệt quệ và thiếu mãn tính thiamin. Điều đó giống như những quân domino gây ra hàng loạt các phản ứng dây chuyền dẫn đến độc tế bào, cuối cùng là hoại tử tế bào. Bộ não là cơ quan sử dụng nhiều năng lượng nhất của cơ thể, thiếu thiamin sẽ dẫn tới rối loạn chức năng và thoái hóa não.

Kết quả nghiêm trọng nhất của ngộ độc thần kinh liên quan đến thiếu thiamin do rượu là phát triển hội chứng Wernicke-Korsakoff (WKS). Đây là một tình trạng cấp tính có thể hồi phục đặc trưng bởi sự lú lẫn, rối loạn vận động cơ và mất điều hòa, cùng với sự rối loạn tâm thần. Nó có thể phát triển thành tổn thương não không hồi phục gây ra các rối loạn hành vi và suy giảm trí nhớ.

2. Tạo ra chất độc thần kinh acetaldehyde

Rượu được chuyển hóa trong gan thành acetaldehyde. Đây là chất độc cho cơ thể, khởi phát bệnh cơ tim do rượu, sự phát triển của ung thư và ảnh hưởng đến thần kinh vận động.

Trong quá trình say, việc sản xuất acetaldehyde có thể gây đỏ bừng mặt, tăng nhịp tim, khô miệng, buồn nôn và nhức đầu. Đáng chú ý, acetaldehyde góp phần vào tác động độc hại của rượu mãn tính lên não dẫn đến thoái hóa tế bào thần kinh. Acetaldehyde gây độc tế bào bằng cách gây ra đột biến DNA và các sản phẩm bổ sung protein có thể tạo ra các phản ứng miễn dịch tăng thêm tổn thương cho mô.

3. Gây viêm thần kinh

Rượu kích thích viêm dạ dày, ruột, dẫn đến việc các độc tố và rượu có thể dễ dàng đến gan. Quá trình chuyển hóa rượu và sự gia tăng vi khuẩn khiến gan sản sinh ra các yếu tố gây viêm. Các cytokine này có thể vượt qua hàng rào máu não và gây viêm trong não.

Một số mô hình nghiên cứu trên động vật cho thấy, rượu thông qua các con đường tác động khác nhau nhưng đều dẫn đến tình trạng viêm dây thần kinh cả ngoại vi lẫn trung ương.

4. Thay đổi chức năng não

Ngoài những thay đổi về cấu trúc, nhiều bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc lâu với rượu có thể dẫn đến rối loạn điều hòa chức năng của các hệ thống kiểm soát hành vi, kiểm soát xung động và phá vỡ điều tiết cảm xúc.

Tính bốc đồng là sự thiếu kiểm soát ức chế, đặc trưng bởi hành vi liều lĩnh khi không có sự chỉ định trước. Ở cấp độ hành vi, say rượu làm tăng các hành vi như lái xe mạo hiểm, phạm tội và quan hệ tình dục bừa bãi, tính bốc đồng thường tăng ở những người nghiện rượu.

Rượu chuyển hóa thành chất gây ung thư và tăng nguy cơ gây các bệnh ung thư khác

Chỉ 10% lượng cồn được thải qua đường hô hấp và mồ hôi, 90% còn lại được gan xử lý.

Tại gan, rượu được phân hủy thành acetaldehyde sau đó được một enzym khác chuyển thành axetic, cuối cùng thủy phân thành nước và CO2. Trong một giờ, gan chỉ có thể xử lý khoảng 350ml bia, 150ml rượu vang hoặc 45 ml rượu cồn. Khi nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,4% là cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, hôn mê hoặc tử vong.

Acetaldehyde không chỉ là chất độc thần kinh mà còn là chất gây ung thư. Nó làm hỏng màng tế bào, tổn thương DNA, ngăn chặn quá trình tổng hợp và sửa chữa DNA, từ đó gây ra ung thư. Ngoài ra cả cồn (ethanol) và acetaldehyde đều phá vỡ quá trình methyl hóa DNA, cho phép các gen sinh ung thư hoạt động.

Hơn 740.000 ca ung thư mới mắc năm 2020 trên toàn thế giới là do sử dụng rượu, trong đó có hơn 100.000 ca là do uống rượu nhẹ và vừa.

Tỷ lệ mắc ung thư do rượu cao nhất là thực quản, gan và vú. Ngoài ra có thể mắc ung thư đại trực tràng, vòm miệng, ung thư hầu họng và ung thư thanh quản.

Các nhà nghiên cứu Úc đã tiến hành đánh giá có hệ thống hơn 100 bài báo cáo và kết luận rằng, uống quá nhiều rượu có thể làm tổn thương tất cả các bộ phận của đường tiêu hóa. Ngoài ra, uống rượu làm tăng nồng độ hormon sinh dục, từ đó gây ra ung thư vú.

Mức tiêu thụ an toàn của rượu là 0, vì vậy không nên uống rượu, dù chỉ một giọt. Không nên ép hay sử dụng rượu như một thước đo bản lĩnh, bởi vì thứ chúng ta đánh đổi còn đáng sợ hơn nhiều.

Thu Mộc