Hôm thứ Sáu (17/9), Hội đồng tư vấn vắc-xin của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã bỏ phiếu với tỷ lệ 16-3 phản đối việc tiêm liều vắc-xin COVID-19 tăng cường của Pfizer cho những người từ 16 tuổi trở lên. Sau đó, hội đồng tư vấn đã bỏ phiếu ủng hộ liều tiêm tăng cường của Pfizer cho những người từ 65 tuổi trở lên và những người có nguy cơ cao.

Embed from Getty Images

Trong suốt cuộc họp, các nhà khoa học độc lập tư vấn cho FDA đã tỏ ra hoài nghi về sự cần thiết của việc tiêm liều tăng cường (liều tiêm thứ ba) vắc-xin COVID-19 của Pfizer cho mọi người nói chung. 

Cuộc thảo luận của hội đồng tư vấn là bài thử nghiệm lớn đầu tiên đối với chương trình tiêm chủng của chính quyền Biden trong bối cảnh các quan chức y tế hàng đầu của Hoa Kỳ đã thông báo vào tháng trước rằng họ sẽ cố gắng triển khai tiêm liều tăng cường cho mọi người trước ngày 20/9. 

Tuy vậy, hội đồng tư vấn đã bỏ phiếu 18-0 để khuyến nghị  tiêm liều tăng cường cho những người từ 65 tuổi trở lên và những người có nguy cơ phơi nhiễm cao do nghề nghiệp.

Không rõ khi nào FDA có thể đưa ra quyết định cuối cùng về liều tiêm tăng cường, trong khi Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã lên lịch một cuộc họp vào tuần tới để phân phối liều tiêm tăng cường trên khắp nước Mỹ.

Sau khi các cuộc bỏ phiếu diễn ra, Tiến sĩ Peter Marks, quan chức hàng đầu về vắc-xin của FDA, thông báo: “Tại FDA, chúng tôi không bị ràng buộc bởi cuộc bỏ phiếu, chỉ để mọi người hiểu điều đó (kết quả bỏ phiếu). Chúng tôi có thể điều chỉnh điều này khi cần thiết.”

Mặc dù các quan chức y tế Hoa Kỳ, một số quốc gia khác, và các nhà sản xuất vắc-xin cho rằng liều tiêm tăng cường là cần thiết cho mọi người, nhưng nhiều nhà khoa học, bao gồm một số nhà khoa học của FDA và CDC, lại không đồng ý. Trước đây, CDC chỉ khuyến nghị liều tiêm tăng cường cho những người bị suy giảm miễn dịch.

Một bản trình chiếu của FDA cho thấy nguy cơ của COVID-19 đối với người 30 tuổi khỏe mạnh chỉ là 0,0004% (1/2500.000), điều này củng cố những lập luận phản đối việc khuyến nghị tiêm liều tăng cường cho mọi người nói chung. Một số nhà khoa học đã khuyến nghị tiêm liều tăng cường cho người cao tuổi, nhưng một số chuyên gia cho biết họ muốn có thêm dữ liệu về việc liệu liều tiêm tăng cường có thể góp phần gây ra bệnh viêm cơ tim, một loại bệnh viêm tim hay không.

Tiến sĩ James Hildreth, một thành viên bỏ phiếu trong hội đồng chuyên gia của FDA, bày tỏ rằng ông “[có] mối quan ngại nghiêm trọng về bệnh viêm cơ tim ở những người trẻ tuổi.” FDA trước đây đã đưa ra cảnh báo rằng, mặc dù hiếm gặp, nhưng vắc-xin của Pfizer và Moderna, cả hai được chế tạo theo công nghệ mRNA, có thể gây ra bệnh viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim ở những người trẻ tuổi.

Khi nói về nghiên cứu của Israel, đặc biệt là khoảng thời gian theo dõi 12 ngày và sự thay đổi các ước tính của các tác giả nghiên cứu, bà Brittany Kmush, nhà dịch tễ học của Đại học Syracuse, nhận định: “Thành thật mà nói, tôi nghĩ không có đủ dữ liệu chất lượng tốt vào thời điểm này để đưa ra một quyết định sáng suốt.”

Ngoài ra, Tiến sĩ Melinda Wharton, một cố vấn khác của FDA, cũng có mối lo ngại như Tiến sĩ Hildreth, nói rằng bà sẽ “không cảm thấy thoải mái” nếu khuyến nghị tiêm liều tăng cường cho những người trẻ do nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim. Trong cuộc họp của hội đồng, bà lưu ý, những người trẻ tuổi không có nguy cơ bị bệnh nặng do COVID-19 hoặc bị nhiễm bệnh đột phá nghiêm trọng.

Đầu tuần này, FDA đã đăng tải những trình bày của Pfizer trích dẫn các nghiên cứu của Israel và Hoa Kỳ cho thấy hiệu quả của vắc-xin COVID-19 đang giảm theo thời gian, và vì vậy hãng này cho rằng liều tiêm tăng cường là cần thiết để đối phó với các biến chủng mới của virus corona.

Trong một bài thuyết trình được đăng tải trên trang web của FDA, Pfizer cho biết: “Dữ liệu thực tế từ Israel và Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ số ca nhiễm bệnh đột phá (tiêm chủng nhưng vẫn bị nhiễm bệnh) đang gia tăng nhanh hơn ở những người được tiêm chủng sớm hơn so với những người được tiêm chủng gần đây hơn.”

Bài thuyết trình của Pfizer nhấn mạnh, các nghiên cứu của Israel chỉ ra rằng “việc vắc-xin giảm hiệu quả đối với phòng COVID-19 chủ yếu là do phản ứng miễn dịch của vắc-xin giảm dần theo thời gian, chứ không phải do biến chủng Delta tránh được khả năng bảo vệ của vắc-xin.”

Tuy nhiên, phản ứng trước dữ liệu của Pfizer, vài giờ sau đó các nhà nghiên cứu của FDA tuyên bố rằng các liều tiêm ban đầu là đủ hiệu quả và cho rằng liều tiêm tăng cường có thể không cần thiết ngay bây giờ.

Một phân tích của các nhà khoa học Israel được công bố hôm thứ Tư (15/9) cho thấy rằng, trong số 1,1 triệu người 60 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ ít nhất năm tháng trước đó, những người được tiêm liều tăng cường có khả năng ít bị nhiễm bệnh hoặc ít bị bệnh nặng hơn so với những người không được tiêm liều thứ ba.

Vì vậy, hãng dược phẩm khổng lồ này kết luận rằng hiệu quả vắc-xin của họ đang giảm dần theo thời gian và liều tiêm thứ ba vắc-xin mRNA của hãng này có tác dụng tăng cường hiệu quả của vắc-xin. Họ dự đoán rằng 1,8 triệu ca nhiễm COVID-19 nghiêm trọng hơn sẽ xảy ra tại Hoa Kỳ trong năm 2021 nếu không tiêm liều tăng cường cho mọi người nói chung.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu được tờ The Lancet xuất bản vào ngày 13/9, hai chuyên gia đánh giá vắc-xin cấp cao của FDA cùng với hơn một chục nhà nghiên cứu hàng đầu nhận định rằng không cần tiêm liều tăng cường cho mọi người nói chung. Họ lo lắng rằng các tác dụng phụ tiềm ẩn của liều tiêm tăng cường có thể lớn hơn lợi ích, đồng thời cho rằng một hiện tượng như vậy thực tế sẽ làm tăng sự do dự đối với vắc-xin. 

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia này kết luận: “Bằng chứng hiện tại dường như không cho thấy sự cần thiết phải tiêm liều tăng cường cho mọi người nói chung, [bởi vì] hiệu quả [của vắc-xin đã tiêm] chống lại bệnh nặng ở những người này vẫn cao.” Nghiên cứu nhấn mạnh: “Ngay cả khi liều tiêm tăng cường cuối cùng  được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng trong trung hạn, thì nguồn cung vắc-xin hiện tại có thể cứu sống được nhiều người hơn nếu được sử dụng cho những nhóm người chưa được tiêm chủng trước đây.”

Những nhà nghiên cứu này cũng bày tỏ mối lo ngại rằng liều tiêm tăng cường có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn cho các cá nhân, điều này sẽ làm tăng sự do dự của những người chưa tiêm chủng trong việc tiêm vắc-xin, chứ không chỉ là những người chưa tiêm liều tăng cường.

Gia Huy (theo Epoch Times)

Xem thêm: