Mỗi ngày bạn làm gì vào khoảng một giờ trước khi đi ngủ? Lướt điện thoại hay xem truyền hình? Hay không làm gì? Nhiều khi  chúng ta thường cảm giác như không thể làm được bất cứ điều gì trong khoảng thời gian này, nhưng thực tế đối với dưỡng sinh và phòng bệnh thì đây là thời gian vàng rất quan trọng! Đáng tiếc là nhiều người không biết, để lãng phí vô ích.

chải răng
Đánh răng trước khi đi ngủ giúp nâng hiệu quả ngăn ngừa bệnh tim mạch (Ảnh minh họa từ Shutterstock)

1. Ngâm chân: Giúp lưu thông máu, thúc đẩy tuần hoàn máu

Chân là vùng xa trái tim nhất nên việc cung cấp chất dinh dưỡng và máu bị hạn chế hơn, trong khi ngâm chân trước khi đi ngủ bằng nước ấm sẽ có lợi trong thúc đẩy tuần hoàn máu cơ thể, tăng tốc độ trao đổi chất cho cơ thể.

Đặc biệt là vào mùa đông lạnh giá, nếu có thói quen ngâm chân hàng ngày bằng nước ấm (40 ℃ ~ 50 ℃) cũng như xoa bóp lòng bàn chân và ngón chân trước khi đi ngủ sẽ mang lại công dụng thúc đẩy lưu thông máu, thư cân hoạt lạc.

ngam chan shutterstock 503422393 1024x678 image
Ảnh minh họa từ Shutterstock

Các thầy thuốc thường giới thiệu thời điểm vàng để ngâm chân. Khoảng thời gian từ 9:00 – 11:00 tối là thời gian phù hợp nhất ngâm chân bằng nước ấm, khiến tinh thần chúng ta tập trung vào chi dưới, thúc đẩy khí huyết lưu thông phần chi dưới tốt hơn.

2. Đánh răng: Phòng ngừa bệnh tim

Đánh răng trước khi đi ngủ quan trọng hơn cả đánh răng buổi sáng, không chỉ loại bỏ cặn thức ăn tồn trong khoang miệng để bảo vệ sức khỏe răng, còn hỗ trợ cho giấc ngủ.

Nhưng điều rất quan trọng là việc đánh răng trước khi đi ngủ còn có công dụng… ngăn ngừa bệnh tim. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Columbia, bệnh tim có mối quan hệ trực tiếp đối với sức khỏe răng miệng, do vi khuẩn gây bệnh răng miệng cũng có thể gây ra các vấn đề đối với tim.

Lưu ý: Khi đánh răng hãy chú ý đánh kỹ trong và ngoài hàm răng, nếu có vật tồn thức ăn dư giữa kẽ răng thì có thể dùng chỉ nha khoa xử lý.

3. Chải đầu: An thần, dưỡng tim, tăng tuổi thọ

Trên đầu chúng ta có nhiều huyệt quan trọng, chẳng hạn như huyệt bách hội, nhưng không dễ dàng để tìm đúng các điểm huyệt. Một cách đơn giản là xoa bóp toàn phần đầu bằng các ngón tay để kích thích các huyệt trên đầu.

Cách chải đầu này mang lại hiệu quả bình can tức phong, khai khiếu định thần, tăng thị lực…

Vì thế, trước khi đi ngủ hãy dùng các ngón tay để chải cho đến khi da đầu đỏ và ấm lên, thúc đẩy lưu thông máu vùng đầu, cải thiện tư duy và trí nhớ của não, thúc đẩy chất dinh dưỡng cho chân tóc, giảm rụng tóc, loại bỏ mệt mỏi cho não, hỗ trợ đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Lưu ý: Mát xa đầu cũng có thể cải thiện các triệu chứng như nhức đầu, đau nửa đầu, hàng ngày chỉ cần dành 5 phút cho mỗi lần xoa bóp.

4. Uống một ly nước: Giảm độ nhớt máu

Vào giai đoạn ngủ sâu thì cơ thể thường đổ chút mồ hôi, làm cho lượng nước trong máu giảm dần và khiến độ nhớt của máu cao hơn. Điều này rất không tốt đối với người bị bệnh tim mạch.

Lợi ích lớn nhất của uống nước trước khi đi ngủ là có thể làm giảm độ nhớt của máu. Vì vậy, hãy cố gắng lưu ý trước khi đi ngủ uống chút nước để pha loãng độ nhớt máu, giúp giảm nguy cơ xảy ra các vấn đề bất ngờ như nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, đột quỵ.

Lời khuyên đối với bệnh nhân tim mạch là nên chuẩn bị sẵn một ly nước bên cạnh, khi bất chợt thức dậy vào ban đêm có thể nhấp một ngụm. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, việc duy trì thói quen thỉnh thoảng uống một ngụm nước cũng tốt cho việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Lưu ý: Người có vấn đề trao đổi chất ở gan và thận thường hay bị tỉnh giấc về đêm thì không uống quá nhiều nước.

5. Xoa bóp cẳng chân: Cải thiện lưu thông máu

Khi nằm trên giường chuẩn bị vào giấc ngủ có thể làm một số thao tác dưỡng sinh, chẳng hạn như xoa bóp bắp cẳng chân.

Vùng bắp cẳng chân có những đường tĩnh mạch, việc làm như vậy giúp thúc đẩy tuần hoàn máu tĩnh mạch, có công dụng nhất định hỗ trợ điều trị cao huyết áp, cao mỡ máu, cũng giúp ngăn ngừa bệnh tim.

Lưu ý: Khi thực hiện không làm quá mạnh, chỉ cần tạo cảm giác hơi đau là được.

Thanh Xuân

Xem thêm: