Trào lưu mới đang kéo con người quay trở về với tự nhiên, phòng chữa bệnh bằng cây cỏ, và bạn không thể bỏ qua ngải cứu – là cây rau những cũng là cây thuốc quý mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

Cây ngải cứu có tên khoa học là Artemisia Vulgaris, thường có mùi thơm nồng và có vị hơi đắng hoặc rất đắng tùy theo mùa. Ngải cứu có thể dùng để chế biến các món ăn hoặc được sao khô lên làm thuốc.

1. Chữa bệnh bằng ngải cứu

Theo Đông y, ngải cứu có tính vị quy kinh, có mùi thơm, vị đắng, tính ấm đi vào cả 3 kinh là: can, tỳ, phế có tác dụng điều hòa khí huyết, khu phong, trừ thống, cầm máu và giảm đau. Chính vì vậy mà ngải cứu có tác dụng chữa được rất nhiều bệnh.

Làm thuốc điều kinh: Một tuần trước ngày kinh dự kiến, mỗi ngày lấy 6 – 12g (tối đa 20g) sắc với nước hoặc hãm với nước sôi như trà, chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể uống dưới dạng bột (5 – 10g) hay dạng cao đặc (1 – 4g). Nếu kinh nguyệt không đều thì hàng tháng đến ngày bắt đầu kỳ kinh và cả những ngày đang có kinh, lấy ngải cứu khô 10g, thêm 200ml nước, sắc còn 100ml, thêm chút đường để uống, chia 2 lần/ngày. Có thể uống liều gấp đôi, cũng 2 lần/ngày. Sau 1 – 2 ngày sẽ thấy hiệu quả, người đỡ mệt, máu kinh đỏ và ít hơn.

Giúp an thai: Những người đang mang thai, nếu thấy có hiện tượng đau bụng, ra máu, dùng 16g lá ngải cứu, 16g lá tía tô, sắc cùng với 600ml nước, sắc còn 100ml, chia làm 3 – 4 lần uống/ngày. Ngải cứu không có tác dụng kích thích với tử cung có thai nên không gây sảy thai.

Sơ cứu vết thương: Lấy lá ngải cứu tươi giã nát, thêm 1/3 muỗng cà phê muối đắp lên vết thương, cầm máu nhanh, giảm đau nhức.

Trị mụn, mẩn ngứa: Lá ngải cứu tươi giã nát, đắp lên mặt, để khoảng 20 phút, rồi rửa lại mặt, làm liên tục như vậy sẽ có làn da trắng sáng hồng. Với trẻ em thường hay bị rôm sảy thì lấy lá ngải cứu xay nát rồi lọc lấy nước cho trẻ tắm.

Đau thần kinh tọa, nhức buốt khớp xương, đau đầu hoa mắt: Lấy 300g ngải cứu rửa sạch, giã nát, thêm 2 muỗng mật ong, vắt lấy nước uống trưa, chiều. Uống liên tục trong 1 – 2 tuần.

Lưu thông máu lên não: Lấy một nắm lá ngải cứu, xắt nhỏ, đánh tan đều với 1 quả trứng gà, nêm hạt nêm vừa miệng, đổ vào chảo chiên chín rồi ăn.

Suy nhược cơ thể, kém ăn: Lấy 250g ngải cứu, 2 quả lê, 20g câu kỷ tử, 10g đinh quy, 1 con gà ri (gà ác), hầm trong 0,5 lít nước (thêm gia vị, bột nêm), hầm tới khi còn 250ml nước là được. Chia làm 5 phần, ăn cả ngày. Liên tục 1 – 2 tuần.

Cảm cúm, ho, đau cổ họng, đau đầu, đau dây thần kinh: Lấy 300g ngải cứu, 100g lá khuynh diệp, 100g lá bưởi (hoặc quýt, chanh). Nấu trong 2 lít nước. Sôi 20 phút nhấc xuống, xông 15 phút. Hoặc nấu lá thuốc cứu với 100g lá tía tô, 100g tần dầy lá, 50g lá sả trong 1 lít nước, nấu tới khi còn 0,5 lít là được. Uống mỗi lúc khát, liên tục trong 3 – 5 ngày.

Chữa đau thắt lưng: Rang ngải cứu với muối cho nóng, rồi bọc hỗn hợp này đắp lên lưng vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nên đắp vào lúc còn ấm nóng để đạt hiệu quả cao, nhưng bạn cần chú ý đừng để bỏng da nhé.

Ngải cứu
(Ảnh: Shutterstock)

2. Món ăn bổ dưỡng từ ngải cứu

Trứng gà tráng ngải cứu: Giúp lưu thông máu lên não trị bệnh đau đầu. Lấy một nắm lá ngải cứu, xắt nhỏ, đánh tan đều với 1 quả trứng gà, nêm hạt nêm vừa miệng, đổ vào chảo chiên chín.

Gà tần ngải cứu: Bồi bổ sức khỏe, hoạt huyết, xương cốt dẻo dai. 1 con gà đen khoảng 500g, 3 trái táo đỏ, ý dĩ, kỷ tử, 3 lát sâm ta, ngải cứu, hạt sen, tam thất, hạt nêm. Gà làm sạch, mổ moi, nhồi tất cả các nguyên liệu vào trong gà, cho gà vào nồi, đổ săm sắp nước, nêm hạt nêm vừa miệng, tần cho đến khi gà mềm nhừ.

Cháo ngải cứu: Có tác dụng chữa động thai hoặc giảm đau thấp khớp. Lá ngải cứu tươi 50g, gạo tẻ 100g, đường đỏ vừa đủ (có thể cho thêm lá lốt). Thái nhỏ lá ngải cứu, nấu lấy nước để nấu cháo. Khi ăn cho đường vừa phải, ăn nóng. Chia 2 lần ăn sáng, trưa. Ăn liên tục 3 – 5 ngày.

Canh ngải cứu nấu thịt nạc: Thịt nạc lợn băm nhỏ, ướp hạt nêm, xào qua, nêm nước, đun sôi cho rau ngải cứu. Canh sôi đều, nêm hạt nêm vừa miệng, ăn nóng. Bài thuốc chữa các bệnh của phụ nữ (kinh nguyệt không đều, khí hư, đau bụng do lạnh…).

3. Lưu ý: Ngải cứu có tính độc, một số trường hợp không được ăn nhiều

Khi dùng ngải cứu quá nhiều có thể gây ra ngộ độc: Độc tính của ngải cứu khi dùng quá liều là làm cho thần kinh trung ương bị hưng phấn quá mức, dẫn tới chân tay run giật, sau đó cục bộ hoặc toàn thân co giật; Sau vài lần có thể dẫn đến kinh quyết (co cứng), thậm chí tê liệt. Kiểm tra bằng kính hiển vi có thể phát hiện các tổn thương ở tế bào não. Sau khi khỏi bệnh, vẫn thường để lại những di chứng như hay quên, ảo giác, viêm thần kinh…

Dễ sảy thai trong 3 tháng đầu: Theo các nhà khoa học khuyến cáo rằng, bà bầu ăn quá nhiều ngải cứu trong 3 tháng đầu mang thai sẽ làm tăng nguy cơ bị ra máu, co bóp cổ tử cung, dễ dẫn đến sảy thai hoặc sinh non.

Hại gan: Nếu bạn dùng quá nhiều ngải cứu, có thể gây ra rối loạn chuyển hóa của tế bào gan, dẫn đến viêm gan cấp tính, viêm gan vàng da, gan to, nước tiểu đục hoặc có lẫn dịch mật.

Theo langviet

Xem thêm: