Hôm 22/12, một nghiên cứu của Nam Phi cho biết biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn biến thể Delta, cho dù các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn.

Biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 11 ở miền nam châu Phi và Hồng Kông. Dữ liệu sơ bộ cho thấy nó có khả năng chống lại các loại vắc-xin hiện hành.

Tuy vậy, một nghiên cứu của Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm (NICD) của Nam Phi cho rằng những người bị nhiễm Omicron ít có khả năng phải nhập viện hơn những người bị nhiễm chủng Delta, theo Reuters.

Nghiên cứu đã so sánh dữ liệu Omicron của Nam Phi từ tháng 10 và tháng 11 với dữ liệu về Delta giữa tháng 4 và tháng 11.

“Ở Nam Phi, dịch tễ học cho thấy Omicron đang diễn biến ít nghiêm trọng hơn,” Giáo sư Cheryl Cohen của NICD cho biết.

Nghiên cứu cũng lưu ý rằng vì hầu hết mọi người ở Nam Phi đã từng bị nhiễm COVID-19, họ có thể có mức độ miễn dịch cao hơn.

Thông tin tích cực này được củng cố bởi nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia London, theo đó cho biết nguy cơ phải nằm viện ở bệnh nhân Omicron thấp hơn từ 40 đến 45% so với Delta.

Tuy nhiên, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, bà Maria van Kerkhove, cho biết cơ quan hiện chưa có đủ dữ liệu để đưa ra kết luận chắc chắn.

Dữ liệu vẫn còn “lộn xộn”, bà nói trong một cuộc họp ngắn ở Geneva.

Người phụ trách của WHO ở Châu Âu, Hans Kluge, nói với Reuters rằng cần ba đến bốn tuần để xác định mức độ nghiêm trọng của Omicron.

Ông cho biết Omicron có khả năng là dòng virus corona chính ở châu Âu trong vài tuần nữa.

Hôm thứ Tư, Anh Quốc lần đầu tiên báo cáo hơn 100.000 trường hợp COVID-19 mới trong ngày kể từ khi triển khai xét nghiệm diện rộng. 

“Không còn nghi ngờ gì nữa, châu Âu lại một lần nữa là tâm chấn của đại dịch toàn cầu. Vâng, tôi rất lo lắng, nhưng không có lý do gì để hoảng sợ. Tin tốt là… chúng tôi biết phải làm gì,” ông Kluge nói.

Đức, Scotland, Ireland, Hà Lan và Hàn Quốc đã áp dụng lại các biện pháp đóng cửa một phần hoặc toàn bộ hoặc các biện pháp giãn cách xã hội trong những ngày gần đây.

Thủ tướng Mario Draghi cho biết Ý đang chuẩn bị các biện pháp mới và có thể sẽ bắt buộc phải tiêm vắc-xin cho nhiều nhóm công nhân viên chức hơn.

Tại Hoa Kỳ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) Rochelle Walensky cho biết trung bình bảy ngày qua, số ca nhiễm COVID-19 tăng 25% so với tuần trước lên khoảng 149.300 ca mỗi ngày.

Lê Vy

Xem thêm: