Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu hiện đại, thiện – ác không chỉ giới hạn ở lĩnh vực tâm linh hay tinh thần. Làm việc thiện thực sự có thể trực tiếp tác động đến sức khỏe của mỗi cá nhân.

Làm việc thiện thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe và thọ mệnh (ảnh: Shutterstock)
Làm việc thiện thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe và thọ mệnh (ảnh: Shutterstock)

Lòng tử tế có thể giúp chữa lành bệnh

Tiến sĩ David Hamilton, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về mối liên hệ giữa tâm và thân, có thể dễ dàng chứng minh rằng bạn sẽ không bị thiệt thòi nếu làm một người tốt, bởi lẽ ít nhất thì lòng tử tế có thể chữa lành bệnh của cơ thể.

TS. David Hamilton tốt nghiệp hạng ưu chuyên ngành hóa sinh và có bằng tiến sĩ về hóa học. Sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh, David Hamilton làm việc 4 năm trong ngành công nghiệp dược phẩm chuyên phát triển thuốc cho bệnh tim mạch và ung thư. Ông quan sát thấy nhiều người được điều trị bằng giả dược nhưng lại cho tác dụng không thua kém thuốc thật là bao. Cảm hứng từ những kết quả đó, ông từ bỏ ngành dược và bắt đầu nghiên cứu về mối liên hệ giữa thân thể và tư tưởng.

Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách về chủ đề này: “Tư tưởng có thể chữa lành bệnh cơ thể,” “Suy nghĩ mới quan trọng,” “Cuộc đời được định sẵn? Số phận và ý muốn,” “Tại sao lòng tử tế lại tốt cho bạn,” “Sức mạnh lan tỏa của tư tưởng,”… Cuốn sách mới đây nhất của ông có tựa đề “Tại sao lòng tử tế lại tốt cho bạn” đã được cộng đồng đánh giá cao, trong đó Hamilton cho rằng “tư tưởng có thể chữa lành thân thể bạn”. Lòng tốt làm chúng ta cảm thấy hạnh phúc và tác động tốt lên tim mạch thông qua hiệu ứng của một loại hormone là oxytocin.

>> Tần số năng lượng của mỗi chúng ta: Bí mật hạnh phúc và trường thọ

Từ lâu người ta đã biết oxytocin là một hormone tự nhiên được sản xuất ở vùng dưới đồi của não và bài tiết vào máu hậu tuyến yên. Nó cũng được gọi là “hormone hạnh phúc” mang lại những cảm giác của tình yêu, hạnh phúc và sự hài lòng. Nó giúp người ta thấy thư giãn, loại bỏ căng thẳng, dễ dàng kiểm soát hành vi.

Ngày nay, nhờ vào các loại thiết bị hiện đại, nghiên cứu khoa học đã nhận thấy rằng tư tưởng có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể. Các phản ứng tinh thần khác nhau tạo ra các biến đổi tại vỏ não, làm thay đổi mức độ hoạt động của các gen, sản xuất ra những hormone tương ứng với tâm trạng của bạn. Kết quả sẽ nhanh chóng phản ánh lên trên thân thể, biểu hiện các mức độ lão hóa nhanh, khỏe mạnh hay bệnh tật, hoặc giúp bạn vượt qua cơn bệnh.

Sự tích cực và những hành vi xuất phát từ lòng tốt làm giảm huyết áp, căng thẳng và cải thiện giác quan thông qua hệ thống thần kinh phó giao cảm (đặc biệt là ở các dây thần kinh phế).

Theo TS Hamilton, lòng tốt và sự từ bi làm thay đổi cấu trúc thần kinh của bộ não chúng ta. Nó có thể nhanh chóng hỗ trợ phục hồi các thương tổn tại tim, giúp kéo dài tuổi thọ, đồng thời cũng kích thích hệ thần kinh làm việc để chống lại các nguy cơ viêm nhiễm hay nhiều chứng bệnh bao gồm cả ung thư.

Riêng sự biết ơn có thể làm tăng mức độ hạnh phúc của bạn lên ít nhất là 25%.

Làm việc thiện giúp tăng cường hệ miễn dịch

Một góc nhìn khác từ quan điểm của hệ thống miễn dịch, người hay làm việc thiện thường có hệ thống miễn dịch mạnh mẽ.

Trong một thí nghiệm của Đại học Harvard, các học sinh được cho xem phim tài liệu về một người phụ nữ Mỹ dành cả cuộc đời sống ở Kolkata để giúp đỡ những người khuyết tật và khó khăn. Sinh viên xúc động sâu sắc, sau đó họ đã tiến hành các phân tích nước bọt của những sinh viên này và tìm thấy lượng globulin miễn dịch A tăng lên nhiều so với trước khi xem bộ phim tài liệu. Hơn nữa loại kháng thể này có thể ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp, vì vậy việc xem bộ phim tài liệu về những việc làm tốt này sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của họ.

Những phát hiện của khoa học hiện đại về ảnh hưởng của tinh thần lên thân thể mới được công bố nhiều trong thời gian gần đây nhưng điều này đã được các thầy thuốc cổ xưa đề cập đến. Hippocrates, ông tổ của y học phương Tây cho rằng: “Sức mạnh tự nhiên nội tại chính là những thầy thuốc chân chính.” Còn Đông y truyền thống cũng nhấn mạnh rằng “đỉnh cao của dưỡng sinh nằm trong tu dưỡng tinh thần”, còn nghiêm ngặt hơn khi yêu cầu kiểm soát tâm thái bình ổn trong mọi tình huống, không nên có những cảm xúc thái quá cho dù là vui, buồn, giận dữ hay lo lắng…

Nguyễn Nha

Xem thêm: