Rất nhiều người trong chúng ta có lẽ đều đã nghe qua lời khuyên rằng hãy ăn ít thịt đi, và ăn rau củ quả nhiều hơn. Tuy nhiên, lợi ích mà thói quen này mang lại cụ thể là như thế nào? Hãy cùng xem các kết quả nghiên cứu khoa học dưới đây.

di cho mua thit
(ảnh qua baogiaothong.vn)

Khi GDP trên đầu người gia tăng trên thế giới, người ta cũng tiêu thụ thịt và các chất “calo rỗng” nhiều hơn (như đường tinh luyện và chất béo động vật tinh luyện, chỉ có calo mà không chứa chất dinh dưỡng). Cùng với sự thay đổi này, tỷ lệ mắc bệnh mãn tính như bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường, và bệnh Alzheimer cũng leo thang. Tất cả các bệnh trên chiếm 7/10 số người tử vong trên toàn cầu.

Chúng ta đều biết, có thể ngăn ngừa được những căn bệnh quái ác, hoặc chí ít là điều trị hoặc đảo ngược quá trình của bệnh bằng cách tạo dựng chế độ ăn lành mạnh và thay đổi lối sống – nghĩa là hãy ăn ít thịt và thực phẩm chế biến sẵn. Nhưng thay vì dành tiền cho việc chăm sóc sức khỏe để phòng ngừa từ sớm những căn bệnh này, đa số chúng ta chỉ làm giảm các triệu chứng và kiểm soát tiến trình của bệnh.

Các nghiên cứu

Dưới đây là một số ví dụ cho thấy chỉ thay đổi chế độ ăn cũng có thể làm giảm 2 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới ra sao: bệnh tim mạch (bao gồm bệnh động mạch vành, đau tim, đột quỵ) và ung thư.

Những thiết bị tiên tiến đã cấp cứu kịp thời cho rất nhiều bệnh nhân đau tim và đột quỵ, tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhận ra rằng những công nghệ y học này không giải quyết được tận gốc vấn đề. Do đó, nếu chúng ta vẫn tiếp tục thêm dầu vào lửa, thì dập tắt đám cháy là điều bất khả thi.

Các số liệu khoa học cho biết 90% bệnh động mạch vành là có thể ngăn ngừa được. Bên cạnh việc dừng hút thuốc và tập thể dục thường xuyên, cách tốt nhất để phòng tránh căn bệnh này là ăn ít thịt và nhiều rau hơn.

Trong một nghiên cứu lớn với hơn 44.000 người đăng kí tham gia và theo dõi trong 11 năm, những người ăn chay (người không ăn thịt hay cá) có tỉ lệ mắc bệnh động mạch vành ít hơn 32% so với người ăn thịt. Quan trọng hơn, tỉ lệ này vẫn rõ ràng ngay cả khi họ hút thuốc hay không có thói quen rèn luyện thể chất thường xuyên.

>> Nghiên cứu: Cây cỏ chữa ung thư, chứ không phải hóa chất!

Với những người đã mắc bệnh động mạch vành, việc chuyển sang chế độ ăn nhiều rau sẽ mang lại kết quả tích cực cho sức khỏe. Một cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên và được kiểm soát nghiêm ngặt đã tìm ra rằng, ăn chay sẽ giúp đảo ngược quá trình làm hẹp mạch máu ở người bị bệnh động mạch vành, làm giảm nguy cơ tổn thương cơ tim xấp xỉ 2,5 lần.

Chế độ ăn ít thịt và nhiều rau cũng giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư. Ở một nghiên cứu khác với hơn 61.000 người và theo dõi liên tục trong gần 15 năm, những người ăn chay và người ăn chay kèm ăn cá có tỉ lệ mắc ung thư ít hơn 12% so với người ăn thịt. Còn những người ăn thuần chay thì có nguy cơ mắc ung thư thấp nhất.

Một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên tạp chí Nature đã phân tích kết quả từ 8 nghiên cứu lớn và phát hiện rằng: chế độ ăn vùng Địa Trung Hải (chứa ít thịt động vật), chế độ ăn chay kèm ăn cá và chế độ ăn thuần chay làm giảm tỷ lệ phát triển ung thư từ 7-13% và bệnh tiểu đường từ 16-41%.

Những người áp dụng chế độ ăn nhiều rau xanh không chỉ khỏe mạnh hơn mà còn sống lâu hơn. Trong số 73.000 người được nghiên cứu gần 6 năm, người ăn chay có nguy cơ tử vong thấp hơn 9% so với người ăn thịt. Thậm chí, tỷ lệ tử vong của những người ăn thuần chay còn thấp hơn người ăn thịt 15%.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard phát hiện ra rằng thay thế protein động vật bằng protein thực vật làm giảm tỷ lệ tử vong. Ví dụ, thay thế 3% lượng protein từ thịt đỏ đã chế biến bằng một lượng protein thực vật tương đương làm giảm 34% nguy cơ tử vong.

Không chỉ vậy, việc ăn nhiều rau xanh và ít protein từ động vật còn có quan hệ mật thiết đối với sức khỏe cộng đồng. Một nghiên cứu đăng trên Proceedings of the National Academy of Sciences chỉ ra rằng việc áp dụng rộng rãi chế độ ăn cắt giảm lượng thịt đỏ, ăn ít đường, dùng ít nhất năm phần trái cây và rau quả mỗi ngày sẽ loại bỏ 5,1 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới . Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng tăng chế độ ăn chay và thuần chay sẽ giảm tỷ lệ tử vong đáng kể.

Do đó, việc áp dụng rộng rãi chế độ ăn nhiều thực vật cũng có thể giúp tiết kiệm đáng kể chi phí chăm sóc sức khoẻ, điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Trong cùng nghiên cứu, các nhà khoa học ước tính rằng chế độ ăn ít thịt đỏ và đường sẽ tiết kiệm 735 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho các chi phí liên quan đến sức khoẻ toàn cầu vào năm 2050.

>> Điều gì đã xảy ra với các y tá sau 21 ngày ăn thuần chay?

Chỉ cần những thay đổi nhỏ…

an chay thuc vat
(ảnh: BigStock)

Chỉ vài thập kỷ trước, người tiêu dùng và bác sĩ vẫn coi việc hút thuốc lá là an toàn. Một vài thập kỷ nữa, mọi người cũng có thể nhận ra tác hại của việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm từ động vật và được chế biến sẵn. Nhưng liệu chúng ta có đủ khả năng để chờ hay không?

Từ những số liệu thống kê kể trên, các bác sĩ và cơ sở y tế công có trách nhiệm giáo dục và tư vấn cho người dân về lợi ích của chế độ ăn nhiều thực vật. Một số Viện chuyên khoa về y học, bao gồm Đại học Harvard và Đại học Cincinnati, đã bắt đầu giảng dạy kiến thức về thực dưỡng – cách ăn uống để phòng bệnh, thay vì phụ thuộc vào thuốc men.

Công ty phi lợi nhuận Wholesome Wave ở bang Georgia đã thí điểm Chương trình Kê đơn rau củ quả (Fruit and Vegetable Prescription Program). Đây là một bước tiến lớn giúp những công dân thu nhập thấp được sử dụng thực phẩm lành mạnh và được giáo dục về dinh dưỡng.

Những căn bệnh mãn tính đã trở thành vấn nạn toàn cầu, chúng cần phải được ngăn chặn và đảo ngược. Việc lựa chọn thực phẩm chính là một trong những nhân tố cơ bản gây ra vấn đề này. Mặc dù các chính sách bảo hiểm y tế chưa ổn định, công thức quan trọng nhất để duy trì sức khỏe và phòng bệnh đang nằm trong tay của chúng ta.

Theo George C.Wang, Civil Eats.
Minh Anh

Xem thêm: