Nghiên cứu mới nhất cho thấy, các tế bào ung thư vú nguyên phát giống như cú đêm, chúng sẽ lây lan nhanh hơn qua máu khi người bệnh ngủ. Vì vậy, nghiên cứu suy đoán cách điều trị vào ban đêm có thể hiệu quả hơn.

shutterstock 1808285917
(Nguồn: panyajampatong/ Shutterstock)

Ung thư vú là bệnh ung thư số một trên thế giới. Vào năm 2020, toàn thế giới có khoảng 2,3 triệu người được chẩn đoán bị ung thư vú. 99% các trường hợp ung thư vú là phụ nữ, hầu hết trong số họ từ 40 tuổi trở lên.

Yếu tố quan trọng trong việc điều trị thành công ung thư vú là chẩn đoán sớm. Ung thư khu trú trong ống dẫn sữa hoặc tiểu thùy ít có khả năng lây lan hơn và thường có thể được điều trị hiệu quả.

Tuy nhiên, một khi ung thư vú bắt đầu tạo ra các tế bào khối u tuần hoàn (CTC) thì chúng có thể di căn khắp cơ thể qua đường máu, tạo thành các khối u di căn hoặc thứ phát. Một khi điều này xảy ra, ung thư sẽ trở nên khó điều trị hơn.

Giờ đây, một nhóm nghiên cứu từ Viện Kỹ thuật liên bang Thụy Sĩ (ETH), Bệnh viện Đại học Basel và Đại học Basel đã phát hiện ra rằng: so với khi bệnh nhân thức thì khi bệnh nhân ngủ, các CTC lây lan và phân chia nhanh hơn nhiều.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho thấy liệu pháp kiểm soát thời gian có thể có hiệu quả đối với ung thư vú di căn.

Screen Shot 2022 07 05 at 5.35.28 AM
(Ảnh chụp màn hình nghiên cứu được đăng trên trang Nature)

Trước tiên, nghiên cứu xem xét một nhóm 30 phụ nữ, 21 người trong số họ bị ung thư vú giai đoạn đầu (chưa di căn) và 9 người trong số họ bị bệnh di căn giai đoạn IV. Nghiên cứu đã lấy mẫu máu vào lúc 10:00 sáng (hoạt động) và 4:00 sáng (ngủ) để phân tích xem CTC những mẫu này như thế nào: phát hiện kinh ngạc khi gần 80% CTC được tìm thấy trong các mẫu máu được lấy khi ngủ.

Sau đó, nghiên cứu thực hiện tương tự trên mô hình chuột bị ung thư vú. Ở chuột, nghiên cứu phát hiện ra rằng hầu hết CTC có trong các mẫu được lấy vào ban ngày là thời gian mà những động vật có vú sống về đêm này đang nghỉ ngơi, vì chuột có nhịp sinh học ngược lại với con người.

Ngoài ra, nghiên cứu nhận thấy rằng so với những thời điểm khác thì trong thời gian bệnh nhân nghỉ ngơi xảy ra quá trình nhân lên của tế bào dạng CTC vượt trội hơn, dẫn đến các tế bào ung thư có khả năng di căn hoặc lây lan tốt hơn. Các tế bào trong khối u vú nguyên phát cũng tăng sinh nhanh hơn trong thời gian nghỉ ngơi.

Việc phát hiện các CTC lây lan nhanh hơn vào ban đêm có thể hữu ích cho cả việc chẩn đoán và điều trị ung thư vú.

Giáo sư Nicola Aceto về ung thư học phân tử tại ETH Zurich đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết, phát hiện này có thể chỉ ra rằng các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cần phải ghi lại một cách có hệ thống khi họ làm sinh thiết.

Tiến sĩ Kotryna Temcinaite, giám đốc truyền thông về hoạt động nghiên cứu tại tổ chức từ thiện Breast Cancer Now của Vương quốc Anh cho biết, phát hiện này cho thấy vấn đề thời gian điều trị ung thư vú là rất quan trọng.

Giáo sư Acetto và nhóm của ông dự định nghiên cứu xem liệu các bệnh ung thư khác có biểu hiện tương tự hay không, qua đó để xác định liệu việc thay đổi thời gian điều trị có thể giúp cho điều trị ung thư hiệu quả hơn hay không.