Trong những nguyên nhân gây tử vong ở người thì ung thư thuộc loại hàng đầu, mặc dù số lượng người mắc bệnh ung thư tiếp tục gia tăng khiến ung thư bị xem là “sát thủ đáng sợ nhất” ám ảnh chúng ta. Tuy nhiên, thực tế chỉ cần tích cực điều trị và cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, kết hợp duy trì thói quen tập thể dục đều đặn, hầu hết bệnh nhân ung thư đều có thể trị liệu hiệu quả, thậm chí chữa khỏi bệnh.

bổ sung protein
Chất lượng protein của đậu nành tương tự như protein trứng và sữa, là nguồn bổ sung protein ưu tiên (Ảnh: Shutterstock).

Nghiên cứu cho thấy có 40% bệnh nhân ung thư tử vong vì “suy dinh dưỡng”, bởi vì các khối u sẽ “ác hóa” làm tăng vùng viêm nhiễm, làm giảm mức độ sử dụng và hấp thu protein, ảnh hưởng đến hấp thu thức ăn, chất lượng cơ bắp, trọng lượng cơ thể. Các chuyên gia cho biết protein là đặc biệt quan trọng!

Bù đắp dinh dưỡng chống lại ung thư

Nhiều người lo lắng hấp thu dinh dưỡng quá tốt sẽ làm tế bào ung thư phát triển nhanh hơn, nhưng trên thực tế “bỏ đói” không làm chết tế bào ung thư. Ngược lại, trong lâm sàng cho thấy, nếu trong thời gian điều trị ung thư, bệnh nhân ung thư được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, giúp duy trì trọng lượng cơ thể để chống lại những tác dụng phụ trong quá trình điều trị gây ra, tăng sức đề kháng với nhiễm trùng, bảo đảm chức năng tiêu hóa, sẽ có tác dụng đẩy nhanh khả năng phục hồi, nâng cao tỷ lệ hoàn thành xạ trị, và qua đó giảm thiểu số ngày nhập viện.

Người bị ung thư cần bổ sung bao nhiêu dinh dưỡng

Bao nhiêu dinh dưỡng là đủ? Thức ăn bệnh nhân ung thư ăn cũng không có khác biệt so với người bình thường, chủng loại càng đa dạng càng tốt, nhưng để có thể có đủ thể lực nhằm vượt qua nỗi đau đớn trong thời gian điều trị, kiến nghị tổng lượng calo hấp thu hàng ngày nên cao hơn 20% so với khi chưa bị bệnh, còn protein thì tăng thêm 50%.

Thông thường lượng calo hấp thu của người lớn khỏe mạnh là 30 kcal cho mỗi kg trọng lượng cơ thể, còn protein là 1 gram protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể. Theo nguyên tắc này, giả sử một người bệnh ung thư nặng 60 kg đang trong thời gian điều trị thì lượng calo hấp thu hàng ngày cần tăng từ 1800 calo lên mức 2160 calo (36 calo cho mỗi kg trọng lượng cơ thể), còn lượng protein hàng ngày từ 60 gram tăng lên đến 90 gram (1,5 gram protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể), tăng tỷ trọng chiếm calo hàng ngày từ 14%  lên 17% (lượng calo cho mỗi gram protein là 4 kcal), do đó tỷ lệ hấp thu giữa ba loại chất dinh dưỡng quan trọng (protein, chất béo, carbohydrates) và sáu loại lương thực chính (ngũ cốc, dầu mỡ, đậu cá thịt trứng, sữa, rau, trái cây) phải được điều chỉnh lại.

Calo, protein và dầu cá là chất dinh dưỡng thiết yếu

Khi trọng lượng cơ thể suy giảm sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, như vậy đối với bệnh nhân ung thì loại chất dinh dưỡng cần thiết hàng ngày là gì? Calo, protein và dầu cá là ba chất dinh dưỡng thiết yếu, lượng calo tốt nhất cho mỗi ngày là 30-35 kcal cho mỗi kg cân nặng, còn protein là 1,2 – 1,5 gram, và dầu cá là từ 2 gram trở lên mới đủ chống viêm và giúp duy trì tổ chức cơ bắp, tăng cường sức mạnh thể chất và liều lượng hoạt động, qua đó giúp giảm tỷ lệ bị nhiễm trùng phải nhập viện. Nhưng nếu cân nặng của bệnh nhân bị đang bị suy giảm thì phải tăng mức protein và calo để giúp người bệnh giải quyết vấn đề thiếu dinh dưỡng, lấy lại cân nặng.

Chú ý! Chế độ của bệnh nhân ung thư thận cần “protein thấp”

Cần nhấn mạnh, đối với bệnh nhân ung thư thận, vì tế bào bất thường của thận gia tăng để tạo thành khối u, gây tổn hại nhất định đến chức năng thận, do đó chế độ ăn phải theo nguyên tắc “protein thấp”, căn cứ vào chỉ số độ lọc cầu thận (GFR = glomerular filtration rate), lượng protein hàng ngày giảm từ 0,6-0,8 gram mỗi kg trọng lượng cơ thể để tránh sinh quá nhiều chất thải chứa nitơ làm tăng gánh nặng cho thận. Nhưng đồng thời tổng lượng calo hấp thu vẫn không được thấp hơn người bệnh ung thư loại khác; về lâm sàng đa số kiến nghị nên dùng “tinh bột protein thấp” và số lượng “dầu thực vật” vừa phải để chế biến đồ ăn nhẹ, chẳng hạn như: bộ sago (loại tinh bột chiết xuất từ ​​ruột xốp của nhiều loại cây cọ nhiệt đới khác nhau), bột sắn hột (tapioca ball), sương sáo (thạch đen hoặc thủy cẩm) hoặc bánh pudding, để cung cấp đủ lượng calo cho cơ thể.

Phối hợp như thế nào giữa protein động vật và protein thực vật?

Đã biết protein đóng một vai trò quan trọng đối với hiệu quả quá trình trị liệu chống ung thư, vậy thì đối với hai loại protein nguồn gốc động vật và thực vật, phải lựa chọn như thế nào?

Chất lượng protein là tốt hay xấu thường được đánh giá bằng “giá trị sinh học” (biological value, gọi tắt là BV), giá trị sinh học càng cao thì chất lượng càng tốt, tương ứng lượng chất thải có ni-tơ (đạm) sản sinh trong quá trình trao đổi chất càng nhỏ, có thể được cơ thể hấp thụ và sử dụng.

Về nguyên tắc, thực phẩm protein động vật đa số là protein có giá trị sinh học cao, còn protein thực vật do thiếu các axit amin thiết yếu nên được phân loại là protein có giá trị sinh học thấp. Nhưng các nghiên cứu gần đây đã xác minh rằng protein đậu nành có chất lượng như protein trứng và sữa (trứng 94, sữa 84, đậu nành 74) và cũng là loại thực phẩm protein có giá trị sinh học cao, được xem là thực phẩm bổ sung protein cần ưu tiên.

Lượng protein mà người bệnh ung thư hấp thu hàng ngày nên đảm bảo 50-75% từ thực phẩm protein có giá trị sinh học cao, trong đó ưu tiên protein các loại thịt trắng (ví dụ như: cá, thịt gà) có chất béo bão hòa tương đối thấp, hạn chế thịt đỏ. Còn protein từ gạo, mì và rau quả có giá trị sinh học thấp, không dùng tùy tiện, lời khuyên là nên dùng dưới chỉ dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.

Phối hợp B6 và axit folic để tăng hiệu quả hấp thụ protein

Protein là một thành phần quan trọng để xây dựng cơ thể người và tu sửa các bộ phận, đối với người bệnh ung thư bổ sung hợp lý protein sẽ làm giảm tác dụng phụ của điều trị và tăng hiệu quả điều trị, nhưng hiển nhiên không phải dùng càng nhiều protein càng tốt, cần có giới hạn trong mỗi bữa ăn. Kiến nghị lượng protein cần thiết mỗi ngày nên được phân phối đồng đều trong cả 3 bữa của ngày (thậm chí là cả trong lúc ăn nhẹ), tránh tập trung quá nhiều vào một hoặc hai bữa ăn trong ngày.

Để hấp thụ và sử dụng protein tốt hơn, kiến nghị nên dùng các loại thực phẩm giàu vitamin B6 và axit folic. Vitamin B6 giúp chuyển hóa protein, axit folic giúp tổng hợp protein. Bản thân các loại thịt thì giàu B6, cần phối hợp với rau quả là loại giàu axit folic.

Nhưng cần lưu ý, dầu mỡ nên cố gắng chọn loại nguồn gốc thực vật như: dầu canola, dầu ô liu, dầu đậu phộng, dầu hạt trà hoặc dầu vừng; tránh dầu mỡ động vật không có lợi cho sức khỏe (chẳng hạn như: thực phẩm chiên) hoặc đồ ăn nhẹ có chứa chất béo không bão hoà (ví dụ như: margarine), và hạn chế tiêu thụ nhiều chất béo và muối, đặc biệt cần hạn chế ăn các món chiên cũng như thịt mỡ.

Thanh Xuân

Xem thêm: