Sỏi thận là một bệnh lý đường tiết niệu phổ biến và gây ra rất nhiều đau đớn cho bệnh nhân. Vậy nguyên nhân nào gây ra sỏi thận, sỏi đường tiết niệu cùng các loại sỏi khác. Cách đơn giản nhất để ngăn ngừa hay giúp tống sỏi ra khỏi cơ thể là gì?

dau than 3
Uống nhiều nước là một trong những cách đơn giản nhất để loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể và ngăn ngừa sỏi đường tiết niệu. (Ảnh: Cinemanikor/ Shutterstock)

Sỏi đường tiết niệu không chỉ gây ra những cơn đau dữ dội, tiểu ra máu mà còn kèm theo những vấn đề sau:

Một phần lớn lượng nước mà con người hấp thu hàng ngày được tạo thành nước tiểu qua thận, sau đó chảy vào niệu quản, bàng quang và cuối cùng thải ra ngoài qua niệu đạo.

Sỏi có thể hình thành nếu nước tiểu lắng đọng các tinh thể ở bất kỳ đâu. Sỏi có thể xuất hiện ở các bộ phận khác nhau để tạo thành sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo, chúng được gọi chung là sỏi niệu.

Mọi người thường không cảm thấy và không biết mình có sỏi trong cơ thể nếu không đến bệnh viện để kiểm tra. Tuy nhiên, một khi sỏi gây kích ứng hoặc tắc nghẽn, sỏi ở các bộ phận khác nhau có thể gây ra các triệu chứng như:

Sỏi thận: Hầu hết sỏi đường tiết niệu đều bắt đầu từ sỏi thận, khi sỏi thận di chuyển sẽ gây ra tình trạng đau lưng dữ dội và tiểu ra máu. Cơn đau cũng có thể xảy ra nếu sỏi thận rơi xuống mắc kẹt trong niệu quản, dễ gây phù nề và đau đớn.

Giáo sư, bác sĩ Trần Dục tại khoa tiết niệu, Bệnh viện Chang Gung, Đài Loan, chỉ ra rằng nếu đó là một loại sỏi thận rất ổn định thì không nhất thiết phải điều trị. Chỉ cần khám định kỳ thường xuyên, theo dõi kích thước của viên sỏi, xem nó có gây nhiễm trùng, tiểu ra máu và đau hay không. Bệnh nhân bị sỏi thận đôi khi không thấy rõ các biểu hiện như tiểu ra máu mà chỉ cảm thấy đau, và lầm tưởng rằng mình bị thương hoặc bị va đập gây đau đớn. Đôi khi đó là cơn đau do chấn thương vùng lưng dưới hoặc do bị sỏi gây ra, do đó, khi cơn đau không thể chịu đựng được, tốt nhất bạn nên đi khám.

Sỏi niệu quản: Phần lớn sỏi ở khu vực này là do sỏi thận sa xuống và bị tắc nghẽn. Sỏi niệu quản không chỉ khiến người bệnh đau dữ dội vùng thắt lưng mà cơn đau có thể lan xuống bìu, bẹn. Loại đau này thậm chí có thể ảnh hưởng đến nhu động của ruột, gây khó chịu cho dạ dày và đầy hơi.

Cả sỏi thận và sỏi niệu quản đều có thể gây ra những cơn đau dữ dội, giáo sư Trần Dục nhấn mạnh rằng mức độ đau này “chỉ đứng sau mức độ đau của sinh con”.

Sỏi bàng quang: So với thận và niệu quản thì bàng quang có không gian rộng hơn, sỏi bàng quang chỉ thỉnh thoảng mới có triệu chứng đau, phần lớn có cảm giác tức bụng dưới, xuất hiện triệu chứng tiểu máu, tiểu nhiều lần. Do có chỗ cho sỏi di chuyển trong bàng quang, dễ lăn lộn khiến bàng quang nhạy cảm hơn và đi tiểu nhiều lần.

Sỏi niệu đạo: Niệu đạo là ống dẫn từ bàng quang ra ngoài cơ thể, các cục sỏi nhỏ bị mắc kẹt trong niệu đạo trong quá trình tiết dịch sẽ gây ra các triệu chứng như tiểu ra máu, đau, dòng nước tiểu loãng và đi tiểu không đều.

dau than 2
Cơn đau do sỏi đường tiết niệu gây ra liên quan đến kích thước của sỏi, sỏi càng nhỏ thì người bệnh càng đau. (Ảnh: Anbu-Creations/ Shutterstock)

Các cơn đau do sỏi đường tiết niệu gây ra cũng liên quan đến kích thước của sỏi. Bác sĩ Trần Dục cho biết, sỏi càng nhỏ thì càng gây đau, còn sỏi càng lớn thì càng ít đau vì nó không di chuyển xung quanh. Vì vậy, ông sẽ nói với bệnh nhân rằng cơn đau không nhất thiết là một điều xấu, nó có nghĩa là viên sỏi tương đối nhỏ.

Một số ít bệnh nhân sỏi thận có thể cảm thấy đau lưng lúc bình thường, nhưng một số bệnh nhân rất kiên trì và giữ cho viên sỏi lớn dần. Kết quả là không thể điều trị một cách đơn giản, thậm chí phải phẫu thuật.

Thường có 4 nguyên nhân chính gây ra sỏi thận

Sỏi có thể được chia thành 4 loại theo thành phần cấu tạo của chúng. Trong đó, loại thứ nhất là sỏi canxi. Bác sĩ Nhan Tông Hải, Giám đốc Khoa Nhiễm độc của Bệnh viện Chang Gung, cho biết sỏi canxi chiếm hơn 80 đến 90% tổng số bệnh nhân, chủ yếu là canxi oxalat, canxi photphat, trong đó canxi oxalat là phổ biến nhất. Loại thứ hai là sỏi acid uric chiếm khoảng 5%. Ngoài ra, còn có sỏi truyền nhiễm và sỏi cystine, hai loại này chiếm tỷ lệ nhỏ hơn.

Sỏi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng những nguyên nhân sau đây là phổ biến nhất:

1. Di truyền, tiền sử gia đình

Nếu cha mẹ và những người thân khác có người mắc bệnh sỏi thì khả năng bản thân họ mắc bệnh sẽ cao hơn.

Giám đốc Nhan cho biết: “Một số bệnh nhân bị sỏi thận trong gia đình của họ, và thế hệ sau cũng có khả năng bị sỏi thận.” Di truyền là một lý do, một yếu tố khác là do cùng một gia đình nên chế độ sống và ăn uống giống nhau.

2. Chất lượng nước

Bác sĩ Trần Dục phát hiện ra rằng việc sử dụng nước trong môi trường cũng liên quan đến sự hình thành sỏi. Ông lấy Đài Loan làm ví dụ, theo thống kê, số bệnh nhân mắc sỏi ở thành phố Đào Viên nhiều hơn thành phố Đài Bắc. Bởi vì Đài Bắc sử dụng nước từ Hồ Phỉ Thúy, còn ở Đào Viên sử dụng nước ở Hồ chứa Shimen, trong khi chất lượng nước của Hồ chứa Shimen có kết cấu cứng hơn một chút.

Chất lượng nước có kết cấu cứng hơn cũng đồng nghĩa với việc nó có chứa nhiều ion canxi hơn, nếu uống vào cơ thể sẽ lắng đọng và tạo thành sỏi với xác suất cao hơn.

Bác sĩ Trần Dục gợi ý rằng nếu người dân sống ở những khu vực có nước cứng, họ có thể lắp một bộ lọc nước nhỏ để bẻ gãy một số cấu trúc phân tử trong nước giúp nước mềm hơn. Tương tự, nếu là bệnh nhân có tiền sử sỏi đường tiết niệu thì nên uống nhiều nước tinh khiết.

3. Thói quen ăn uống

Giám đốc Nhan nói: “Bệnh nhân bị sỏi thận cũng liên quan đến thói quen ăn uống.”

Những người không thích uống nước, mà lại thích ăn thức ăn có mùi vị nặng như thịt, thường xuyên uống rượu bia thì rất dễ bị sỏi canxi oxalat.

Người thích ăn thức ăn có chứa purine như nội tạng, hải sản cũng dễ bị sỏi axit uric. Những người như vậy cũng dễ bị bệnh gút do axit uric trong cơ thể cao.

Ngoài ra, một số người dùng sai thực phẩm chức năng như nạp quá nhiều canxi, vitamin C, vitamin D cũng có thể gây sỏi.

Giám đốc Nhan giải thích rằng vitamin D sẽ làm tăng hấp thu canxi và phốt pho ở đường tiêu hóa, vì vậy nếu ăn quá nhiều vitamin D dễ gây ra tình trạng canxi trong máu cao và gây sỏi thận. Vitamin C sau khi được chuyển hóa trong cơ thể sẽ tạo ra axit oxalic, nếu bổ sung liều lượng cao thì nồng độ axit oxalic trong nước tiểu sẽ tăng cao, đây cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ tạo sỏi.

Nói chung, ảnh hưởng của chất lượng nước và chế độ ăn uống đối với sỏi là có thời gian rất dài.

4. Bệnh tật và nhiễm trùng

Bệnh gút, tiểu đường, béo phì, đường tiêu hóa hấp thu kém, phì đại tuyến tiền liệt hoặc các bệnh chuyển hóa như nhiễm toan ống thận xa, cường cận giáp, hoặc một số bệnh di truyền đều có thể gây sỏi niệu đạo.

Nghiên cứu y học về các bệnh đi kèm của bệnh nhân sỏi thận cho thấy đó là các bệnh chuyển hóa như béo phì, tiểu đường, gút đều có điểm chung trong chế độ ăn là nhiều natri, nhiều dầu, nhiều đường và độ tinh khiết cao.

Phì đại tuyến tiền liệt rất dễ gây sỏi bàng quang, vì bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt có triệu chứng đi tiểu ngắt quãng, cột nước tiểu nhẹ và tiểu không sạch. Khi có nước tiểu tồn đọng trong bàng quang mỗi khi đi tiểu, các tinh thể sẽ lắng đọng trong bàng quang, dễ gây sỏi bàng quang. Điều này rất phổ biến.

Mọi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu đều có thể gây nhiễm trùng đường tiểu, vi khuẩn Gram âm gây nhiễm trùng đường tiểu, dễ bị sỏi. 

Nhiễm toan ống thận xa là một yếu tố nguy cơ chính của sỏi nhiễm trùng. Các rối loạn chức năng dẫn truyền khác cũng có thể gây nhiễm trùng, chẳng hạn như đường thoát thận và đường tiết niệu hẹp bẩm sinh, hẹp niệu quản và phì đại tuyến tiền liệt.

Phần lớn bệnh nhân bị sỏi là nam giới. Còn phụ nữ bị sỏi thường nguyên nhân chủ yếu là do các vấn đề về nội tiết, chẳng hạn như cường cận giáp nguyên phát. Vai trò của tuyến cận giáp trong thận là giữ lại canxi và đào thải phốt pho, bệnh này sẽ luôn sản sinh ra hormone tuyến cận giáp và cuối cùng biến thành sỏi thận.

Các yếu tố khác bao gồm thời tiết, chẳng hạn như mùa hè nắng nóng, mồ hôi ra nhiều nếu không được bổ sung nước kịp thời rất dễ gây sỏi đường tiết niệu.

dau than
Đa số bệnh nhân sỏi niệu là nam giới. (Ảnh: Andrey Mihaylov/ Shutterstock)

Cách dễ nhất để ngăn ngừa tất cả các loại sỏi

Trong các yếu tố gây sỏi đường tiết niệu, nếu có liên quan đến cấu trúc bẩm sinh, các bệnh lý bất thường về nội tiết thì thường phải phẫu thuật và kiểm soát bằng thuốc để giải quyết tận gốc. Còn đối với các loại sỏi khác do tiền sử gia đình, thức ăn, nguồn nước gây ra, thì có những cách đơn giản để phòng tránh. Một trong số đó là uống nhiều nước.

1. Uống nhiều nước

Sỏi đường tiết niệu ở bất kỳ phần nào cũng có thể được ngăn ngừa bằng cách uống nhiều nước.

“Đây là cách tốt nhất,” bác sĩ Trần nói. Bởi vì sỏi phát triển chậm từ các tinh thể, sau đó chúng trở thành những viên đá lớn. Đường kính trong của niệu quản khoảng 0,5 cm, nếu sỏi nhỏ hơn 0,5cm thì uống nhiều nước sẽ có cơ hội tống chúng ra ngoài cơ thể và thải ra ngoài.

Tương tự, đối với bệnh nhân sỏi đường tiết niệu, nếu sỏi dưới 0,5 cm và không bị tắc nghẽn, nhiễm trùng, tiểu máu và đau thì chỉ cần uống nhiều nước và tái khám thường xuyên.

Một phân tích tổng hợp năm 2015 cho thấy rằng cứ tăng 500ml nước vào cơ thể có khả năng mắc bệnh sỏi thận thấp hơn đáng kể. Tổng quan Cochran năm 2020 khẳng định thêm rằng nếu những người đã từng bị sỏi uống càng nhiều nước thì khả năng tái phát sỏi trong cơ thể càng thấp, thậm chí nếu tái phát thì thời gian tái phát sẽ lâu hơn.

Để ngăn ngừa sỏi đường tiết niệu và sỏi tái phát, nên uống từ 2,5 đến 3 lít nước mỗi ngày. 

2. Bổ sung axit citric

Axit citric có thể kết hợp với canxi trong nước tiểu, làm giảm nồng độ của ion canxi, từ đó giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận. Axit citric cũng liên kết với các tinh thể canxi oxalat, ngăn chặn các tinh thể canxi oxalat hình thành sỏi.

Do đó, có thể thêm chanh, cam, bưởi, táo và các loại trái cây giàu axit citric khác vào thức ăn. Hoặc cắt chanh trong nước sôi, uống nước bưởi, táo, cam vừa phải để có thể làm giảm sự hình thành sỏi.

3. Chế độ ăn ít natri và vừa phải canxi

Chế độ ăn nhiều natri sẽ làm tăng hàm lượng canxi trong nước tiểu, canxi trong nước tiểu sẽ kết hợp với axit oxalic và axit photphoric tạo thành sỏi canxi oxalat và canxi photphat. Do đó, bệnh nhân sỏi được khuyên nên áp dụng chế độ ăn ít natri.

Ngoài ra, cần bổ sung lượng canxi vừa phải và ăn uống điều độ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn ít canxi có thể làm tăng sự hình thành sỏi thận. Bởi vì, khi không có đủ canxi trong đường tiêu hóa để kết hợp với axit oxalic trong chế độ ăn uống, nồng độ axit oxalic trong cơ thể sẽ tăng cao, dẫn đến tăng bài tiết axit oxalic qua nước tiểu, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Tương tự, viên canxi phải được uống trong bữa ăn để tránh tăng nguy cơ tạo sỏi.

Bác sĩ Trần cho rằng nếu không có tiền sử bệnh di truyền và bệnh sỏi, những người bị loãng xương có thể bổ sung canxi một cách bình thường. Nếu có tiền sử bệnh liên quan, không nên bổ sung quá nhiều canxi, ngoài ra nên ăn ít đậu phụ, đậu phụ khô và viên canxi. Vì những người này trong cơ thể đã có đủ lượng canxi và không cần bổ sung thêm.

dau phu
Nếu bạn có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến sỏi thì không nên ăn đậu phụ và đậu phụ khô quá thường xuyên. (Ảnh: myboys.me/ Shutterstock)

Tuy nhiên, những người đã từng mắc bệnh sỏi đường tiết niệu rất dễ bị tái phát, ngay cả khi chế độ ăn uống trên có thể giảm nguy cơ mắc bệnh thì vẫn có khả năng tái phát.

Cho dù sỏi trong cơ thể đã được làm sạch nhưng tỷ lệ tái phát vẫn là 30%. Một nghiên cứu năm 2016 cũng cho thấy những người lần đầu tiên bị sỏi có tỷ lệ tái phát lên đến 50% trong vòng 5 năm đầu tiên. 

Hơn nữa, những người thường xuyên bị sỏi thận cũng dễ bị ảnh hưởng đến chức năng của thận và gây suy thận mãn tính. Vì vậy, bệnh nhân sỏi niệu được khuyến cáo thăm khám định kỳ hàng năm.