Thực tế nơi dễ phát sâu răng là các kẽ răng và các vùng trũng trên bề mặt răng, nhưng khi chải răng lông bàn chải đánh răng thường không chạm được vào các khu vực này. Dĩ nhiên liên quan đến sâu răng còn nhiều yếu tố khác nằm ngoài vấn đề chải răng.

chải răng
Mặc dù đã đánh răng cẩn thận nhưng nhiều người vẫn thường bị sâu răng (Ảnh: Shutter Stock)

Tại Nhật Bản, theo Báo cáo Điều tra về bệnh nha khoa năm 2011 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (thực hiện theo chu kỳ 6 năm một lần), có tới 95% công dân trong độ tuổi từ 20 đến 80 tuổi bị sâu răng (tính cả những người hoàn thành việc điều trị). Không chỉ sâu răng, còn có 86% người trên 30 tuổi và dưới 80 tuổi bị bệnh nha chu hoặc mọc thừa răng. Tỷ lệ số người bị răng hai hàm không khớp rất cao, khoảng 44% người trên 12 tuổi và dưới 20 tuổi bị răng mọc so le không đồng đều.

Trên thực tế, mọi người đều đánh răng cẩn thận hàng ngày, tại sao số người có vấn đề sức khỏe răng miệng lại cao như thế?  Các bác sĩ nha khoa đã chỉ ra nơi dễ bị sâu răng là các kẽ răng và các vùng trũng trên bề mặt răng, vì khi chải răng lông bàn chải đánh răng thường không chạm được vào các khu vực này. Ngoài ra, những vùng cáu bẩn trên răng bị loại bỏ trong quá trình chải răng lại thường chỉ là những vùng mà vốn dĩ không dễ bị sâu răng…

Nguyên nhân gây sâu răng

1. Kẽ răng và những rãnh lõm sâu trên bề mặt răng

Nha sĩ Phó Lập Chí (Fu Lizhi) người phụ trách  khoa răng giả tại Bệnh viện Đại học Y khoa Trung Quốc ở Đài Loan chỉ ra, sâu răng thường xảy ra ở các kẽ răng và bề mặt nhai của răng hàm, là những vùng không dễ dàng để làm sạch; thực phẩm thường bám lại tại những vùng này. Đây cũng là lý do giải thích nhiều người dù đánh răng kỹ lưỡng nhưng vẫn bị sâu răng.

2. Ăn quá lâu, đánh răng quá muộn

Thời gian ăn là một trong những yếu tố của sâu răng. Thời gian ăn quá lâu? Để khoảng cách quá lâu mới đánh răng? Tất cả đều ảnh hưởng đến tỷ lệ bị sâu răng.

Bác sĩ Lý Nhã Linh (Li Yaling), Trưởng Khoa răng miệng Bệnh viện thành phố Đài Bắc cho biết, dùng đồ ăn càng lâu khiến thức ăn nằm trong miệng thời gian càng dài, càng dễ tạo ra môi trường có tính axit thích hợp cho sâu răng.

3. Ăn quá nhiều thức ăn có đường

Sâu răng là do vi khuẩn răng (vi khuẩn cariogenic) trong khoang miệng, chúng sử dụng đường làm nguyên liệu tạo thành axit, và axit gây ăn mòn răng gây ra. Vi khuẩn cariogenic là vi khuẩn bình thường trong miệng, bất kỳ người nào cũng có, đây là loại vi khuẩn phổ biến, không thể loại bỏ hoàn toàn chúng khỏi miệng cũng như phòng ngừa bị nhiễm phải. Vì vậy, nói đơn giản thì nguyên nhân gây sâu răng là do hấp thu đường quá nhiều, đây là loại bệnh gây ra bởi đường dư thừa.

Trong vấn đề này có thể kể một số loại chất ngọt gây nguy cơ sâu răng cao là đường kính hoặc xi-rô bắp là những loại vị ngọt mạnh, tương tự là những chế phẩm nước trái cây, món tráng miệng hoặc kem.

Không có vi khuẩn thì không gây sâu răng, còn đường là thức ăn ưa thích nhất của vi khuẩn. Khi có thức ăn bổ dưỡng là vi khuẩn sẽ sinh sôi không ngừng. Trong quá trình vi khuẩn sinh sôi sẽ chuyển hóa axit làm cho men răng bị xói mòn, ngoài ra còn ăn vào những vùng trũng của răng, gây sâu răng.

Bác sĩ Hoàng Thanh Khôn (Huang Sheng Kun) Chủ nhiệm Khoa răng Bệnh viện Kỷ niệm Trường Khánh (Chang Gung Memorial Hospital) tại Đài Bắc cũng đã đề cập đến vấn đề tỷ lệ sâu răng là không giống nhau ở những người thích ăn đồ ăn nhẹ, ăn bánh ngọt và ăn hạt có vỏ cứng.

4. Môi trường miệng thích hợp cho sự phát triển của vi khuẩn

Có những người không thích ăn đồ ngọt, đánh răng cũng kỹ lưỡng nhưng vẫn bị sâu răng, hiện tượng này có thể do thể trạng. Bác sĩ Phó Lập Chí (Fu Lizhi) cho biết, răng mỗi người không hoàn toàn giống hệt nhau, “có thể do yếu tố gien, có những người môi trường miệng không có lợi cho sự tồn tại của vi khuẩn, hoặc chất men răng khá cứng.”

Nước bọt cũng đóng vai trò quyết định vấn đề sâu răng dễ hay khó. Bác sĩ Hoàng Thanh Khôn cho rằng hầu hết nước bọt mọi người có độ pH khoảng giữa pH5.5 ~ 7, người có độ pH nước bọt từ 7 trở lên rất khó bị sâu răng, còn từ 5,5 trở xuống thì dễ bị sâu răng hơn. Ngoài ra, những người có ít nước bọt cũng thường dễ bị sâu răng.

Ý nghĩa của đánh răng

Đánh răng không thể chữa sâu răng, cũng không thể chữa bệnh nha chu. Dù vậy thì thực tế này không có nghĩa là việc đánh răng hoàn toàn vô nghĩa. Đối với những bệnh nhân đã mắc bệnh nha chu thì đánh răng là nhiệm vụ cần thiết.

Trong điều trị bệnh nha chu thì nâng cao sức miễn dịch của cơ thể là rất quan trọng, nhưng cũng đồng thời phải cải thiện về vệ sinh cơ thể giúp khả năng miễn dịch tốt hơn. Ở đây thì đánh răng có ý nghĩa quan trọng. Sau khi bị bệnh nha chu, đánh răng để loại bỏ cặn bẩn bám vào hệ thống nha chu sẽ nâng cao khả năng phục hồi của hệ thống nha chu.

Những vùng cặn bẩn bám vững chắc vào bề mặt răng sẽ trở thành những vùng lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, ở đây chỉ dựa vào đánh răng không thể đủ khả năng loại bỏ hết được, cần phải nhờ bác sĩ nha khoa để làm sạch.

Điều phiền hà nhất là loại bỏ cặn bẩn tại những vùng nướu răng (vùng tiếp giáp răng và lợi). Để loại bỏ hoàn toàn những cáu bẩn khu vực này phải qua thủ thuật mở rộng phần nướu răng làm lộ chân răng ra mới có thể loại bỏ được cáu bẩn chìm khuất trong khu vực này.

Nhìn chung, để phòng ngừa từ sớm hãy sửa đổi thói quen ăn uống sai lầm, ăn thức ăn tốt cho sức khỏe, uống nhiều nước, hạn chế đồ ngọt, bằng cách này không chỉ có thể ngăn ngừa sâu răng và bệnh nha chu mà còn giúp bảo vệ hiện trạng sức khỏe của cơ thể. Việc đảm bảo đúng về thời gian đánh răng cũng có hiệu quả hạn chế sâu răng.

Thanh Xuân

Xem thêm: