Nhiều người nhầm lẫn ngộ độc rượu methanol với say rượu thông thường khiến cho tỉ lệ tử vong rất cao, do đó nhận biết và xử sớm là vô cùng cần thiết.

Sự việc 7 người tử vong vì ngộ độc methanol trong rượu mới đây tại Lai Châu khiến các nhiều người thực sự lo ngại. Theo bác sĩ Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) phát biểu với báo Tuổi Trẻ, ngộ độc methanol trong rượu có dấu hiệu gia tăng về số lượng và mức độ nặng. Trước đây các bác sĩ của trung tâm có một thống kê trong 2 năm tiếp nhận 30 người ngộ độc methanol, tức là mỗi tháng có trên 1 trường hợp, nhưng thời gian gần đây thì 1-2 tuần lại gặp 1 trường hợp.

Methanol còn gọi là rượu gỗ, trước đây được điều chế bằng cách phân hủy gỗ, nay được tổng hợp bằng hydro và carbon dioxit. Methanol không dùng để uống, mà dùng trong công nghiệp nên thường được gọi là cồn công nghiệp. Cần lưu ý rằng loại rượu duy nhất để uống tên là rượu ethanol, có chứa cồn ethanol.

Nếu sản xuất đúng quy trình thì lượng methanol có trong rượu thấp dưới mức cho phép. Khi điều chế sai phương pháp, thậm chí vì để kiếm lời mà pha thêm methanol, thì hàm lượng methanol trong rượu rất cao, dễ gây ngộ độc nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Nguy hiểm hơn cả là nếu chỉ dùng các giác quan thông thường như nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó phát hiện được rượu chứa hàm lượng methanol cao hay không.

Tử vong thường là do uống rượu chứa methanol

Rượu thật chỉ khiến người uống say xỉn, gây chết người chủ yếu là rượu cồn công nghiệp methanol (Ảnh chụp/ Youtube)
Rượu thật chỉ khiến người uống say xỉn, gây chết người chủ yếu là rượu cồn công nghiệp methanol (Ảnh chụp/ Youtube)

Trên thực tế rượu thật (rượu ethanol) hiếm khi khiến người uống tử vong. Nhưng uống rượu có nồng độ methanol vượt quá ngưỡng cho phép lại dễ cướp đi sinh mạng hơn nhiều, nhất là khi rất khó phân biệt được rượu có chứa nhiều methanol hay không chỉ bằng các giác quan thông thường.

Trong cơ thể, methanol được chuyển hóa thành axit formic, một chất có trong nọc độc của kiến. Khi tích lũy trong máu axit formic sẽ làm tổn thương nhiều tổ chức trong cơ thể, dẫn đến:

  • Suy thận
  • Suy tim, suy tuần hoàn
  • Tổn thương gan
  • Tổn thương thị giác, có thể gây mù
  • Tổn thương thần kinh

Cuối cùng người uống có thể tử vong, hoặc thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng vẫn có thể mang những di chứng nặng nề như mù, suy thận, mất trí nhớ…

>> ‘Cẩm nang toàn tập’ phòng chống say xỉn cho người hay phải uống rượu bia

Nhận biết ngộ độc rượu methanol

Khi cấp cứu ngộ độc methanol, thời gian là vàng. Tuy nhiên vào những giờ đầu, các triệu chứng ngộ độc này rất dễ bị nhầm lẫn với say rượu thông thường. Các dấu hiệu ban đầu có thể chỉ nhẹ như buồn nôn, nôn, đau bụng, khiến nạn nhân không chú ý nhiều.

12-24 giờ sau uống, các triệu chứng bắt đầu nặng lên, như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đặc biệt là nhìn mờ, nhìn thấy toàn màu trắng (tựa như đang trong cơn bão tuyết). Đáng ngại là vào lúc này mọi người thường đã hoàn toàn say và đi ngủ, do đó có nhiều trường hợp phát hiện ra thì đã quá muộn.

Ngộ độc methanol thường gây tổn thương dây thần kinh thị giác và võng mạc mắt, nên ảnh hưởng đến thị giác; người uống có thể xuất hiện các rối loạn thị giác như nhìn mờ, sợ ánh sáng, nhìn một thành hai, ảo giác…

Nếu được phát hiện và cấp cứu sớm, nguy cơ gặp biến chứng hoặc tử vong sẽ càng thấp. Vì vậy các chuyên gia khuyên nên nhanh chóng tìm đến hỗ trợ y tế nếu có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc methanol nào. Mọi người đều biết những cảm giác sau khi uống rượu thật, nên nếu có những triệu chứng lạ so với say rượu thông thường thì cần đặc biệt chú ý.

Để đề phòng ngộ độc methanol, bạn hãy mua rượu, bia ở các cửa hàng, địa chỉ tin cậy, thận trọng khi mua các loại cocktail pha sẵn, rượu nấu tại gia đình, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ và các loại đồ uống có giá rẻ bất thường.

Để phòng tránh ngộ độc rượu methanol, Cục an toàn thực phẩm Bộ y tế khuyến cáo:

  1. Không uống rượu pha cồn công nghiệp, rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
  2. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
  3. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
  4. Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
  5. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

Đại Hải

Xem thêm: