Chủng virus corona mới có tên COVID-19 đang lan rộng trên toàn cầu và gây ra thiệt hại nặng nề cho Trung Quốc. Ngày 26/2, bà Nancy Messonnier, một quan chức cấp cao của CDC nhận định rằng việc dịch bệnh lan ra ở Mỹ là không thể tránh khỏi. “Đó không phải là câu hỏi có xảy ra hay không, mà là câu hỏi khi nào”.

Chỉ với 15 trường hợp được xác nhận nhiễm virus corona tại Mỹ, quốc gia này đang ứng phó với những biểu hiện được xem là giai đoạn đầu của một đợt bùng phát dịch nếu virus tiếp tục lây lan.

Nước Mỹ đã chuẩn bị cho đại dịch virus corona như thế nào?

Nước Mỹ sẽ ứng phó ra sao nếu đại dịch virus corona đến?
(Ảnh: Shutterstock)

Mỹ là quốc gia nằm trong hệ thống y tế toàn cầu. Hệ thống y tế toàn cầu này là một bộ máy rộng lớn trải khắp hành tinh, bao gồm các nhóm như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), các cơ quan nhà nước, các tổ chức địa phương ở cấp thành phố, các bệnh viện và phòng khám, và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cá nhân. Hệ thống này đã đi vào hoạt động, truyền bá thông tin và phân bổ tài nguyên.

“Thành thật mà nói, chúng tôi ứng phó với dịch bệnh hàng ngày,” ông Demete Daskalakis, Phó ủy viên Phòng Kiểm soát dịch bệnh thuộc Sở Y tế và Vệ sinh Tâm thần Thành phố New York, cho biết trên tờ Motherboard. “Chúng tôi làm việc tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch tễ học và giám sát để có thể hiểu được những gì đang xảy ra với bệnh tật và xu hướng.”

Bộ máy y tế toàn cầu luôn theo dõi các dấu hiệu của bệnh mới và nó đã sớm phát hiện ra virus corona. “Một AI rất cơ bản đang quét mọi báo cáo tin tức, mọi bài đăng trên twitter, trang blog, để tìm kiếm những vấn đề mà mọi người đang nói đến như sốt và bùng phát dịch bệnh,” cô Theresa MacPhail, nhà nhân chủng học y tế, Trợ lý Giáo sư tại Viện Công nghệ Stevens (Mỹ), cho biết.

BlueDot, một công ty trí tuệ nhân tạo (AI) của Canada, đã nhận thấy sự bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc và thông báo với khách hàng của mình 7 ngày trước khi CDC cảnh báo Mỹ và 10 ngày trước khi WHO cảnh báo thế giới. “Chúng tôi có thể nhận được tin tức về những vụ dịch bệnh, những lời kêu ca xuất hiện trên các diễn đàn hoặc trang blog đã cho thấy một số hiện tượng bất thường đang diễn ra,” Kamran Khan, người sáng lập và Giám đốc điều hành của BlueDot, cho biết trên tờ Wired.

Cô MacPhail đã có mặt ở Hồng Kông trong đại dịch cúm H1N1 và được tận mắt chứng kiến hệ thống y tế thế giới ứng phó với sự bùng phát toàn cầu. “Hầu hết hệ thống y tế toàn cầu chính là việc trao đổi thông tin giữa các hệ thống y tế quốc hoặc với WHO.”

Ở những nơi như WHO và CDC, các chuyên gia tụ họp để theo dõi tình hình và phổ biến thông tin.

“Họ có một phòng tình huống, giống như một phòng tình huống quân đội,” cô MacPhail cho biết. “Họ có một bản đồ với các dấu chấm trên bản đồ biểu thị cho sự bùng phát mà họ đang theo dõi liên tục. Luôn luôn có một cái gì đó trên bản đồ. Vũ Hán hiện đang là tâm dịch, nhưng họ cũng đang theo dõi khoảng 30 ổ dịch và những khu vực khác chưa được nhắc đến.”

Các thành phố lớn cũng có hệ thống tương tự. Ở thành phố New York, phòng tình huống (situation room) là nơi được các quan chức gọi là Hệ thống chỉ huy khi có sự cố (ICS). Hiện tại không có trường hợp nào được xác nhận nhiễm virus corona tại thành phố New York, nhưng ICS đã đi vào hoạt động.

“[Nó] được thiết kế nhằm thu hút các nguồn lực từ khắp các cơ quan để có thể giúp ứng phó tốt hơn,” theo ông Daskalakis. Các quan chức y tế của thành phố New York liên tục luyện tập theo những tình huống dự phòng do ICS đề ra.

Họ thường chạy các trò chơi mô hình nhằm mô phỏng các vụ dịch bệnh, đồng thời thực hiện những cuộc diễn tập quy mô lớn – bao gồm điều động xe cứu thương qua lại trong thành phố và thử nghiệm từng bệnh viện. “Thật thú vị là, cuộc tập trận quy mô lớn vào tháng 3 sẽ mô phỏng một loại virus đường hô hấp rất dễ lây lan,” theo ông Daskalakis.

Ông Daskalakis còn cho biết về khả năng của thành phố New York trong việc đối phó với virus corona, nhưng cảnh báo rằng các cuộc diễn tập cũng chỉ hạn chế ở mức độ nào đó. “Chúng tôi rất lưu tâm đến sức tàn phá của một loại virus mới và đã chuẩn bị phương án đối phó với sự bùng phát của virus đường hô hấp. Có rất nhiều điều chưa biết về loại virus này, nhưng chúng tôi đã có sẵn chiến lược giải quyết.”

“Đây là tình cảnh mà chúng ta không thể tránh khỏi,” ông Daskalakis nói. “Ngay bây giờ, chúng ta đang ở trong một khu vực phong tỏa, nhưng khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, chúng ta phải đảm bảo rằng có thể điều động các nguồn lực của mình để hệ thống y tế thực sự có thể chăm sóc những cá nhân có nguy cơ cao nhất gặp nguy hiểm.”

>> Nhận định của tổng thống Trump về sức mạnh chống dịch virus corona của Mỹ

Điều gì sẽ xảy ra ở Mỹ nếu đại dịch đến?

Nước Mỹ sẽ ứng phó ra sao nếu đại dịch virus corona đến?
Máy bay chở công dân Mỹ sơ tán khỏi tâm dịch Vũ Hán (Ảnh: Kan Zhong Guo)

Nếu dịch bùng phát ở New York, quận Manhattan có thể bị cô lập, nhưng biện pháp ngăn chặn không nhất thiết phải là lệnh phong tỏa toàn bộ như chính phủ Trung Quốc đang sử dụng.

Tất nhiên, phương án được nghĩ đến đầu tiên thường là hạn chế dòng người lưu thông nhằm kiểm soát virus, nhưng nghiên cứu hiện tại cho thấy việc phong tỏa toàn bộ là không hiệu quả và có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. “Dựa trên thông tin hiện có, Ủy ban không khuyến nghị hạn chế đi lại hoặc giao dịch,” WHO cho biết trong những ngày đầu bùng phát dịch virus corona.

“Tôi nghĩ rằng không có bằng chứng thuyết phục cho thấy lệnh phong tỏa có tác dụng, nó ít có khả năng hữu hiệu đối với các loại virus đường hô hấp kiểu này, bởi vì chúng lây lan quá nhanh,” Jennifer Nuzzo, nhà nghiên cứu dịch tễ học tại Đại học John Hopkins (Mỹ), cho biết trên tờ Wired.

Trong một số trường hợp, việc cách ly những người không có triệu chứng nhưng bị nghi ngờ nhiễm bệnh đã tạo ra một môi trường sinh sôi bệnh tật, làm đại dịch trầm trọng hơn và gieo rắc nỗi sợ hãi. Điều này đã xảy ra trên Diamond Princess – một du thuyền Nhật Bản mà chính quyền Tokyo đã cách ly sau khi một người đàn ông đã rời du thuyền ở Hồng Kông và sau đó được xác định là dương tính với virus corona.

“Về cơ bản, việc cách ly cả con tàu là một phương pháp được dùng trong thế kỷ 19. Nhưng có lẽ khó có thể đưa ra quyết định,” Hitoshi Oshitani, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Tohoku (Nhật Bản), phát biểu với hãng tin AP.

May thay, virus corona tương tự với các bệnh về hô hấp có khả năng lây nhiễm cao khác, điều đó có nghĩa là hầu hết các nhân viên y tế người Mỹ đều biết cách xử lý nó.

“Trong những ngày đầu, hầu hết các biện pháp giải quyết là giống nhau, dù cho đó là SARS hay cúm,” cô MacPhail cho hay. “Cùng một phương thức xử lý đối với tất cả các vi sinh vật truyền bệnh, vậy nên họ sẽ được đào tạo ở mức cơ bản để ứng phó được với bất kỳ điều gì có thể xảy ra.”

>> Người trong cuộc kể chuyện Mỹ sơ tán công dân trong tâm dịch Vũ Hán (P.1) 

Khi tỷ lệ lây nhiễm gia tăng, bộ máy y tế toàn cầu bắt đầu lo lắng nhiều hơn đến vấn đề logistics: Bệnh viện có đủ giường không? Nhân viên y tế có đủ nguồn cung ứng cần thiết để ứng phó với đại dịch không?

“Những gì mà Trung Quốc đang phải đối phó ngay bây giờ, chính là vấn đề là logistics,” cô Mac Phail cho biết. “Họ có đủ mặt nạ và thuốc chống virus không?”

Trung Quốc đang thiếu khẩu trang y tế, nhưng mối quan tâm lớn nhất của họ là bệnh viện không đủ sức chứa. Là nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh, vậy nên người dân tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và cần nhiều giường nhất. Để cải thiện tình trạng thiếu hụt, quốc gia này đã xây dựng 2 bệnh viện dã chiến mới chỉ trong hơn 1 tuần.

>> Video: “Bệnh viện container” tại Vũ Hán khiến nhiều người “không rét mà run”

Thành phố New York cũng dự phòng cho trường hợp thiếu thốn cơ sở vật chất, nhưng chính quyền nơi đây không xây dựng các bệnh viện mới. “Có rất nhiều điều cần tính đến xoay quanh vấn đề sức chứa của bệnh viện và chất lượng của hệ thống y tế, cũng như chiến lược ứng phó linh hoạt theo mức độ bùng phát của dịch bệnh,” ông Daskalakis nói.

Nếu tình trạng nhiễm trùng trở nên tồi tệ và tài nguyên trở nên khan hiếm hơn, thành phố New York sẽ dành riêng các giường bệnh cho những người bị nặng nhất. Trong trường hợp xấu nhất, các nhân viên y tế sẽ trả những người có triệu chứng nhẹ về nhà.

“Bệnh viện có đủ sức chứa cho mọi người đến điều trị không? Chúng ta có cần đưa mọi người đi khám trong trường hợp họ có triệu chứng nhẹ không? Tất cả điều đó sẽ thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh,” ông Daskalakis cho biết.

trump hop bao
Hôm thứ Tư 27/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẽ bổ nhiệm Phó Tổng thống Mike Pence làm người lãnh đạo các nỗ lực phòng, chống dịch viêm phổi COVID-19 (Ảnh: Youtube)

Các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn không có hệ thống và cơ sở y tế tối tân, vì vậy họ nên đặc biệt chú ý đến vấn đề đào tạo nhân sự và nguồn cung của mình.

Nhưng dù gì đi nữa, sự lây nhiễm sẽ có thể lây lan rất rộng. Virus corona nguy hiểm hơn và đã lây nhiễm nhiều người hơn dịch SARS xảy ra vào năm 2003.

Thế giới nói chung và Mỹ nói riêng, không phải nơi nào cũng có thể đối phó với đại dịch ở cấp độ H1N1. “Ngay bây giờ, vấn đề nằm ở việc truyền đạt nhiều thông tin khoa học nhất có thể cho các nhân viên y tế để họ có thể chăm sóc người bệnh một cách tối ưu trong khi ngăn ngừa lây nhiễm cho bản thân,” ông Daskalakis cho biết.

Cô MacPhail cho hay bộ máy y tế toàn cầu đang hoạt động như mong đợi. “Người đáp lại các yêu cầu chính là nhân viên y tế tại địa phương. Khi hệ thống thông tin lâm vào tình trạng quá tải, rốt cuộc vấn đề vẫn là logistics. Vấn đề là hậu cần tiếp tế cho người dân.”

Theo cô MacPhail, virus corona đến từ Trung Quốc khiến cho việc ứng phó trở nên dễ dàng hơn. Mọi người tiên liệu những căn bệnh mới sẽ xuất phát từ Trung Quốc nên đã theo dõi quốc gia này nhiều hơn các nước khác. Cô cho biết dường như Bắc Kinh đã không chia sẻ các thông tin liên quan đến căn bệnh này, nhưng cô tự tin rằng những chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ làm điều đó. “Bác sĩ ở khắp mọi nơi đều muốn cứu người và họ sẽ lên tiếng,” cô cho hay.

Bác sĩ người Trung Quốc Lý Văn Lượng (Li Wenliang) lần đầu tiên phát hiện thấy các triệu chứng giống như SARS ở bệnh nhân của mình vào hồi tháng 12/2019. Chính quyền Trung Quốc đã buộc anh phải giữ im lặng về điều này nhưng bất thành. Lý Văn Lượng, 34 tuổi, sau đó đã nhiễm virus và tử vong. Anh là một trong 8 người đã lên tiếng tiết lộ sự thật về virus corona. Những thông tin lan truyền kịp thời này đã giúp cứu sống nhiều mạng người. Mọi vấn đề đều nằm ở công tác hậu cần và truyền thông.

>> Bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời khiến cư dân mạng phẫn nộ

“Những người cứu giúp chúng ta chính là những người xung quanh,” cô MacPhail cho biết.

Theo Vice,
Phan Anh