Ở Việt Nam, vải là loại trái cây được nhiều người ưa chuộng. Vải ra hoa vào tháng Ba dương lịch và thời điểm vải chín rộ thường bắt đầu từ giữa tháng Sáu tới giữa tháng Bảy. Ở Trung Quốc, quả vải  được biết đến như là một trong 4 loại quả tiêu biểu nhất của miền nam Trung Quốc, là trái cây được Dương Quý Phi triều Đường thích nhất. Sách “Bản thảo cương mục” của Trung Quốc có ghi: Quả vải bổ tỳ ích gan, sinh bọt ngăn nấc, giảm sưng giảm đau, hạ ho dưỡng tim. Tuy nhiên, quả vải dù ngọt ngon nhưng không nên ăn nhiều, vì có thể dẫn đến “bệnh vải”!

quả vải
Quả vải là loại trái cây tuyệt vời được nhiều người ưa thích (Ảnh: fotolia)

Vải giàu vitamin C, làm trắng da và chống viêm

Theo góc nhìn Đông y, vải vị ngọt và chua, tính nóng, hợp với kinh tim, lá lách, gan; cơm vải bổ tỳ ích gan, thông khí huyết, làm ấm và giảm đau, bổ tim an thần. Sách “Bản thảo cương mục” ghi: vải có chức năng “thông thần, ích trí, kiện khí”.

Từ góc nhìn dinh dưỡng học, vải chứa nhóm vitamin B, C, chất xơ và các khoáng chất như kali, magiê, canxi, sắt, kẽm. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), mỗi 100 gram vải có 72 mg vitamin C, lượng vitamin C cao hơn nhiều so với chanh, cam, giúp tăng cường chức năng miễn dịch, cải thiện khả năng kháng bệnh; cũng giúp duy trì độ ẩm cho da, ngăn ngừa hắc tố.

Trong vải chứa 15% đường tự nhiên, người có thể chất yếu có thể ăn lượng vừa phải bổ sung đường. Quả vải còn có chất flavanol giúp cơ thể chống viêm.

Vải có thể làm món ăn và ủ rượu

Mùi vị quả vải thơm mát ngọt ngào, có thể sử dụng làm món ăn, làm món điểm tâm ngọt, và đồ ăn nhẹ. Ngoài người Trung Quốc, người Pháp cũng muốn thêm vải vào các món ăn, như làm nước sốt hoặc đồ ăn nhẹ.

Vải cũng có thể dùng ủ rượu. Rượu vải bổ dưỡng, đã phổ biến trong dân gian từ xa xưa. Năm 2014, Phó Giáo sư Trần Thiên Hạo (Chen Qianhao) tại Đại học Cao Hùng Đài Loan đã tham gia trong nghiên cứu ủ “rượu vải mật ong”, đã được huy chương vàng tại cuộc thi rượu vang thế giới tại Brussels, Bỉ.

Mặc dù vải có nhiều lợi ích, nhưng không nên ăn nhiều, cũng không phải phù hợp với tất cả mọi người.

Ăn quá nhiều vải có thể mắc “bệnh vải”!

Bệnh vải là gì?

Có những người bị các triệu chứng như chóng mặt, đổ mồ hôi, sắc mặt xanh xao và tim đập nhanh sau khi ăn một lượng lớn vải. Trường hợp bị nặng thì chân tay phát lạnh, thậm chí đột ngột co giật và hôn mê, phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.

Hóa ra là lỗi của đường trái cây (Fructose)

Trong quả vải rất giàu đường, ăn quá nhiều sẽ khiến một lượng lớn đường thấm vào máu, kích thích tiết nhiều insulin làm hạ đường huyết, thậm chí dẫn đến đường huyết quá thấp, gây nhiều triệu chứng như chóng mặt, mỏi mệt, nôn mửa.

Ngoài ra, vải cũng chứa alpha-methine cyclopropane glycine (MCPG), góp phần làm hạ lượng đường trong máu.

quả vải
Vải chứa nhiều đường, ăn quá nhiều có thể gây ra lượng đường trong máu thấp, thường được gọi là “bệnh vải”. (Ảnh: pixabay.com).

Tại sao trẻ em dễ bị “bệnh vải” hơn?

Ở Ấn Độ từng xảy ra loại bệnh lạ: Mỗi mùa vải đều có nhiều trẻ em đột nhiên bị co giật, mất tri giác và thậm chí tử vong, về sau này mới phát hiện ra rằng do ăn vải khi bụng đói gây ra. Bởi vì những đứa trẻ này vốn nhà nghèo thiếu ăn, chúng bị suy dinh dưỡng, lượng đường trong máu thấp. Trong mùa vải chín, chúng ăn quá nhiều vải rụng trên mặt đất nhưng không ăn bữa ăn tối, hệ quả đến nửa đêm chúng bị hạ đường huyết gây tử vong.

Tại sao bệnh vải chủ yếu xảy ra ở trẻ em? Nguyên nhân chính là do ở cơ thể trẻ em còn ít glycogen, khi bị triệu chứng hạ đường huyết chúng không có đủ glycogen chuyển hóa thành glucose cung cấp cho não; hơn nữa trẻ nhỏ sức ăn khá ít, sau khi ăn quá nhiều vải thì không còn muốn ăn thức ăn khác, dinh dưỡng không được bổ sung thêm khiến chứng hạ đường huyết nghiêm trọng hơn.

Ăn vải cần chú ý 3 điểm sau:

Thực tế, ngay từ thời xa xưa loài người đã có cảnh báo rằng “Quả vải không được ăn quá nhiều, và không được ăn khi bụng rỗng”. Ngoài gây hạ đường huyết, quả  vải tính nóng, ăn quá nhiều có thể gây sưng và đau nướu răng. Do đó khi ăn vải, tốt nhất hãy lưu ý 3 điểm sau:

  1. Không ăn quá 5 ~ 10 quả một ngày, đối với trẻ nhỏ tốt nhất không quá 5 quả.
  2. Không ăn vải khi bụng rỗng, tốt nhất là nên ăn nửa giờ sau bữa ăn chính.
  3. Không ăn vải chưa chín, vì hàm lượng chất độc α-methylene cyclopropylglycine cao hơn rất nhiều so với vải chín.
quả vải
Không ăn vải chưa chín, vì hàm lượng chất độc α-methylene cyclopropylglycine cao hơn rất nhiều so với vải chín (Ảnh: pixabay.com).

Trước khi ăn vải, hãy lột vỏ rồi ngâm cơm vải trong nước muối, sau đó để vào trong tủ lạnh cho lạnh rồi hãy ăn, như vậy không chỉ ăn ngon hơn mà còn hạn chế thượng hỏa. Nếu có triệu chứng hạ đường huyết xảy ra sau khi ăn, có thể uống một lượng nhỏ mật ong giúp xoa dịu triệu chứng, nếu tình trạng nghiêm trọng thì cần đưa đến bệnh viện ngay để điều trị.

Ai không nên ăn vải?

– Người bệnh nhân tiểu đường, viêm amiđan mãn tính và viêm họng không thích hợp ăn vải;

– Những người âm hư hỏa vượng, đặc biệt là người già và trẻ em không nên ăn quá nhiều vải.

Bị “say vải” có nên lái xe?

Ở Đài Loan từng có chuyện truyền tải trên mạng internet về một trường hợp người sau khi ăn vải bị say như phản ứng say rượu, khi cảnh sát kiểm tra đã xác định người này lái xe sau khi uống rượu. Nhưng cuối cùng kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm nghiệm nông nghiệp Đài Loan đã xác minh được không phải do cồn rượu mà là do một loại chất thơm bay hơi đặc biệt trong quả vải gây ra, vải càng chín thì thành phần chất thơm bay hơi càng cao, khiến thanh kiểm tra độ cồn nhạy bén của cảnh sát càng dễ phát hiện. Nhưng bạn không nên lo lắng, vì chỉ cần sau khi ăn vải, bạn uống thêm chút nước là có thể loại bỏ được tình trạng này.

Thanh Xuân

Xem thêm: