Bất chấp việc buôn sán sừng tê giác bị cấm, nhiều người vẫn cố săn lùng cho được những miếng sừng với niềm tin rằng có thể chữa được bệnh nan y, giải độc và bồi bổ cơ thể. Vậy rốt cuộc thì sừng tê giác có gì huyền bí để người ta sẵn lòng đánh đổi đến như thế?

(ảnh: pixabay)
(ảnh: pixabay)

Sừng tê giác có chất gì?

Giá của món sừng tê giác có thời điểm đã lên đến 100 triệu, rồi đến 200 triệu đồng cho 100gr, cao hơn giá vàng rất nhiều lần. Các giao dịch vẫn âm thầm diễn ra mặc dù sừng tê giác đã được liệt vào hàng quốc cấm.

Từ góc độ sinh học, sừng tê giác không mọc ra từ hộp sọ như sừng của các loài động vật có móng khác, mà hình thành từ các tế bào da chuyên biệt, sừng phát triển theo từng lớp là những tế bào đã bị keratin hóa khiến chúng trở nên cứng hơn. Như vậy nó không có lõi xương như các loại sừng động vật thông thường.

Xét về thành phần hóa học, các chuyên gia vẫn chưa phát hiện ra được các hoạt chất có thể mang lại những “công dụng thần kỳ” như người ta vẫn trông đợi. Phân tích sừng tê giác thấy có chứa keratin, canxi cacbonat, canxi photphat, khi thủy phân sừng có thể thu được các axit amin thông thường.

Trên thị trường có cung cấp các loại đĩa chuyền dùng cho mài sừng tê giác (Ảnh: Internet)
Trên thị trường còn xuất hiện các loại đĩa chuyên dùng cho mài sừng tê giác (Ảnh: Internet)

Keratin được tạo nên từ các phân tử protein, giống như những protein tạo ra móng tay, móng chân, tóc người… Các enzyme phân giải protein trong dạ dày (như pepsin) và ruột non (trypsin) của con người gần như không thể hòa tan keratin cứng hoặc chỉ tiêu hoá một lượng không đáng kể, dù người sử dụng đã mài mịn sừng trước khi dùng.

Hầu như các sừng tê giác đều có nguồn gốc từ Nam Phi. Để ngăn chặn nạn săn bắt giết trộm tê giác với mục đích lấy sừng, các chuyên gia bảo tồn Nam Phi đã khoan sừng của các con vật và bơm vào đó một lượng thuốc kịch độc, sau đó họ đánh dấu bằng sơn đỏ để cảnh báo. Tuy nhiên, vì khoản lợi nhuận khổng lồ, bọn buôn buôn lậu sừng tê giác thậm chí đã cạo bỏ phần màu sơn đỏ này để bán sừng kiếm lời. Như vậy, người sử dụng hoàn toàn có thể bị ngộ độc từ những chất này.

>> 15 loài động vật bên bờ vực tuyệt chủng (ảnh)

Y thư cổ nói gì về sừng tê giác?

Nguồn gốc của việc sử dụng sừng tê giác như một vị thuốc có nguồn gốc từ xa xưa trong y học phương Đông. Mặc dù chưa tìm thấy tài liệu khoa học ghi nhận những tác dụng mà giới săn lùng sừng ngày nay kỳ vọng, nhưng Đông y cổ xưa đã xếp sừng tê giác vào hàng thuốc quý với nhiều công dụng khác nhau.

Dựa theo kết quả tra cứu của lương y Huyên Thảo, một số tài liệu y thư cổ có nhắc đến tê giác và sừng tê giác, ví dụ:

Trong “Dưỡng sinh diên thọ lục” và “Danh y biệt lục” của Đào Hoằng Cảnh (456-536), một danh y nổi tiếng, đã viết: “Dùng chén làm bằng sừng tê giác đựng gạo cho gà ăn, thì gà sợ mà không dám mổ. Đem chén gạo đặt lên nóc nhà, thì chim sẽ cũng không dám ăn”.

Trong “Bản thảo Cương mục”, Lý Thời Trân (1518-1593) cũng nói tới một loại sừng tê giác thượng phẩm gọi là “dạ minh tê”. Loại sừng này ban ngày và ban đêm đều phát sáng, có khả năng thông với thần linh, có thể xẻ nước, chim bay hay thú chạy qua, nhìn thấy đều kinh sợ (năng thông thần linh, phách thủy, phi cầm tẩu thú kiễn liễu đô vi kinh hãi).

Và Lý Thời Trân còn trích dẫn:

  • Sách “Khai nguyên di sự” có nói về loại sừng tê giác có tính năng chống lạnh, gọi là “tịch hàn tê”; loại sừng này màu vàng, xuất xứ từ Giao Chỉ; mùa Đông loại sừng này tỏa ra hơi ấm, làm khí lạnh không nhiễm được vào người.
  • Sách “Bạch khổng lục thiếp” nói về loại sừng tê giác có tính năng chống nắng nóng, gọi là “tịch thử tê”; Đường Văn Tông nhờ có được loại sừng này, mà mùa hè nóng bức vẫn thấy mát mẻ.
  • Sách “Lĩnh biểu lục dị” nói về loại sừng tê giác có tính năng chống bụi bẩn gọi là “tịch trân tê”; dùng loại sừng này chế ra lược hay trâm cài đầu, …thì người luôn sạch sẽ, không sự bị bụi bẩn bám vào.
  • Sách “Đỗ Dương biên” nói về loại sừng tê giác có tính năng giúp kiềm chế sự cáu giận, gọi là “quyên phẫn tê”; dùng sừng loại này làm ngọc bội đeo ở đai áo, sẽ giúp người ta kiềm chế được những cơn tức giân.

Tê giác không chỉ là một vật linh thiêng với những tác dụng rất kỳ lạ, mà còn có tác dụng giải độc cực mạnh.

Như “Thần Nông bản thảo kinh” – bộ sách thuốc cổ nhất của Đông y đã viết: “Tê giác có thể giải tất cả các loại chất độc, như chất độc của sâu bọ, nọc rắn, lông chim độc, thậm chí giải được cả độc của lá ngón”.

Người xưa tin rằng, chén làm từ sừng tê giác có tác dụng phát hiện được chất độc. Nếu rót rượu độc vào chén, thì sẽ thấy sủi lên bọt trắng. Thậm chí người xưa còn cho rằng bị tên độc bắn trúng, lấy sừng tê giác đâm vào vết thương, lập tức khỏi.

Nhiều thầy thuốc Đông y sử dụng sừng tê giác như một loại thuốc “thanh nhiệt lương huyết”, chữa trị một số bệnh như sốt cao, mê sảng, co giật, đau đầu, sởi, động kinh… Cũng theo lương y Huyên Thảo, khi Trung Quốc cấm dùng sừng tê giác làm thuốc vào năm 1993 thì người ta đã được thay thế bằng sừng trâu trong các đơn thuốc.

Trong một tài liệu Đông y tiếng Việt cũng đề cập đến tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác, ví dụ sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS Đỗ Tất Lợi có ghi:

Tê giác là một vị thuốc thường dùng trong đông y. Theo tính chất giới thiệu trong các sách cổ thì tê giác có vị đắng, chua, mặn, tính hàn, vào 3 kinh tâm, can và vị. Tác dụng của nó là thanh huyết nhiệt (làm mát huyết), giải ôn độc và định kinh, thường dùng trong các trường hợp sốt quá hóa điên cuồng, sốt vàng da, thổ huyết, máu cam, nhức đầu, ung độc, hậu bối.

Chữa bệnh nan y, thuốc tiên trong the phòng… hay chỉ là lời đồn thổi?

Công dụng của sừng tê giác đến nay vẫn chỉ là một điều bí ẩn, thật giả lẫn lộn, không ai có thể lý giải một cách thuyết phục.

Trên các trang mạng cũng như các lời đồn rỉ tai qua lại, người ta cho rằng sừng tê giác có khả năng chữa trị ung thư và đột quỵ nhưng các tác dụng này không thấy đề cập đến trong các cổ thư. Niềm tin cho rằng sừng tê giác là thuốc cường dương mạnh, có tác dụng tăng cường khả năng sinh lý cho đàn ông khiến cho nó bị săn lùng ráo riết trong thị trường Việt Nam. Về góc độ này, lương y Huyên Thảo cũng cho rằng hoàn toàn vô lý nếu xét theo quan điểm Đông y.

Còn từ góc độ khoa học hiện đại, y học phương Tây cho rằng sừng nào mà chẳng là sừng, thành phần không có gì đặc biệt, cũng chỉ như móng chân móng tay, do đó không có tác dụng chữa bệnh gì cả.

Tê giác kêu cứu trước nguy cơ tuyệt chủng

Theo CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) thì hiện nay trên thế giới còn 5 loài tê giác nhưng số lượng đã giảm đi rất nhiều. Mỗi loài chỉ còn vài nghìn con, đa phần đều đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Hiện nay Nam Phi là nước còn nhiều tê giác nhất, họ cũng đang cố gắng làm mọi cách để giữ lại những con tê giác cuối cùng trước nguy cơ tiệt chủng. Mặc dù án phạt tăng lên, trang bị tối tân cùng với quân đội tham gia hỗ trợ nhưng dường như Nam Phi vẫn bất lực trước sự liều lĩnh của những tay săn trộm. Hàng năm vẫn có vài trăm cho đến hơn nghìn con tê giác bị giết chết để lấy trộm sừng.

Tê giác tiếp tục bị săn trộm để cưa sừng

Trên thế giới, người Việt Nam tiếng nổi đình đám trong góc độ sùng bái và săn lùng sừng tê giác. Theo thống kê về các vụ án liên quan đến sừng tê giác bị phát hiện, thì đa số đều là do người Việt Nam hoặc có sự tham gia của người Việt.

Theo BBC đưa tin, Nam Phi đã ngừng cấp giấy phép săn tê giác cho các tay săn Việt Nam từ năm 2012, nhưng một số tay săn trộm kết hợp với băng nhóm có tổ chức vẫn cố gắng tìm cách cung cấp hàng cho thị trường Việt Nam.

Tại Việt Nam, việc rao bán sừng tê giác vẫn nhộn nhịp, thậm chí có cả phố “sừng tê giác” ở Hà Nội và Sài Gòn, nhưng theo một số chuyên gia, gần như đều là đồ giả. Qua công nghệ làm giả, có cái là làm từ sắn dây và nhựa, có cái là nhựa hoàn toàn, có cái là từ tóc… đủ thứ đủ loại, còn giá thì vẫn trên trời.

Cho dù tác dụng của sừng tê giác có kỳ diệu đến đâu thì nó vẫn là hàng quốc cấm, thêm vào đó là nguy cơ hàng giả cực kỳ cao thì có lẽ không nên mạo hiểm mà tiền mất tật mang. Các tác dụng của sừng tê giác cho dù là thật hết thì cũng đều đã có giải pháp thay thế. Vì vậy, chỉ vì khát khao đồ lạ, đồ hiếm mà bỏ qua luật pháp quốc tế, thậm chí làm ngơ trước những tiếng kêu cứu thảm thiết của những con tê giác cuối cùng, thì có lẽ là không đáng!

Lạc Thư

Xem thêm: