Một nghiên cứu dài hạn của Trường Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill (UNC) cho thấy thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội càng nhiều thời gian sẽ nhận ảnh hưởng càng lớn đến độ nhạy cảm của bộ não về nhận xét phản hồi từ xã hội chung quanh.

shutterstock 1338120284
(Nguồn: Rawpixel.com/ Shutterstock)

Kết quả của các nhà nghiên cứu đăng trên JAMA Pediatrics hôm 3/1 cho thấy thường xuyên dùng các mạng xã hội, mà ở đó có những cơ chế phản hồi mang tính thưởng-phạt tâm lý như bao nhiêu like, bao nhiêu view, bao nhiêu bình luận, v.v., sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh thiếu niên cả về tâm lý và thần kinh. Ngoài việc sẽ khiến người ta nghiện sử dụng mạng xã hội hơn, trở nên dễ thích ứng hơn với môi trường kỹ thuật số, nó còn sẽ khiến người ta trở nên quá nhạy cảm với những nhận xét phản hồi từ xã hội.

“Kết quả cho thấy những đứa trẻ lớn lên khi thường xuyên sử dụng mạng xã hội thông thường sẽ trở nên quá nhạy cảm với nhận xét phản hồi từ người cùng lứa của chúng,” theo bà Eva Telzer, giáo sư của Khoa Tâm lý và Thần kinh trường UNC, và cũng là một trong những đồng tác giả.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi chuyển biến của 169 học sinh chọn ra từ các trường trung học cơ sở công lập ở vùng nông thôn Bắc Carolina trong hơn ba năm. Khi bắt đầu nghiên cứu, những học sinh tham gia đã báo cáo tần suất họ sử dụng ba nền tảng truyền thông xã hội phổ biến là Facebook, Instagram và Snapchat. Câu trả lời dao động từ ít hơn 1 lần mỗi ngày đến nhiều hơn 20 lần mỗi ngày. Những người tham gia đã trải qua các buổi chụp ảnh não định kỳ trong khi hoàn thành hoạt động xã hội có dạng thức thưởng-phạt tâm lý, để đo lường hoạt động của não khi dự đoán nhận xét phản hồi xã hội từ bạn bè và người xung quanh.

“Gia tăng độ nhạy cảm đối với phản hồi xã hội này có thể thúc đẩy việc sử dụng mạng xã hội một cách bắt buộc trong tương lai. Ngoài ra nó cũng có thể là phản ánh một cơ chế hành vi thích ứng mà sẽ cho phép thanh thiếu niên trở nên thích hợp hơn trong một thế giới ngày càng phổ biến kỹ thuật số,” theo Maria Maza, nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý học trong nhóm nghiên cứu.

Nghiên cứu có nói về dòng thông tin mà mạng xã hội đưa vào, một dòng thông tin liên tục và có nội dung không biết trước, trong đó có những phản hồi như biểu cảm like, nhận xét, thông báo, và tin nhắn.

“Những đầu vào xã hội này là thường xuyên, biến động về nội dung, và mang tính thưởng-phạt, khiến chúng có hiệu quả củng cố đối với việc dần dần làm cho người dùng vào mạng xã hội nhiều lần,” theo Kara Fox, cũng là một nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý học trong nhóm.

Một số nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng 78% thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi cho biết đã kiểm tra thiết bị di động của họ ít nhất mỗi giờ; 35% thanh thiếu niên báo cáo sử dụng ít nhất một trong năm nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu gần như liên tục. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng việc kiểm tra mạng xã hội nhiều lần ở thanh thiếu niên từ 12 đến 13 tuổi có thể liên quan đến những thay đổi trong cách phát triển não bộ của họ trong khoảng thời gian ba năm. Bộ não của thanh thiếu niên kiểm tra mạng xã hội thường xuyên –nhiều hơn 15 lần mỗi ngày— trở nên nhạy cảm hơn với phản hồi xã hội.

“Hầu hết thanh thiếu niên bắt đầu sử dụng công nghệ và mạng xã hội vào một trong những giai đoạn quan trọng nhất của phát triển trí não trong suốt cuộc đời của chúng ta,” theo Mitch Prinstein, lãnh đạo khoa học của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, và cũng là đồng tác giả.

“Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh rằng việc kiểm tra các hành vi phản hồi trên phương tiện truyền thông xã hội có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài và quan trọng đối với sự phát triển thần kinh của thanh thiếu niên, điều này rất quan trọng đối với cha mẹ và các nhà hoạch định chính sách khi hiểu về lợi ích và tác hại tiềm ẩn liên quan đến việc sử dụng công nghệ của thanh thiếu niên.”

Thiên Đức