Đối với những ai thích làm đẹp nhưng ngại đụng chạm đến dao kéo thì tiêm botox dường như là giải pháp ‘cứu cánh’ để có được làn da trẻ hóa, không nếp nhăn, trông căng bóng và mịn màng. Vậy botox là gì và liệu botox có tác dụng phụ nào không? 

shutterstock 1141384154 image
(Ảnh: Shutterstock)

1. Botox là gì?

Botox là một loại thuốc làm từ độc tố botulinum loại A, được lấy từ vi khuẩn clostridium botulinum. Độc tố này vốn có tác dụng gây liệt cơ. Khi được tiêm vào cơ thể, botox sẽ đến khóa lắp các đầu tiếp nhận thần kinh trên cơ, khiến cho cơ không co được, nhờ tác dụng này, các nếp nhăn tự động “biến mất”.

2. Tiêm botox tại những vị trí nào?

vị trí tiêm botox

2.1 Nếp nhăn gian mày:Đầu tiên phải kể đến là nếp nhăn gian mày, nếp nhăn này thường xuất hiện do chúng ta cau mày thường xuyên hay thể hiện giận dữ, căng thẳng, khó tính. Nếp nhăn thường xuất hiện vuông góc với cử động cơ.

2.2 Nếp nhăn đuôi mắt: Tiếp theo là nếp nhăn đuôi mắt, thông thường phải tiêm ở vị trí ra ngoài ổ mắt một khoảng cách 1,5cm để tránh gây nguy cơ sụp mi, hướng lên phía trên để tránh chạm phải cơ gò má gây cười lệch.

2.3 Nếp nhăn trán: Tiêm nếp nhăn trán là một chỉ định rất dè dặt, bởi vì đối với những người có cơ trán tăng hoạt động, việc tiêm liệt cơ có thể gây sụp chân mày. Hơn nữa, nếu lượng thuốc tiêm lên cơ không đều, có thể làm cho vùng chưa bị liệt tăng hoạt động nhiều hơn, khiến cho cơ co không đều. Tương tự khi chúng ta tiêm botox ở cằm, cơ cằm có hai bụng cơ, một số trường hợp sau khi tiêm, lượng thuốc ngấm vào cơ không đều khiến cho hai bên cằm dài ngắn không đều nhau.

2.4 Cơ cắn: Gần đây, botox được ứng dụng tiêm vào cơ cắn để thon gọn vùng cạnh hàm, tạo nét mặt V-line. Nhưng chỉ định này cũng rất cẩn thận, chỉ có thể thực hiện với đối tượng có cơ cắn bị phì đại và cơ to khiến cho vùng cạnh hàm trông to ra.

2.5 Vùng cổ: Ngoài ra, botox được tiêm vào vùng cơ cổ để có dấu hiệu “thon gọn giả” vùng dưới mặt. Các cơ trên khuôn mặt luôn đối ứng, khi tiêm botox để các cơ vùng cổ yếu đi, thì cơ phía trên mặt sẽ kéo lên cao hơn, khiến chúng ta cảm thấy gương mặt thon gọn, vùng cạnh hàm sắc nét hơn.

2.6 Các vùng khác: Một số trường hợp botox được pha loãng để tiêm giúp lỗ chân lông thu nhỏ, tuy nhiên, tác dụng phụ của việc tiêm botox khắp mặt chưa được nghiên cứu đầy đủ.

3. Báo cáo về tác dụng phụ

botox

Hầu hết các báo cáo về tác dụng phụ đều là tự phát, hồi cứu và xem xét các ca lâm sàng một khi tác dụng phụ đã xảy ra (theo Yiannakopoulou, 2015). Vì vậy, thông thường nếu tác dụng phụ xảy ra với mức độ nghiêm trọng và thời điểm gần với lúc tiêm thì nhà nghiên cứu mới có thể báo cáo, nếu tác dụng phụ xảy ra không thường xuyên hoặc để một thời gian dài mới xuất hiện có nguy cơ lớn sẽ bị bỏ sót.

Một số trường hợp biến chứng nặng đã xảy ra ngay sau khi tiêm botox gây chú ý vì có truyền thông lên tiếng. Mới đây, Lau Li Ting, một phụ nữ 32 tuổi, đã tử vong sau 5 ngày hôn mê sau khi tiêm botox ở một phòng khám có giấy phép tại Singapore. trước đó vào ngày 8/3/2019, sau khi đến một phòng khám thẩm mỹ tiêm botox, Ting bất tỉnh và nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Singapore, sau đó rơi vào hôn mê. Gia đình Ting nhận được thông báo về tình trạng nguy kịch và các bác sĩ đang cố gắng hết sức để cứu cô. Ting được sử dụng các thiết bị hỗ trợ sự sống và đã tử vong sau đó 5 ngày. Đến nay, vẫn chưa có ai hiểu được lý do vì sao Ting tử vong sau khi tiêm botox, nhưng các bác sĩ tại bệnh viện cho biết tim của Ting đã ngừng đập trước khi cô được đưa tới bệnh viện. Đau lòng trước cái chết của Ting, mẹ cô đã đưa ra lời khuyên với những ai muốn làm đẹp rằng phải đặt an toàn ở trên hết và hy vọng bi kịch này sẽ không tái diễn.

Một sự việc tương tự xảy ra vào tháng 11/2018, một người phụ nữ tên Cheung tử vong sau khi tiêm 16 mũi botox ở một phòng khám tại Hồng Kông. Bác sĩ nói với cảnh sát rằng Cheung đã hôn mê sau khi tiêm botox ở chân mày, cằm và cạnh hàm. Cô được nhanh chóng đưa đến bệnh viện gần đó nhưng đã tử vong vào sáng hôm sau.

Độc tố botox là một trong những loại độc tố có độc tính rất mạnh. Cơ chế của botox dựa vào việc ức chế acetylcholine phóng thích tại chỗ nối thần kinh – cơ, khiến cho cơ liệt. Cho đến nay, mặc dù thử nghiệm lâm sàng có thể đánh giá được một phần các tác dụng phụ xuất hiện sớm, nhưng tác dụng phụ xuất hiện muộn thì chưa theo dõi được. Ngoài ra, hệ thống báo cáo tác dụng phụ tự phát không thể xác định được tỷ lệ xảy ra của các tác dụng phụ. Hơn nữa, nhiều tác dụng phụ bị bỏ qua, thậm chí khó xác định được mối quan hệ nhân – quả với việc tiêm botox nếu thời điểm tiêm xảy ra trước đó khá lâu.

4. Teo cơ

Nếu cơ không hoạt động trong thời gian dài, dinh dưỡng và máu nuôi cũng sẽ giảm, cơ sẽ teo đi. Đây là hệ quả về lâu dài của botox. Trên thực tế, chúng ta đang ứng dụng điều này để làm thon gọn mặt bằng cách tiêm vào cơ cắn ở hai bên cạnh hàm, khiến cho cơ này nhỏ lại, từ đó gương mặt của chúng ta trông thon gọn hơn.

Tuy nhiên, đối với một số cơ bám da mặt như cơ trán, cơ cổ, cơ ở vùng đuôi mắt, lớp cơ ở những vị trí này vốn bám lên da, việc teo cơ có thể khiến chúng ta cảm nhận da bị mỏng đi.

Về lứa tuổi tiêm botox, giới trẻ hiện nay có xu hướng tiêm botox rất sớm. Nếu một bạn trẻ bắt đầu tiêm botox từ 30 tuổi, cứ mỗi 6 tháng lặp lại một lần, như vậy đến năm 45 tuổi, bạn ấy phải tiêm 30 lần botox như vậy. Tác dụng phụ có thể sẽ tăng lên theo tần suất tiêm.

5. Tiêm botox xóa nhăn chỗ này, nếp nhăn chỗ khác bắt đầu xuất hiện

Gương mặt bình thường của chúng ta luôn có các cơ ở trạng thái cân bằng đối nhau. Nếu như các cơ trán, cơ vùng gian mày giúp nâng chân mày lên, thì cơ vòng mắt sẽ kéo chân mày xuống. Nhờ có tác dụng đối nhau như thế mà các cơ ở trạng thái cân bằng. Khi chúng ta tiêm botox vào một số cơ, thì những cơ đối trọng còn lại sẽ tăng hoạt động.

Ví dụ: nếu chúng ta tiêm xóa nếp nhăn ở gian chân mày, sau khi tiêm, đuôi chân mày sẽ có xu hướng nhếch lên và vùng giữa mũi sẽ xuất hiện một số nếp nhăn được gọi là “nếp nhăn thỏ”. Đến lúc này, chúng ta sẽ phải tiêm botox vào những nếp nhăn mới.

6. Lạm dụng botox, tiêm trở lại quá sớm

Khi tiêm botox đủ liều, bạn cảm thấy cơ rất mỏi, đến khoảng 1 – 2 tuần sau khi tiêm thì cơ không co được. Lúc này, tác dụng của thuốc đã lên đến tối đa. Sau khoảng 3 tháng thì tác dụng của thuốc bắt đầu giảm dần, nếp nhăn bắt đầu xuất hiện trở lại. Đến khoảng 6 tháng thì tác dụng của botox trên các cơ mặt hầu như hoàn toàn biến mất và cơ bắt đầu co trở lại. Thông thường, để duy trì được việc không có nếp nhăn trên mặt, chúng ta thường phải tiêm botox trở lại sau 6 tháng. Thế nhưng, một số nơi bắt đầu tiêm trở lại chỉ sau 3 tháng, lúc này botox chỉ mới giảm tác dụng. Một số trường hợp muốn cơ teo nhanh hơn, một số nơi còn tiêm botox trở lại chỉ sau 1 tháng.

7. Hình thành kháng thể trung hòa botox

Bản chất độc tố botox là protein đều dẫn tới hình thành kháng thể trung hòa IgG sau nhiều lần tiêm lặp lại. Botox tuýp A là một phức hợp giữa độc tố 150kD và phức hợp protein khác. Tất cả protein này đều là “vật lạ” đối với cơ thể, nên đều là kháng nguyên và có thể dẫn tới phản ứng miễn dịch. Kháng thể sẽ ngăn hiệu quả của botox. Nghiên cứu đã ghi nhận một số trường hợp xuất hiện kháng thể đối với botox sau nhiều lần tiêm và lúc này, botox không có tác dụng nữa (theo Sebastian Torres, 2014).

8. Lan thuốc đến cơ thể

Tác dụng phụ sớm sau khi tiêm botox được ghi nhận có thể gây nhức đầu, sốt và những triệu chứng giống cúm.

Sau khi tiêm, thuốc botox có thể lan ra những cơ xung quanh cho dù bị ngăn cách bởi cân cơ (theo Eleopra, 1996). Trong nghiên cứu ở động vật, botox có thể lan ra khoảng cách 30 – 45mm từ vị trí tiêm. Tuy nhiên, việc lan tỏa thuốc có thể xảy ra sau một thời gian dài dùng botox trong điều trị và trong cả thẩm mỹ. Cơ chế làm thế nào thuốc botox lan ra khắp cơ thể vẫn chưa được biết rõ, và tác dụng của độc tố botox lan ra vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Việc độc tố lan ra cơ thể có thể dẫn tới ngộ độc botulism, gây ra yếu cơ, liệt, khó nói, khó nuốt và thậm chí ngưng hô hấp. Ngoài ra, nghiên cứu thực nghiệm ở động vật cũng cho thấy thụ thể với độc tố botox có mặt ở hệ thống thần kinh trung ương và một lượng nhỏ độc tố vượt qua được hàng rào máu – não. Điều này đưa ra giả thuyết rằng độc tố botox có thể được vận chuyển ngược dòng, giống như độc tố uốn ván, có thể gây ra tác dụng phụ ở hệ thống (theo Curra A, 2009).

9. Điều gì xảy ra khi chúng ta không lắng nghe cơ thể của mình

Nếu bạn tin rằng cơ thể chúng ta có cơ chế tự chữa lành, thì phản ứng của cơ thể đối với botox sẽ khiến bạn lo lắng về loại thuốc này. Khi botox được tiêm vào cơ thể, chúng như những vật cản đến khóa lắp vào các đầu tiếp nhận tín hiệu thần kinh trên cơ, khiến cho cơ bị liệt, không co được nữa. Việc khóa lắp này là vĩnh viễn, các đầu tiếp nhận thần kinh này sẽ không thể hoạt động được nữa. Sau một thời gian, cơ thể phản ứng trở lại bằng cách mọc ra nhiều đầu tiếp nhận thần kinh khác, để “giúp cơ co được” (theo PK. Nigam, 2010). Đến lúc này thì trên bề mặt, chúng ta thấy nếp nhăn xuất hiện trở lại, cơ bắt đầu “co được”. Nhưng chúng ta lại tiêm botox thêm nữa, để duy trì trạng thái không có nếp nhăn, và lại làm “tổn thương” các đầu tiếp nhận thần kinh, khiến cơ thể lại duy trì bằng cách mọc thêm nhiều đầu tiếp nhận khác. Cứ như vậy tiếp diễn…

Cơ chế tự phục hồi của cơ thể có thể sẽ không muốn tiếp nhận loại độc tốc này. Bằng cách nào đó, cơ thể phản ứng trở lại bằng việc kháng thuốc, và những tác dụng phụ khác về lâu dài vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Liệu cơ thể có trở nên nhạy cảm hơn với các protein khác khi tiêm vào cơ thể? Liệu làn da có trở nên mẫn cảm hơn? Liệu tuyến nhờn trên da có bị ảnh hưởng? Các tác dụng phụ về lâu dài của botox cho đến nay vẫn chưa thể nghiên cứu đầy đủ với một hệ thống báo cáo tác dụng phụ tự phát.

Mộc Lan

Tư liệu tham khảo trong bài viết:

Yiannakopoulou E.  Serious and Long-Term Adverse Events Associated with the Therapeutic and Cosmetic Use of Botulinum Toxin (2015). https://www.karger.com/Article/FullText/370245

Sebastian Torres, Mark Hamilton : Neutralizing antibodies to botulinum neurotoxin type A in aesthetic medicine: five case reports. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2014; 7: 11–17. doi: 10.2147/CCID.S51938

Eleopra R, Tunogli V, Canatti L, et al: Botulinum toxin treatment in the facial muscles in humans: evidence of an action in untreated near muscles by peripheral local diffusion. Neurology 1996;46:1158-1160.

Curra A, Berardelli A: Do the unintended actions of botulinum toxin at distant sites have clinical implications? Neurology 2009;72:1095-1099.

P K Nigam, Anjana Nigam : Botulinum Toxin. Indian J Dermatol. 2010 Jan-Mar; 55(1): 8–14. doi: 10.4103/0019-5154.60343

Xem thêm: