Có được một giấc ngủ ngon là mong muốn của không ít người. Bài viết này liệt kê 10 hiểu lầm phổ biến về giấc ngủ, hy vọng sẽ giúp mọi người hiểu về giấc ngủ và hình thành thói quen ngủ lành mạnh.

giac ngu ngon
(Ảnh: shutterstock.com)

Hiểu lầm 1: Phải ngủ đủ 8 tiếng

Tổ chức Giấc ngủ Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến nghị về giấc ngủ, trong đó 7-9 giờ là thời lượng ngủ tối ưu được khuyến nghị cho các cá nhân ở độ tuổi trưởng thành (18-25 tuổi) và người lớn (26-64 tuổi), đồng thời, ngủ trong khoảng 6-10 giờ là thời lượng có thể chấp nhận được.

Một số người tập khí công và yoga có thể ngủ ít, lý do là quá trình nhập tĩnh có tác dụng tương đương thậm chí tốt hơn một giấc ngủ.

Tuy nhiên, ngủ quá nhiều cũng không phải là điều tốt, nó cũng có thể liên quan đến chứng “ngủ rũ”, một dạng rối loạn giấc ngủ với nhiều biểu hiện như ngủ gật thường xuyên, khó tỉnh táo… Chứng bệnh này gây ra rất nhiều phiền phức cũng như tác động xấu đến cuộc sống, bao gồm các vấn đề thể chất, béo phì và các mối quan hệ của người bệnh. Cần phát hiện và điều trị kịp thời để tránh khỏi những hậu quả đáng tiếc do căn bệnh này gây ra.

Hiểu lầm 2: Ngáy có nghĩa là ngủ ngon giấc

Chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ
Bệnh nhân mắc chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ dễ mắc nhiều bệnh nguy cơ cao khác, việc phát hiện và điều trị y tế kịp thời là rất quan trọng. (Ảnh: Antonio Guillem/ Shutterstock)

Tiếng ngáy to có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (Obstructive Sleep Apnea – OSA), một chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng. Bệnh lý này có các biểu hiện như ngừng thở hoàn toàn (apnea) hoặc giảm rõ rệt luồng không khí (hypopnea) trong khi ngủ, có thể kéo dài hơn 10 giây và trong trường hợp ngưng thở hoặc giảm thở nghiêm trọng hơn, có thể kéo dài từ 30 đến 60 giây.

Là một căn bệnh nguy hiểm, OSA sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị OSA có tỷ lệ mắc phải cao huyết áp, suy tim sung huyết, tai biến mạch máu não, trào ngược dạ dày thực quản, tiểu đường Loại 2, trầm cảm và thậm chí tử vong sớm. Trong cuộc sống hàng ngày, bệnh nhân OSA cũng có thể bị chấn thương trong công việc và tai nạn xe hơi do buồn ngủ.

Hiểu lầm 3: Sẽ thoải mái hơn nếu ngủ thêm một chút sau tiếng chuông báo thức 

Chúng ta có thể thường xuyên muốn nhấn nút “hoãn báo thức”  (snooze button) để ngủ thêm một chút và nghĩ rằng nó sẽ giúp chúng ta thỏa mái.

Tuy nhiên, việc hoãn báo thức lại không phải là một ý tưởng hay. Một phần là bởi nếu bạn lại chìm vào giấc ngủ và ngủ mê mệt sau khi nhấn nút hoãn báo thức, bạn đang rơi vào một chu kỳ giấc ngủ không hoàn chỉnh, chất lượng thấp. Khi thức giấc trở lại, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi thay vì sảng khoái.

Vì vậy, hãy thức dậy khi chuông báo thức reo và đừng ngủ lại, ngay cả khi bạn vẫn còn cảm thấy buồn ngủ.

Hiểu lầm 4: Có thể ngủ bù vào cuối tuần

ngu gat
(Ảnh: Shutterstock)

Vì lý do công việc bận rộn, bạn có thể không ngủ đủ giấc trong những ngày làm việc, vậy là bạn đã mắc “nợ” giấc ngủ rồi đấy. Nhiều người nghĩ rằng họ có thể “trả nợ” giấc ngủ bằng cách ngủ nhiều hơn một chút vào cuối tuần. Quả thật chúng ta có thể ngủ bù vào cuối tuần để giúp cơ thể phục hồi. Tuy nhiên, nó chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, nếu để tình trạng này kéo dài thì không những không trả nợ được mà còn làm rối loạn đồng hồ sinh học và có khả năng buồn ngủ hơn vào tuần tới.

Hiểu lầm 5: Tập thể dục trước khi ngủ có thể giúp bạn ngủ ngon

Duy trì một lượng tập thể dục nhất định trong ngày thực sự có thể giúp bạn dễ ngủ vào ban đêm. Tuy nhiên, việc tích cực tập thể dục trong vòng 4 tiếng trước khi đi ngủ sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, cơ thể khi đang trong trạng thái phấn khích sẽ rất khó để đi vào giấc ngủ.

Lựa chọn đúng cách là tập một vài bài tập nhẹ nhàng, rồi uống một ly sữa nóng, sẽ giúp bạn chìm vào giấc ngủ vô cùng nhanh chóng, giúp cải thiện và làm tăng chất lượng giấc ngủ.

Hiểu lầm 6: Rượu có thể giúp bạn ngủ ngon hơn

Uong ruou 1 image
(Ảnh: Shutterstock)

Rượu có tác dụng làm dịu nhẹ, giúp nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, điều này cũng dẫn đến sự hiểu lầm rằng rượu có thể làm cho người ta ngủ ngon hơn.

Một báo cáo năm 2013 tại Hoa Kỳ đã xem xét 27 nghiên cứu về rượu và giấc ngủ trong nhiều năm và phát hiện ra rằng rượu làm giảm thời gian REM (chuyển động nhanh của mắt) trong khi ngủ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến trạng thái trong ngày của chúng ta, như cảm thấy buồn ngủ và không thể tập trung, hơn nữa còn có thể có những tác động tiêu cực lâu dài đến giấc ngủ.

Ngoài ra, rượu cũng có thể ảnh hưởng đến nhịp thở của con người trong khi ngủ, đó là lý do tại sao một số người ngủ ngáy to sau khi uống rượu. Trên thực tế, chất lượng giấc ngủ dưới ảnh hưởng của rượu rất không tốt.

Hơn nữa, rượu cũng là một chất lợi tiểu và do đó làm gián đoạn giấc ngủ do tác dụng phụ của việc đi tiểu vào buổi tối. Ngoài ra, rượu làm gián đoạn quá trình sản xuất hóa chất giúp ngủ ngon adenosine, điều này có thể cản trở giấc ngủ sâu hoặc khiến bạn khó ngủ.

Hiểu lầm 7: Xem TV, điện thoại trên giường giúp bạn thư giãn

giac ngu 13
Ảnh: Shutterstock)

Bình thường, bóng tối hay ánh sáng yếu kích thích cơ thể sản sinh ra chất melatonin giúp bạn nhanh chóng đi vào giấc ngủ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị TV, điện thoại có thể làm trì hoãn việc sản xuất melatonin, khiến bạn khó ngủ. 

Hiểu lầm 8: Nhớ những giấc mơ là dấu hiệu của một giấc ngủ ngon

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có thể nhớ giấc mơ của họ thường thức giấc vào ban đêm với tần suất gấp đôi so với những người khác, họ cũng rất nhạy cảm hơn với âm thanh trong khi ngủ.

Hiểu lầm 9: Nhanh chóng ngủ trên máy bay, ô tô là do bạn dễ  ngủ

ngủ ngon trên máy bay, đi máy bay
(Ảnh: Shutterstock)

Hầu hết mọi người có thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ trên tàu điện ngầm và máy bay, nhưng điều này không có nghĩa là chất lượng giấc ngủ là tốt.

Việc bạn có thể ngủ gật mọi lúc mọi nơi là dấu hiệu của việc ngủ không đủ giấc, cho thấy bạn đang rơi vào trạng thái ngủ li bì hoặc mắc chứng ngủ rũ.

Hiểu lầm 10: Bộ não và cơ thể có thể thích nghi với việc ngủ ít hơn

Một số người tin rằng não và cơ thể có thể thích nghi với việc giảm ngủ mà vẫn hoạt động tốt.

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng cơ thể cần trải qua 4 giai đoạn ngủ riêng biệt để hồi phục hoàn toàn. Giai đoạn ngủ sâu rất quan trọng đối với việc sản xuất tế bào thần kinh và phục hồi hệ thống miễn dịch. Do đó, não và cơ thể không thể hình thành sự thích nghi.

Các chuyên gia tâm lý học cho rằng, ngồi thiền cũng như yoga có tác dụng làm giảm những phiền não, cải thiện tâm trạng, tăng cường chất lượng giấc ngủ. Các chuyên gia cũng kiến nghị những người mất ngủ do áp lực cuộc sống có thể dùng các liệu pháp chữa trị tâm lý để cải thiện tình trạng này. 

id12975316 ttl7dayBBt FD EMP9125 WEB s 600x400 1
Bức ảnh chụp học viên Pháp Luân Công Manon đang ngồi thiền ở Ottawa. (Nguồn: Nhâm Kiều Sinh/ The Epoch Times)
Đăng ký học thiền, rèn luyện cả tâm lẫn thân tại đây.

Mộc Lan (t/h)