“Chủng này có đột biến kép ở đoạn protein S nên lan tràn rất nhanh, tử vong rất cao”- GS.TS Nguyễn Văn Kính nói về biến chủng kép B1.617 của Ấn Độ.

COVID 19 bien the an do
Một người đang làm nghi lễ trước thi thể đang được hỏa thiêu tại khu hỏa táng Hindu Moksha Dham ở TP Beawar, Ấn Độ, ngày 23/4/2021. (Ảnh: Sumit Saraswat/Shutterstock)

Chia sẻ bên lề hội nghị trực tuyến về an toàn tiêm chủng sáng 28/4, GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội truyền nhiễm cho biết nhiều thông tin tham khảo về biến chủng kép B1.617 đang gây nên thảm kịch tại Ấn Độ, truyền thông trong nước dẫn tin cùng ngày.

“Chủng này có đột biến kép ở đoạn protein S nên lan tràn rất nhanh, tử vong rất cao” – ông Kính nói.

Cả thế giới đang chú ý đến biến chủng kép là B1.617 của Ấn Độ. Trước đây, biến chủng chưa kép là B.1.1.7 từ Anh thấy rõ mức độ lan tràn của nó rất nhanh, tăng cao hơn 70% so với chủng ban đầu. Với chủng kép này, mức độ còn nhanh hơn nữa. Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể tuy nhiên có thể thấy nó nhanh hơn rất nhiều so với các chủng trước đây mà Ấn Độ từng gặp – ông Kính cho biết.

Về tình trạng tử vong rất cao ở Ấn Độ, ông Kính cho hay các nhà khoa học đang nghiên cứu, trong đó có xem xét có phải do độc lực của chủng mới nặng nề, nguy hiểm hơn hay không.

“Nhiều ý kiến cho rằng phải vài ngày nữa Ấn Độ mới đạt đỉnh số tử vong, hiện mỗi ngày Ấn Độ có hơn 2.000 ca tử vong nhưng khi đạt đỉnh, con số này có thể lên tới 13.000/ngày. Đó là một thảm kịch…”

Theo chuyên gia, không chỉ Ấn Độ phải đối mặt với biến chủng kép, cả thế giới cũng hết sức quan tâm, làm sao để ngăn chặn không lan tràn sang nước khác. Dù vậy nhiều nước vẫn đang mở cửa, chưa đóng cửa biên giới nên đã có sự lây lan của chủng này sang nước khác. Ít nhất 17 quốc gia đã ghi nhận xuất hiện biến thể kép này.

Tại Việt Nam, các chuyên gia Ấn Độ cũng vào và cũng bị nhiễm (4 chuyên gia Ấn Độ và một người Việt Nam bị lây). Hiện các bác sĩ vẫn đang theo dõi nhóm 5 người nhiễm bệnh, chưa có ca nào phải thở máy. Triệu chứng lâm sàng của các bệnh nhân này cũng không có khác biệt, chỉ sốt 38,5 độ C, ngày thứ 4 hết sốt, X-quang phổi có tổn thương nhưng không nhiều, ông Kính cho hay.

Tối 26/4, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết các nhà khoa học tại viện đang giải trình tự gene một số ca bệnh COVID-19 nhập cảnh về từ Ấn Độ, trong tuần này sẽ có kết quả, theo báo Gia đình & Xã hội. Nếu phát hiện thêm chủng mới, Việt Nam sẽ có 5 chủng virus nCoV, bên cạnh chủng ở Vũ Hán, chủng Nam Phi, chủng D614G ở châu Âu và chủng đột biến B.1.1.7 của Anh.

Tại Anh hiện đã ghi nhận tới hơn 4.000 biến chủng nCoV, trong đó có biến chủng B.1.1.7 từ Anh có mức độ lây lan cao hơn 70% so với chủng ban đầu. Vào thời điểm phát hiện biến chủng mới ở Anh (tháng 12/2020), ông Michael Worobey, một nhà sinh học tại Đại học Arizona đã quan sát hơn 100.000 biến chủng khác nhau của virus này, theo news.arizona.edu.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Virus Vũ Hán đã có hàng nghìn biến thể, có thể gây diễn biến nặng trong 7-8 ngày