Trước diễn biến lây lan của dịch bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) trên thế giới, Bộ Y tế Việt Nam vừa có công văn yêu cầu tăng cường giám sát, phòng chống, triển khai các biện pháp nhằm hạn chế tối đa số ca nhiễm và tử vong vì bệnh này.

shutterstock 2158713019
(Ảnh minh họa: BLACKDAY/ Shutterstock)

Hôm 24/5, Bộ Y tế ra Công văn số 2668/BYT-DP, đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung sau:

– Chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ: Benin, Cameroon, CH Trung Phi, CHDC Công gô, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, CH Công gô, Sierra Leone và Nam Sudan.

– Tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.

– Chủ động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 21/5, phát hiện 92 ca đậu mùa khỉ và 28 trường hợp nghi nhiễm tại 12 quốc gia như Hà Lan, Pháp, Đức, Anh, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Canada, Israel, Thụy Sĩ, Úc và Mỹ… Cơ quan này cho rằng sắp tới, các ca nhiễm sẽ xuất hiện nhiều hơn khi mở rộng giám sát.

Ca bệnh đầu tiên trong đợt dịch này được phát hiện tại Anh hôm 7/5. Ngày 23/5, các nhà chức trách y tế Anh cho biết đã phát hiện thêm 36 ca tại Anh và ca nhiễm đầu tiên ở Scotland, nâng tổng số các ca nhiễm được xác nhận ở Anh lên 56 ca.

Đậu mùa khỉ cùng họ với đậu mùa, nhưng nhẹ hơn. Có hai chủng đậu mùa khỉ phổ biến. Đầu tiên là chủng Congo, biểu hiện nặng hơn, tỷ lệ tử vong là 10%. Chủng thứ hai tập trung ở Tây Phi, ít nghiêm trọng, thường gây tử vong cho 1% người mắc bệnh. Hiện các bệnh nhân ở Anh mắc chủng đậu mùa Tây Phi.

WHO cho biết thời kỳ ủ bệnh của đậu mùa khỉ thường là 5 đến 21 ngày. Quá trình nhiễm bệnh được chia làm hai giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn virus xâm nhập, kéo dài từ 0 đến 5 ngày, triệu chứng đặc trưng là sốt, nhức đầu dữ dội, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau lưng đau cơ và suy nhược cơ thể (thiếu năng lượng).

Điểm khác biệt của đậu mùa khỉ so với các bệnh khác là nổi hạch. Những biểu hiện còn lại tương tự bệnh thủy đậu, sởi hoặc đậu mùa thông thường.

Giai đoạn thứ hai là phát ban trên da, thường biểu hiện trong một đến ba ngày kể từ khi bệnh nhân bị sốt. Phát ban có xu hướng tập trung nhiều ở mặt và tứ chi hơn là thân. Phát ban tiến triển tuần tự, từ việc rát da (chưa nổi mẩn) đến sẩn ngứa (các nốt mẩn nhô cao), sau đó là mụn nước (tổn thương dứa dịch bên trong) và mụn mủ (tổn thương chứa dịch vàng).

Giới chức Mỹ cho biết, hầu hết người bệnh hồi phục hoàn toàn trong vòng hai đến 4 tuần. Virus này không dễ lây truyền như COVID-19, khó tạo ra đại dịch với mức độ tương đương.

Tuy nhiên, điều khiến WHO lo ngại là các đợt bùng phát gần đây tương đối hiếm gặp, bởi đậu mùa khỉ đang lây lan tại quốc gia nơi virus không lưu hành thường xuyên trước đây. Các nhà khoa học đang tìm cách hiểu rõ về nguồn gốc của các ca nhiễm, để xem virus có thay đổi về mặt di truyền hay không. Ngoài ra, WHO cũng lo ngại số ca mắc sẽ tăng lên khi người dân tụ tập, tham gia các lễ hội, tiệc tùng vào kỳ nghỉ hè sắp tới.

Mới hôm 23/5, chuyên gia David L. Heymann về bệnh truyền nhiễm của WHO đã chỉ ra rằng dịch đậu mùa khỉ lần này có thể liên quan đến các hành vi tình dục trong 2 bữa tiệc đồng tính quy mô lớn ở Tây Ban Nha và Bỉ.

Tổng kết các nguồn tin cho thấy, ngày 15/5 có khoảng 80.000 người đã tham dự “bữa tiệc đồng tính điên rồ nhất thế giới” ở đảo Canaria thuộc Tây Ban Nha, và hiện những người từ nhiều nước tham gia bữa tiệc này đã bị nhiễm virus đậu mùa khỉ. Có vẻ đây là “sự kiện siêu lây nhiễm”.

Chuyên gia David L. Heymann về bệnh truyền nhiễm tại WHO nói với hãng tin AP rằng vụ bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở các nước phát triển được mô tả là “sự kiện ngẫu nhiên” diễn ra trong 2 bữa tiệc đồng tính nam quy mô lớn ở Tây Ban Nha và Bỉ. Con đường lây truyền chính có thể liên quan đến hoạt động tình dục điên cuồng tại bữa tiệc. Bệnh đậu mùa khỉ trước đây không gây bùng phát rộng rãi bên ngoài châu Phi và chủ yếu là dịch bệnh ở con vật.

Ông cho hay trước đây dịch đậu mùa khỉ ở châu Phi chưa bao giờ lan rộng ra bên ngoài châu Phi, điều đó cũng có nghĩa là làn sóng dịch bệnh này ở châu Âu rất khác so với trước đây. Ông nói: “Chúng tôi biết bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan khi bạn tiếp xúc gần với người bị bệnh, nhưng bây giờ có vẻ như quan hệ tình dục cũng gây lây lan rộng rãi”.

Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cũng khuyến cáo giới đồng tính nam và song tính cần cẩn trọng, bởi 4 ca nhiễm gần đây đều xác định là người thuộc cộng đồng này. Tỷ lệ bệnh nhân là người đồng tính nam hoặc lưỡng tính cũng cao (57%).

“Chúng tôi đặc biệt khuyến nghị đàn ông đồng tính và song tính chú ý đến hiện tượng phát ban trên da hoặc bất kỳ tổn thương bất thường nào và liên hệ ngay với cơ sở y tế về sức khỏe tình dục”, tiến sĩ Susan Hopkins, cố vấn y tế chính tại UKHSA, cho biết.

Heymann nhấn mạnh thêm rằng bệnh đậu mùa khỉ không có khả năng gây lây lan trên diện rộng, đây không phải là loại virus corona mới, không lây qua đường không khí, có vắc-xin để phòng ngừa và cần nhanh chóng tiến hành nghiên cứu để xác định xem bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan từ người mắc phải mà không có triệu chứng hay không. Ông khuyến nghị những người có nguy cơ nên đề phòng để tự bảo vệ mình.

Virus đậu mùa khỉ (monkeypox) lây lan chủ yếu trong loài khỉ ở Trung và Tây Phi, lần đầu tiên xuất hiện ở người vào năm 1970, hầu hết bệnh nhân bị mụn nước và phát ban trên mặt và cơ thể cùng với các triệu chứng như sốt, đau, ớn lạnh và mệt mỏi. Dữ liệu trước đây cho thấy tỷ lệ tử vong của bệnh này là 10%, hiện đang lây lan tại nhiều nơi thuộc châu Phi bao gồm cả Cộng hòa Dân chủ Congo, trong năm nay cho đến nay đã báo cáo có 1238 trường hợp mắc bệnh với 57 trường hợp tử vong.

Tuyết Mai (t/h)