Kể từ khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn nghi ngờ loại virus gây đại họa cho thế giới là rò rỉ ra ngoài từ Viện Virus Vũ Hán. Chính vì vậy, việc các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến Vũ Hán để thực hiện nhiệm vụ điều tra nguồn gốc virus đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng có nhiều boăn khoăn, không biết liệu các chuyên gia của WHO có được những thông tin quan trọng và chính xác hay không.

phongnghiencuuP4
Phòng thí nghiệm virus cấp 4 P4 duy nhất của Trung Quốc nằm tại Vũ Hán (Ảnh: Weibo)

Tối ngày 2/2, ông Peter Daszak, một trong những chuyên gia quốc tế của WHO đã tweet cho biết, nhóm chuyên gia chung của WHO lên kế hoạch đến Viện Virus Vũ Hán vào thứ Tư (3/2) để tham quan Phòng Thí nghiệm An toàn Sinh học Quốc gia Trung Quốc và trao đổi với các chuyên gia của viện đó.

Những nguồn tin trước đó cho hay nhóm chuyên gia của WHO đã đến Vũ Hán sau thời gian cách ly 14 ngày kết thúc vào ngày 28/1, họ bắt đầu chuyến đi thực tế kéo dài hai tuần với mục đích xác định đường lây nhiễm khi khởi phát dịch bệnh, dựa trên cơ sở thực chứng khoa học để đưa ra giả thuyết và trở thành cơ sở cho các nghiên cứu lâu dài trong tương lai.

Kế hoạch làm việc vẫn đang triển khai, còn công luận thì vẫn đang boăn khoăn không biết nhóm chuyên gia WHO có thực sự có được những thông tin quan trọng và chính xác liên quan đến virus viêm phổi Vũ Hán hay không.

Một số nghi vấn từ giới chuyên môn

Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle) đưa tin, ông Vương Trí Hoằng (Wang Zhihong), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y tế Dự phòng tại Đại học Stanford, cho biết thời gian từ khi loại virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bắt đầu xuất hiện đến nay đã qua hơn một năm, nếu các chuyên gia của WHO muốn thì cũng khó tìm ra con đường lây truyền ban đầu của virus trên thị trường, và cũng khó biết được loại virus corona mới ở động vật nào trên thị trường đã gián tiếp truyền sang cơ thể người.

Ông cho rằng các chuyên gia của WHO đến thăm Vũ Hán với ba mục đích quan trọng nhất: để hiểu nguồn gốc của loại virus viêm phổi Vũ Hán, từ đó có thể giúp thế giới biết cách tránh sự lây lan của các loại virus tương tự trong tương lai; để hiểu quy trình thông báo thông tin của Chính phủ Trung Quốc khi bắt đầu bùng phát virus, để WHO và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về cách thông báo hiệu quả các thông tin liên quan đến dịch bệnh nếu sau này xảy ra đợt bùng phát dịch bệnh tương tự; để hiểu rõ quy trình chỉ đạo của Chính phủ Trung Quốc khi chống dịch.

Ông cho rằng, trong việc tìm hiểu quy trình thông báo dịch nội bộ của Trung Quốc, các chuyên gia của WHO cũng tìm hiểu cách Trung Quốc thường chia sẻ thông tin liên quan đến dịch bệnh với WHO và các quốc gia khác. Điểm đặc thù của Trung Quốc là khi chỉ dẫn của Chính phủ trong giai đoạn đầu bùng phát diễn tiến rất chậm chạp, nhưng sau khi có lệnh thì việc thi hành rất nhanh chóng.

Chuyên gia Vương Trí Hoằng hy vọng, chuyến đi của các chuyên gia WHO đến Vũ Hán để kiểm tra sẽ mang đến những bài học hữu ích cho Trung Quốc, WHO và cả thế giới: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới muốn biết virus viêm phổi Vũ Hán đã lây lan như thế nào khi khởi phát, từ đó giúp cải thiện cách đối phó với các dịch bệnh khác trong tương lai.”

Một chuyên gia khác là ông Hoàng Nghiêm Trung (Huang Yanzhong), nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CRF) tại Washington, cũng cho rằng cộng đồng quốc tế nên coi cuộc điều tra của các chuyên gia WHO về nguồn gốc của loại virus corona mới là trao đổi thông tin và liên lạc, vì Chính phủ Trung Quốc có hầu hết các manh mối quan trọng. “Những manh mối mà Trung Quốc có thể cung cấp bao gồm việc các nhà khoa học Trung Quốc biết bao nhiêu về loại virus corona mới, những nghiên cứu liên quan mà các nhà khoa học Trung Quốc đã thực hiện, và liệu họ có tiến hành nghiên cứu về các nguồn động vật khả thi hay không. Những manh mối này có thể giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về loại virus corona mới và nguồn gốc của chúng,” ông cho biết.

Nhưng ông cho rằng thời gian kiểm tra hai tuần là quá hạn chế để các chuyên gia WHO có thể đưa ra kết luận gì về nguồn gốc của loại virus corona mới. Đặc biệt, chuyên gia này nhấn mạnh: “Khi cộng đồng quốc tế chính trị hóa một cuộc điều tra khoa học thì sẽ làm cho không khí cuộc điều tra sẽ trở nên rất tồi tệ. Khi đó cộng đồng quốc tế sẽ khó có thể yêu cầu Trung Quốc hợp tác toàn diện.”

Ngoài ra, giáo sư Vương Trí Hoằng tại Đại học Stanford cho rằng, điều WHO không muốn thấy nhất trong chuyến đi điều tra này là báo cáo kiểm tra bị công luận xem như không có giá trị. Ông nói: “Nhưng nếu báo cáo cuối cùng do các chuyên gia của WHO đưa ra không thể được tin tưởng, thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với uy tín của WHO”.

 

Điểm lại một số nghi vấn về nguồn gốc của virus

Kể từ cuối năm 2019 khi dịch bệnh viêm phổi “không rõ nguyên nhân” bùng phát ở Vũ Hán – Trung Quốc, người ta đã nghi ngờ rằng nguyên nhân đến từ loại virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán.

Ví dụ, Luc Montagnier, một nhà virus học người Pháp từng đoạt giải Nobel, vào tháng 4/2020 đã nói rằng có thể virus gây dịch bệnh này là sản phẩm tình cờ của quá trình phát triển vắc-xin AIDS mà phòng thí nghiệm Vũ Hán nghiên cứu, nhưng tuyên bố này đã bị nhiều nhà khoa học chỉ trích và bác bỏ.

Vào tháng 5/2020, hãng tin Sky News của Úc đưa tin rằng chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc của Úc là giáo sư Clive Hamilton cho biết, có nhiều bằng chứng nghiên cứu khảo sát đầy trọng lượng chỉ ra những bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán được xác nhận đầu tiên đã không liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, và nhiều bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán không liên quan gì đến chợ hải sản đó cũng như không tiếp xúc với những người đó. Vì vậy có vấn đề trong tuyên bố cho rằng virus COVID-19 có nguồn gốc từ khi chợ hải sản Hoa Nam.

Giáo sư Hamilton cho hay, có bằng chứng cho thấy loại virus chết người COVID-19 có thể đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm P4 thuộc quyền quản lý của Viện Virus Vũ Hán (Wuhan Institute of Virology), cách chợ hải sản Hoa Nam không xa, đây là lý giải thích hợp nhất đối với nguồn gốc của virus. Suy luận của ông cũng được các nhà khoa học Trung Quốc ủng hộ, vì phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán đã xử lý “các loại virus nguy hiểm nhất thế giới, bao gồm một số virus corona trên cơ thể của loài dơi”.

Tiến sĩ y khoa người Anh John Campbell cũng tin rằng dường như không có vật chủ trung gian giữa dơi và người. Ông Campbell tuyên bố vào ngày 1/5 rằng, ban đầu người ta suy luận có thể đó là tê tê đã lây nhiễm sang người, nhưng dường như không có lời giải thích hoặc bằng chứng hợp lý. Đồng thời ông cũng cho biết nơi ban đầu phát hiện ra bệnh viêm phổi Vũ Hán rất gần với nơi nghiên cứu virus Vũ Hán, là sự “trùng hợp ngẫu nhiên” rất quan trọng. Các nhà nghiên cứu của Viện đó có thể đã thường xuyên nghiên cứu về virus corona trên động vật, không loại trừ có nhân viên phòng thí nghiệm mang bán một số động vật tại khu chợ hải sản Hoa Nam ở gần đó.

Tháng 8/2020, “Tin tức Khoa học Độc lập” (Independent Science News) đã công bố một bài báo về nguồn gốc của virus viêm phổi Vũ Hán có chữ ký chung của nhà virus học người Mỹ Jonathan Latham và nhà sinh học phân tử Allison Wilson. Theo bài báo, một luận văn thạc sĩ của Khoa Y học Lâm sàng số 1 (Đại học Y khoa Côn Minh) thuộc Đại học Y Côn Minh (No. 1 School of Clinical Medicine, Kun Ming Medical University) công bố vào tháng 5/2013 đã đề cập đến sự kiện, có 6 thợ mỏ ở tỉnh Vân Nam thiệt mạng do dọn phân dơi bị nhiễm virus, các triệu chứng liên quan rất giống với bệnh viêm phổi ở Vũ Hán. Bộ phận liên quan đã gửi mẫu mô của những người thợ mỏ bị nhiễm virus đến Viện Virus học Vũ Hán và xác định rằng đó là một loại virus giống SARS. Theo bài báo, virus corona lây nhiễm cho những người thợ mỏ ở tỉnh Vân Nam rất giống với virus viêm phổi ở Vũ Hán hiện đang là virus gây đại dịch toàn cầu.

Văn Lệ, Vision Times

Xem thêm: