Bé gái Đ.T.N. (SN 2021) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp cấp, lơ mơ, môi chi tím tái, gồng cứng tay chân, ban xuất huyết dưới da rải rác đầu mặt, do trước đó bị ngã xuống bể nước tại nhà trong lúc đang chơi đùa.

be trai 2 tuoi nga be ca gia dinh
Hiện bé gái đã được xuất viện, sức khoẻ ổn định. (Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Ngày 5/1, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho bé Đ.T.N. (SN 2021, trú tại xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).

Người nhà bệnh nhi cho biết bé Đ.T.N. bị ngã rơi xuống bể nước tại nhà khi đang chơi đùa, chỉ khoảng vài phút thì trẻ được vớt lên và được đưa ngay đến trung tâm y tế xử trí thở oxy, ép tim, rồi chuyển tiếp đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Theo Bác sĩ chuyên khoa II Dương Văn Linh – Trưởng khoa Khám bệnh (người trực tiếp điều trị cho bé), bệnh nhi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp cấp, lơ mơ, môi chi tím tái, gồng cứng tay chân; SpO2 (độ bảo hòa oxy trong máu) 85% và tụt dần, ban xuất huyết dưới da rải rác đầu mặt.

Tại đây, bệnh nhi được các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên cấp cứu đặt ống nội khí quản, thở máy và các biện pháp điều trị tích cực.

Sau cấp cứu khoảng 1 giờ, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, chỉ số sinh tồn cải thiện dần, hai phổi thông khí được, môi hồng, chi ấm, SpO2 tăng lên 98%, nhịp tim đều, bụng mềm, không sốt. Bệnh nhi tiếp tục được chăm sóc, an thần, nuôi dưỡng qua catheter tĩnh mạch.

Sau một tuần được điều trị và chăm sóc, bé đã tỉnh, dần cai được máy, tự thở, dừng an thần, đến ngày 5/1, các chỉ số sinh tồn, xét nghiệm đều ổn định và được xuất viện.

Bác sĩ Linh cho hay giờ vàng để sơ cứu nạn nhân đuối nước là khoảng từ 1-4 phút đều tiên khi có cơn ngừng thở. Việc cấp cứu phải khẩn trương, đúng phương pháp, với mục đích là giải phóng đường thở và cung cấp oxy nhanh nhất cho nạn nhân. Nếu không kịp thời, hậu quả chính là tổn thương não, suy hô hấp, phù phổi cấp, suy tim, rối loạn điện giải … thậm chí có thể tử vong hoặc rơi vào tình trạng sống thực vật.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần lưu ý và quan tâm đến việc phòng ngừa đuối nước cho con em mình như: Không để trẻ nhỏ ở nhà một mình và luôn quan sát các hoạt động của trẻ; che chắn, đậy kín các vật chứa nước trong nhà; cần đảm bảo an toàn và luôn có người lớn giám sát khi cho trẻ chơi gần ao, hồ, sông; đặc biệt, không nên cho bệnh nhân bị bệnh động kinh bơi.

Song song việc phòng ngừa đuối nước, phụ huynh cũng nên hướng dẫn hoặc cho trẻ đi học bơi, đồng thời tìm hiểu các tài liệu hoặc tham gia lớp hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa và sơ cứu đúng khi đuối nước.

Thạch Lam