PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho hay bệnh tim mạch đang gia tăng rất nhanh và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam, chiếm 33% tổng số bệnh nhân tử vong. Cứ 3 người tử vong thì có 1 người do nguyên nhân tim mạch.

benh nhan tim mach
Một bệnh nhân tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, đang được bác sĩ thăm khám, năm 2021. (Ảnh minh họa: soyte.hatinh.gov.vn)

Thông tin trên được bác sĩ Hùng chia sẻ tại buổi họp báo về Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 18, tổ chức ngày 5/10 tại Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết trong 30 năm qua, mô hình bệnh tật nói chung của Việt Nam đã thay đổi, các bệnh không lây nhiễm đang có khuynh hướng tăng lên như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và rối loạn tâm thần, trong khi các bệnh lây nhiễm đang có xu hướng giảm xuống.

Các bệnh van tim giảm đi thì các bệnh liên quan đến tim mạch của Việt Nam như tăng huyết áp, bệnh động mạch vành hay nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não tăng.

Theo điều tra của Viện, ở một số vùng, có tới 25% người dân mắc bệnh tăng huyết áp, nhưng cá biệt có một số vùng tăng đến 47%. Điều này có nghĩa cứ mỗi 4 người lớn thì có 1 người tăng huyết áp.

Trong số những người mắc huyết áp, tim mạch, có tới 50% người không biết mình bị bệnh, 1/3 trong số người mắc bệnh không được điều trị và một nửa những người tăng huyết áp được điều trị không đạt huyết áp mục tiêu tức là dưới 140/90 mmHg.

“Đáng lo hơn, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều người mắc bệnh khi đang còn trong độ tuổi lao động. Thế nhưng, đến nay vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình. Từ tăng huyết áp dẫn tới rất nhiều biến chứng khác, điển hình là đột quỵ” – ông Việt nói.

Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết nguyên nhân chính dẫn đến trẻ hóa các bệnh lý tim mạch ở nhiều người Việt Nam hiện nay là do thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lối sống ít vận động kèm theo chế độ thực phẩm, ăn uống không hợp lý, nhiều dầu mỡ… dẫn tới béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và cuối cùng là các biến cố tim mạch.

Bên cạnh đó, do sức ép và áp lực công việc của lối sống hiện đại diễn ra trong thời gian dài khiến cơ thể của nhiều người bị căng thẳng lớn. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến những cơn co thắt tim tại nhóm người trẻ tuổi. Lối sống gấp gáp, ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi không phù hợp cũng là nguyên nhân khiến người trẻ tuổi mắc bệnh tim mạch ngày càng nhiều.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2019 có gần 19 triệu ca tử vong thì 76% ca do bệnh không lây nhiễm, trong đó nguyên nhân tử vong hàng đầu là bệnh tim mạch – cao hơn 3 nguyên nhân còn lại là ung thư (1 triệu người), phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD – gần 2 triệu người), đái tháo đường (gần 3,3 triệu người).

Trong số ca chết vì bệnh tim mạch, chủ yếu do bệnh động mạch vành, gây ra cái chết cho 9 triệu người. Điều đó cho thấy người chết do bệnh tim mạnh nhanh và nhiều hơn rất nhiều so với bệnh ung thư. Tại Việt Nam, các bệnh tim mạch chiếm tới 33% nguyên nhân gây tử vong.

Ông Hùng khuyến cáo bệnh tim mạch phòng ngừa được, nhưng nhiều người còn rất chủ quan. Tim mạch tiến triển âm thầm, đến khi xảy ra tai biến thì đã quá muộn. Người bị nhồi máu cơ tim rồi mới biết mình mắc tiểu đường, rối loạn mỡ máu từ lâu.

Minh Sơn