Hội đồng Y tế Thế giới đã thông qua nghị quyết kêu gọi việc đối xử đặc biệt với các bằng sáng chế để đảm bảo ‘việc tiếp cận phổ cập, kịp thời và công bằng’ vắc-xin COVID-19. Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng cơ chế phát triển thuốc và chủ nghĩa bảo hộ đang gửi những tín hiệu đáng lo ngại về việc phân phối sẽ như thế nào.

vaccine 4892048 1280
Ảnh minh hoạ: Gerd Altmann từ Pixabay

Đại dịch COVID-19 và tác động tàn phá đối với sức khoẻ con người đã thúc đẩy cuộc đua tìm kiếm vắc-xin trên toàn cầu. Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu đều đã bơm hàng tỷ đô la vào nỗ lực nghiên cứu và hiện một vài nước đã cho thấy những kết quả ban đầu khá triển vọng. Câu hỏi kế tiếp được đặt ra là: nếu vắc-xin được phát triển, ai sẽ nhận được nó? Vấn đề này đã bùng lên tại cuộc họp tuần trước của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và 194 quốc gia thành viên.

Hội đồng đã thông qua một nghị quyết về COVID-19, kêu gọi việc đối xử đặc biệt với các bằng sáng chế để đảm bảo “việc tiếp cận phổ cập, kịp thời và công bằng” đối với các vắc-xin và thuốc. Tuy nhiên, Mỹ tỏ ra không hài lòng với các từ ngữ liên quan đến bằng sáng chế, bởi nó “gửi một thông điệp sai đến các nhà sáng chế”, phái đoàn thường trực của Hoa Kỳ tại Geneva cho biết trong một tuyên bố hôm 26/5.

Nghị quyết này tham khảo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo đó cho phép các chính phủ được sử dụng thông tin của bằng sáng chế trong khủng hoảng y tế mà không cần sự chấp thuận của người sở hữu bằng sáng chế, ví dụ : để sản xuất vắc-xin hay thuốc về gen.

Xung đột giữa quyền sở hữu và quyền tiếp cận trong y tế công cộng toàn cầu không phải là vấn đề mới, nhưng với cơn đại dịch gây chết người đang lây lan khắp thế giới và chưa có cách điều trị, thì những tranh cãi liên quan đến việc sản xuất và phân phối lại đang nóng lên. 

Các chuyên gia cảnh báo rằng cơ chế phát triển thuốc hiện nay, cùng với các biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc đang gửi những tín hiệu đáng lo ngại về việc phân phối vắc-xin sẽ diễn ra như thế nào trong tương lai.

Mặc dù việc tiếp cận và khả năng chi trả từ lâu đã là một vấn đề tại các quốc gia đang phát triển, nhưng “bây giờ mỗi quốc gia đều phải đối mặt với vấn đề này”, Deborah Gleeson, giảng viên chính tại Trường Tâm lý và Sức khỏe Cộng đồng của Đại học La Trobe, Úc, người nghiên cứu tác động của các thỏa thuận thương mại quốc tế đối với y tế cộng đồng, cho biết.

Hiện ở Liên Hợp Quốc, đã xuất hiện những lời kêu gọi nhằm định rõ các vắc-xin, thuốc và phương pháp chẩn đoán về COVID-19 sẽ được coi như các “sản phẩm công cộng toàn cầu”.

Một liên minh gồm hơn 140 nhà lãnh đạo thế giới và chuyên gia đã viết một bức thư ngỏ hôm 14/5 kêu gọi tất cả các chính phủ đoàn kết về một “vắc-xin của người dân”, sản xuất nhanh chóng ở quy mô lớn và “dành cho tất cả mọi người, tại mọi quốc gia và miễn phí”.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng đảm bảo rằng việc phát triển và triển khai vắc-xin tại Trung Quốc “sẽ được làm thành hàng hóa công cộng toàn cầu”. Nước này hiện có 5 mẫu vắc-xin đang thử nghiệm trên người, các quan chức cho biết. 

Nhưng các tuyên bố khác lại nghiêng về hướng ưu tiên cho mỗi từng quốc gia. 

Bộ Y tế và Nhân sinh Mỹ hôm 28/5 cho biết sẽ cung cấp 1,2 tỷ USD cho công ty sản xuất thuốc của Anh AstraZeneca để phát triển vắc-xin COVID-19, đảm bảo cung cấp 300 triệu liều thuốc cho Hoa Kỳ.

Tháng trước, giám đốc điều hành của Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, đã nói với Reuters rằng “phần lớn” mẫu vắc-xin đang được phát triển tại Anh sẽ được cung cấp trước hết “cho người dân của chúng tôi trước khi cung cấp ra nước ngoài”.

Ana Santos Rutschman, trợ lý giáo sư của Trung tâm Nghiên cứu Luật Y tế tại Đại học Saint Louis, người đã tư vấn cho WHO về phát triển vắc-xin Ebola và Zika, cho biết thế giới đã không đạt được tiến bộ về mặt pháp lý liên quan đến việc “tiếp cận và phân phối công bằng” vắc-xin.

“Đại dịch không phải là thời điểm tốt nhất để nghĩ ra một bộ quy tắc, nhưng chúng ta đã không phát triển bộ quy tắc này trước đại dịch, do đó bây giờ các cuộc thương lượng phải diễn ra trong những tình huống khó khăn,” bà nói.

Hiện nhiều chuyên gia y tế công cộng toàn cầu đã tham gia một sáng kiến do Liên Minh y tế Malaysia đồng tài trợ, kêu gọi các công ty dược phẩm đảm bảo rằng các quốc gia thu nhập trung bình có thể tiếp cận thuốc và vắc-xin được sản xuất thông qua những thỏa thuận cấp phép tự nguyện.

Gia Huy (theo SCMP)

Xem thêm: