Theo SCMP, hơn 200 nhà khoa học trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì coi nhẹ nguy cơ virus corona có thể lây lan qua không khí.

photo
Dịch viêm phổi COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh (Ảnh: CNA)

Sáu tháng sau khi đại dịch COVID-19 gây ra cái chết cho hơn nửa triệu người trên thế giới, 239 nhà khoa học từ 39 quốc gia khác nhau đã cùng ký vào bức thư gửi WHO, cho rằng tổ chức này đã phớt lờ bằng chứng ngày càng rõ rệt về việc virus corona chủng mới có thể lây lan qua không khí.

Trước đó, WHO kiên trì quan điểm rằng virus corona chỉ có khả năng lây lan chủ yếu khi hít phải các giọt bắn từ người bị nhiễm bệnh ở gần hoặc chạm vào bề mặt có virus, sau đó chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng. Vì vậy, WHO đã đưa ra khuyến cáo phòng bệnh chủ yếu bằng biện pháp rửa tay thường xuyên và giãn cách xã hội.

Các nhà khoa học cho biết nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các hạt được gọi là aerosol (khí dung) có thể lơ lửng trong không khí trong thời gian dài và trôi nổi hàng chục mét, khiến những căn phòng thông gió kém, xe buýt và các không gian chật hẹp khác trở nên nguy hiểm ngay cả khi hai người cố gắng đứng xa nhau 2 mét.

Điều này cũng giúp giải thích nguyên do của những ca “siêu lây nhiễm” trên thế giới, theo các chuyên gia. Về phía WHO, giới chức cơ quan này từng thừa nhận virus có thể lây truyền qua aerosol nhưng chỉ trong các quy trình y tế như đặt ống nội khí quản.

Người nhiễm COVID-19 không triệu chứng có thể lây truyền qua khí dung

Sau khi nhận được bức thư từ các nhà khoa học, hôm 7/7, WHO đã thừa nhận có những chứng cứ cho thấy virus corona có thể lây lan qua không khí, nhưng vẫn cho rằng cần có thêm các nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề này, theo hãng tin Reuters.

Bà Maria Van Kerkhove, phụ trách vấn đề kỹ thuật về đại dịch COVID-19 của WHO, nói trong cuộc họp báo rằng WHO “đang thảo luận về khả năng lây nhiễm qua không khí (airborne transmission) và lây nhiễm qua hạt khí dung (aerosol transmission) như là một trong những dạng thức lây nhiễm của COVID-19″.

Kể từ khi virus corona được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 12, thế giới đã trải qua nhiều lần thay đổi nhận thức về sự lây truyền của nó. Điều này cũng ảnh hưởng đến nội dung các hướng dẫn liên quan đến việc phòng ngừa bệnh và sử dụng khẩu trang. 

Đầu tiên, WHO nói rằng khẩu trang là không cần thiết đối với người khoẻ mạnh bình thường và nên được dành cho nhân viên y tế. CDC Mỹ khi đó cũng khuyến cáo chỉ những ai có triệu chứng bệnh mới nên đeo khẩu trang. 

Sau đó, vào tháng Tư, sau khi xuất hiện nhiều trường hợp rõ ràng rằng những người không có triệu chứng cũng có thể truyền virus, CDC khuyến cáo tất cả mọi người nên đeo khẩu trang và WHO cũng đã chấp nhận việc này. 

Tính đến sáng ngày 8/7, virus corona chủng mới đã lây nhiễm cho hơn 11,9 triệu người (dự báo sẽ vượt quá 12 triệu người vào ngày mai 9/7) và khiến gần 550 nghìn người thiệt mạng, theo số liệu của Đại học John Hopkins.

Thanh Thuỷ

Xem thêm: