Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt vắc-xin COVID-19 của nhà sản xuất Trung Quốc Sinopharm để sử dụng khẩn cấp vào thứ Sáu (7/5), một động thái được cho là tạo điều kiện cho vắc-xin Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong việc tiêm chủng trên thế giới.

Embed from Getty Images

Sinopharm – một trong hai loại vắc-xin ngừa virus corona chính của Trung Quốc – sẽ là loại vắc-xin đầu tiên do một quốc gia không phải phương Tây phát triển có được sự ủng hộ của WHO, thậm chí trước cả vắc-xin Sputnik của Nga.

Đây cũng là lần đầu tiên WHO cho phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin của Trung Quốc đối với một căn bệnh truyền nhiễm, mặc dù ngay đầu tuần này, một số chuyên gia lẻ tẻ của WHO đã bày tỏ lo ngại về chất lượng dữ liệu mà công ty cung cấp về các tác dụng phụ. 

Được đưa vào danh sách khẩn cấp của WHO gửi tín hiệu cho các cơ quan quản lý quốc gia trên thế giới rằng đây là một sản phẩm an toàn và hiệu quả. WHO cũng cho phép đưa loại vắc-xin này vào COVAX, chương trình chia sẻ vắc-xin toàn cầu cho các nước đang phát triển và những nước nghèo.

“Điều này mở rộng danh sách vắc-xin COVID-19 mà COVAX có thể mua, giúp các quốc gia tự tin hơn trong việc xúc tiến phê duyệt trong nước cũng như nhập khẩu và quản lý vắc-xin”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một cuộc họp báo.

Cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward cho biết Sinopharm sẽ tự quyết định cung cấp bao nhiêu liều vắc-xin cho chương trình, nhưng nói thêm: “Họ đang xem xét việc cố gắng cung cấp đáng kể các liều vắc-xin [cho COVAX], đồng thời tất nhiên vẫn cố gắng dành cho dân chúng ở Trung Quốc.” 

WHO đã phê duyệt khẩn cấp vắc xin COVID-19 do Pfizer-BioNTech, AstraZeneca, và Johnson & Johnson. Vắc-xin Moderna cũng được phê duyệt vào tuần trước.

Quyết định phê duyệt vắc xin của Sinopharm đã được thực hiện bởi nhóm cố vấn kỹ thuật của WHO. Nhóm này đã nhóm họp từ ngày 26/4 để xem xét các dữ liệu lâm sàng mới nhất cũng như quy trình sản xuất.

“Các yêu cầu lưu trữ dễ dàng của nó làm cho nó rất phù hợp với năng lực lưu trữ còn thấp ở nhiều quốc gia”, tuyên bố của WHO cho biết.

Ông Tedros cho biết, sau khi được phê duyệt, Nhóm Chuyên gia Tư vấn Chiến lược (SAGE) của WHO đã khuyến nghị rằng người lớn trên 18 tuổi nên tiêm hai liều vắc-xin Sinopharm.

“Trên cơ sở tất cả các bằng chứng hiện có, WHO khuyến cáo nên tiêm vắc-xin này cho người lớn từ 18 tuổi trở lên, theo lịch trình hai mũi với khoảng cách từ ba đến bốn tuần”, tuyên bố của WHO cho biết.

Tuy vậy, ông Alejandro Craviato, chủ tịch hội đồng của SAGE, cho biết để cẩn trọng hơn, Sinopharm hoặc các cơ quan chức năng ở các quốc gia nên giám sát những người trên 60 tuổi, những người mắc bệnh đồng thời và phụ nữ mang thai sau khi tiêm chủng.

Đối với loại vắc-xin khác của Trung Quốc do Sinovac phát triển, WHO cho biết họ sẽ có thể đạt được quyết định về loại vắc-xin này vào tuần tới. 

Trung Quốc đã sản xuất khoảng 65 triệu liều vắc-xin Sinopharm và khoảng 260 triệu liều vắc-xin Sinovac. Cả hai đều đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các quốc gia khó khăn tại Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi.

Hiệu quả gây tranh cãi

Tuy vậy, hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc hiện vẫn gây tranh cãi. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Chile, sau khi tiến hành tiêm chủng vắc-xin Sinovac của Trung Quốc, tỷ lệ lây nhiễm không những giảm đi mà còn tăng lên. Trước khủng hoảng niềm tin của người dân vào vắc-xin nội địa, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, ông Cao Phúc (Gao Fu) đã có dịp hiếm hoi thừa nhận “tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc là thấp”.

Ngoài ra, tờ Associated Press (AP) tại Mỹ chỉ ra, điều đáng nói là, mặc dù dữ liệu lâm sàng về vắc-xin của Trung Quốc không đầy đủ và độ an toàn không hoàn toàn đáng tin cậy, nhưng “chính sách ngoại giao vắc-xin” của Trung Quốc đã sớm được triển khai toàn diện và hiện có ít nhất 25 quốc gia đã chính thức thực hiện công tác tiêm chủng vắc-xin Trung Quốc, bao gồm Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Hungary, Brazil và Peru.

Trước đó, truyền thông Peru đưa tin, hai loại vắc-xin của Sinopharm phát triển trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III tại địa phương có tỷ lệ hiệu quả chỉ là 11,5% và 33%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hiệu quả mà Sinopharm tuyên bố là gần 80%, thậm chí còn thấp hơn ngưỡng 50% mà WHO đặt ra.

Chỉ trong hai tuần đầu tháng 3, Hồng Kông đã có 7 người tử vong sau khi tiêm vắc-xin của Sinovac, độ tuổi từ 55 đến 80 tuổi. 

Tính đến ngày 28/2, 56 người trên toàn thế giới đã tử vong sau khi tiêm vắc-xin Sinovac của Trung Quốc. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy các nhân viên y tế Trung Quốc cũng nghi ngờ về vắc-xin sản xuất trong nước.

Lê Vy

Xem thêm: