Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới giảm 17% trong tuần qua so với tuần trước, trong đó đặc biệt Hoa Kỳ giảm 50%. Số ca tử vong do COVID trên toàn cầu cũng giảm 7%.

shutterstock 1659733408
Tổ chức y tế thế giới WHO. (Ảnh: Skorzewiak/ Shutterstock)

Báo cáo dịch tễ học hàng tuần của WHO, được công bố vào cuối ngày thứ Ba (8/2) cho thấy, biến thể Omicron ngày càng chiếm ưu thế, chiếm gần 97% tổng số ca nhiễm được ghi nhận bởi nền tảng theo dõi virus quốc tế có tên là GISAID. Biến thể Delta chỉ còn chiếm khoảng hơn 3%.

WHO lưu ý: “Sự phổ biến của biến thể Omicron đã tăng trên toàn cầu và hiện đã được phát hiện ở hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, nhiều nước đã báo cáo sự gia tăng ban đầu số ca nhiễm do biến thể Omicron gây ra hiện đã báo cáo sự sụt giảm [các ca nhiễm do biến thể này] trong tổng số các ca nhiễm mới kể từ đầu tháng 1/2022.”

Theo WHO, hơn 19 triệu ca nhiễm COVID-19 mới và gần 68.000 ca tử vong mới được ghi nhận trên toàn cầu trong tuần từ ngày 31/1 đến ngày 6/2. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, các con số báo cáo đó được cho là đã đánh giá quá thấp con số thực tế. 

Số ca nhiễm đã giảm ở hầu hết 6 khu vực của WHO, ngoại trừ khu vực phía đông Địa Trung Hải, đã báo cáo tăng 36%, đặc biệt là sự gia tăng các ca nhiễm ở Afghanistan, Iran, và Jordan.

Mặc dù số ca nhiễm tại các quốc gia ở Đông Âu như Azerbaijan, Belarus and Nga vẫn tăng, nhưng số ca nhiễm ở châu Âu nói chung đã giảm 7%, nhờ sự sụt giảm đáng kể ở các quốc gia khác như Pháp và Đức.

Tại châu Mỹ, số ca nhiễm giảm 36%. Đặc biệt Hoa Kỳ, vẫn đang là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chỉ ghi nhận 1,87 triệu ca nhiễm mới, giảm 50% so với tuần trước.

Trích dẫn dữ liệu hạn chế về hiệu quả của vắc-xin đối với biến thể Omicron, WHO cho hay, các ước tính cho thấy khả năng bảo vệ của loạt vắc-xin COVID-19 đầu tiên đối với biến thể Omicron trong việc ngăn ngừa bệnh nặng, bệnh có triệu chứng và nhiễm bệnh đều giảm. Các loại vắc-xin hiện được cho là có hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa bệnh nặng do biến thể Omicron gây ra.

Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc còn cho biết, liều tiêm tăng cường ước tính đã làm tăng hiệu quả của vắc-xin lên hơn 75% đối với tất cả các loại vắc-xin có sẵn dữ liệu, mặc dù tỷ lệ này đã giảm sau 3 đến 6 tháng sau khi tiêm.

Nhật Minh (Theo AP)

Xem thêm: