Ngày 26/6, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom cho biết virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) biến thể Ấn Độ Delta là loại biến thể có khả năng lây lan mạnh nhất, cho đến nay đã lây lan ở ít nhất 85 nước.

shutterstock 17314401431
Xét nghiệm COVID-19 ở Ấn Độ (Ảnh: Sanjoy Karmakar / Shutterstock)

Vào đầu năm 2020, chủng virus corona mới lan truyền từ Vũ Hán Trung Quốc ra khắp thế giới và sau đó chúng không ngừng đột biến. Loại biến thể Delta được phát hiện gần đây ở Ấn Độ có khả năng lây nhiễm cao hơn các loại trước đó, đang khiến thế giới phải đối mặt với một làn sóng dịch bệnh mới.

Theo giới khoa học Anh, chủng Ấn Độ Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn từ 40% – 80% so với chủng đột biến Alpha được tìm thấy ở Anh, cũng lây nhiễm cao hơn chủng gốc ở Vũ Hán.

Trong họp báo ngày 26/6, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom cảnh báo rằng biến thể Delta hiện là biến thể mạnh nhất và đã lây lan ở ít nhất 85 quốc gia.

Gần đây Israel, nước đứng trong top 3 thế giới về tỷ lệ tiêm chủng, phải chứng kiến ​​sự gia tăng mạnh mẽ các trường hợp nhiễm biến thể Ấn Độ Delta. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 24/6, có khoảng 57% dân số Israel đã được tiêm 2 mũi vắc-xin COVID-19.

Ngày 25/6, Chính phủ Israel thông báo hoãn việc bỏ phong tỏa và tiếp tục thực hiện lại các quy định chống dịch như đeo khẩu trang trong nhà. Giám đốc Clalit của tổ chức quản lý y tế lớn nhất nước này cho biết, sự xâm nhập của biến thể Delta đã làm thay đổi sự lây lan.

Tuần trước, Vương quốc Anh đã có thêm 35.204 trường hợp nhiễm biến thể Ấn Độ Delta, chiếm hơn 90% các trường hợp được xác nhận.

Nhưng theo Bộ Y tế Cộng đồng Anh, thực tế vắc-xin vẫn có hơn 90% khả năng bảo vệ tránh được tình trạng bệnh tình chuyển biến nghiêm trọng hoặc tử vong do nhiễm biến thể Delta, đồng thời cũng cảnh báo người đã tiêm vắc-xin rằng vẫn tồn tại rủi ro nhất định.

Ngày 26/6, giới chức Úc thông báo phong tỏa trong 2 tuần tại thành phố lớn nhất Sydney và một số khu vực lân cận, do hơn 80 trường hợp nhiễm mới tại khu vực là nhiễm biến thể Ấn Độ Delta.

Ông Tim Spector, giáo sư dịch tễ học tại Đại học King’s College London cho biết, theo nghiên cứu của ông về thông tin dịch bệnh thì các triệu chứng khi bị nhiễm biến thể Delta sẽ giống như cảm lạnh nặng, có thể khiến người nhiễm bệnh cảm thấy đó chỉ là bệnh cúm bình thường nên vẫn ra ngoài tham gia các hoạt động cộng đồng bình thường, gây nguy cơ lây lan nguy hiểm.

Theo tờ Guardian (Anh), dữ liệu cho thấy biến thể Ấn Độ Delta cũng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng bao gồm chán ăn, buồn nôn, đau dạ dày, mất thính giác, và đau khớp. Bằng chứng từ Quảng Châu cho thấy, 12% bệnh nhân sẽ chuyển sang trạng thái bệnh nặng hoặc nguy kịch trong vòng 3 đến 4 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng, và như vậy so với trước tỷ lệ này cao gấp 4 lần.

Theo WHO, chủng Ấn Độ Delta đã lây lan ở những nơi không phổ cập vắc-xin, bao gồm cả châu Phi. Tại Châu Phi cho đến nay, chủng Delta đã xuất hiện ở 14 nước, và những nước nặng là Uganda và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Trong họp báo ngày 26/6, ông Tedros Adhanom cho biết rằng lây lan của biến thể Delta tăng nhanh hơn ở các nước nghèo do các nước đó thiếu thốn vắc-xin. Tình hình ở châu Phi đang ở trong tình trạng “rất nguy cấp”, trong khoảng 7 ngày qua số ca mới được chẩn đoán và tử vong ở châu Phi đã tăng gần 40%.

Tính từ tháng 2/2021 đến nay, cơ chế hỗ trợ vắc-xin COVID-19 toàn cầu do WHO đứng đầu (Covax) đã cung cấp được 90 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho 132 quốc gia. Nhưng Covax đang gặp khó khăn về nguồn cung kể từ khi Ấn Độ đình chỉ xuất khẩu vắc-xin, trong khi hàng trăm triệu liều vắc-xin mà các nước như Anh và Mỹ hứa hẹn thì trong ngắn hạn sẽ không thể có được.

Theo Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), biến thể Ấn Độ Delta đã xuất hiện thêm biến thể mới, đặt tên là K417N, đã xuất hiện ở ít nhất 11 quốc gia bao gồm Anh, Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết chưa có bằng chứng cho thấy K417N có khả năng lây nhiễm và tỷ lệ tử vong mạnh hơn. 

Vương Quân, Vision Times

Xem thêm: