Sau thời gian dài buồn bã và lo lắng về hoàn cảnh của gia đình, bác sĩ Suzanne Soehner đã tìm đến y học Tây Tạng, hy vọng một liều thuốc cổ truyền sẽ giúp cô khắc phục tâm trạng nặng nề.

Thật bất ngờ, thay vì được kê đơn thuốc, cô lại nhận được hai lời khuyên quý giá như sau:

  • “Khi bạn nhận ra mọi thứ chỉ là một giấc mơ, mọi buồn phiền sẽ tan biến”.
  • “Phật dạy rằng nguồn gốc của hạnh phúc là biết nghĩ cho người khác. Nguồn cơn của khổ đau là chỉ biết nghĩ cho mình”.
Bức tượng Phật Dược Sư tại bảo tàng Nghệ thuật Rubin ở Manhattan ngày 8/8/2014. Ngài là vị Phật chính thống của y học Tây Tạng và là hình tượng về lòng từ bi mà các thầy thuốc cố gắng noi theo. (ảnh: June Fakkert/ET)
Bức tượng Phật Dược Sư tại bảo tàng Nghệ thuật Rubin ở Manhattan ngày 8/8/2014. Ngài là vị Phật chính thống của y học Tây Tạng và là hình tượng về lòng từ bi mà các thầy thuốc cố gắng noi theo. (ảnh: June Fakkert/ET)

Cũng như văn hóa Tây Tạng, nền y học Tây Tạng thấm nhuần giáo lý Phật giáo. Ở đây, niềm tin vào luân hồi và từ bi trở thành nền tảng chữa trị các căn bệnh cả về thể xác lẫn tinh thần.

”Phật Dược Sư, ông tổ của y học Tây Tạng, là hình mẫu cho các vị thầy thuốc ở đây học theo,” ông Elliot Tokar, một bác sĩ người Mỹ chuyên về y học Tây Tạng cho biết. Ông đã bắt đầu tu theo Phật giáo Tây Tạng để hỗ trợ thêm công việc chữa bệnh của mình. Từ bi là một phần không thể thiếu để có được sức khoẻ và hạnh phúc theo tín ngưỡng này.

“Từ bi có thể mang lại khoẻ mạnh cho con người, vì một tinh thần tốt sẽ giúp cho toàn bộ cơ thể khỏe mạnh. Từ bi còn khiến cơ thể duy trì sự cân bằng. Khi Tâm được hạnh phúc, cơ thể bạn sẽ tự nhiên khoẻ mạnh lên,” theo Dawa Ridak, một thầy thuốc Tây Tạng ở Brooklyn, Mỹ.

Còn một tâm hồn toàn dục vọng (chấp trước) thì sẽ đánh mất bản tính từ bi. Trong y học Tây Tạng, mọi dục vọng được cho là nguyên nhân dẫn đến hao tổn sức khỏe con người.

Bức tranh thuộc y học Tây Tạng mô tả hai phần đối lập, khỏe và yếu của một cái cây (Ảnh: bảo tàng Nghệ thuật Rubin)
Bức tranh thuộc y học Tây Tạng mô tả hai phần đối lập, khỏe và yếu của một cái cây (Ảnh: bảo tàng Nghệ thuật Rubin)

“Nguồn gốc của bệnh tật là chấp trước, ràng buộc. Nếu tâm bạn đầy dục vọng… nó sẽ đầu độc và làm bạn mất cân bằng”, theo Joseph Choeying Phunstoek, một thầy thuốc Tây Tạng được đào tạo tại Trung tâm y học Tây Tạng ở vùng Bắc Ấn và đang hành nghề ở New York.

Phật giáo giảng, có ba dính mắc cơ bản của con người, đó là: tham, sân, si. Từ những dục vọng này, nó có thể dẫn đến những loại bệnh tật khác nhau.

Ví dụ, một người quá tham lam vật chất có thể dẫn đến rối loạn hệ tuần hoàn, thần kinh và tâm trí. Một người nóng giận (sân) có thể bị bệnh liên quan tới huyết và gan. Si mê có thể trở thành nguyên nhân gây hao tổn quá trình sản sinh tân dịch như hệ tiêu hoá.

>> Tức khí hại thân: Vì sao người ta có thể vì tức giận mà chết?

Y học Tây Tạng tin rằng bệnh tật có thể được chữa trị nhờ các liệu pháp tinh thần, nhưng họ cũng thừa nhận vai trò của chế độ ăn uống và các yếu tố môi trường.

Từ hàng nghìn năm nay, các thầy thuốc Tây Tạng đã tiến hành vô số thử nghiệm để có cái nhìn sâu sắc về sức khoẻ và chữa bệnh, biến y học Tây Tạng trở thành một trong những hệ thống y học toàn diện nhất thế giới.

Về khoa học

Tranh vẽ của y học Tây Tạng mô tả vị trí nội tạng bên trong cơ thể (Ảnh: bảo tàng Nghệ thuật Rubin)
Tranh vẽ của y học Tây Tạng mô tả vị trí nội tạng bên trong cơ thể (Ảnh: bảo tàng Nghệ thuật Rubin)

Các phương pháp chữa bệnh của y học Tây Tạng bao gồm chế độ ăn và điều chỉnh lối sống, thực phẩm thiên nhiên, vật lý trị liệu, bấm huyệt và châm cứu.

Tuy nhiên trước khi chữa trị, thầy thuốc sẽ đánh giá tổng quát sức khoẻ của bệnh nhân. Việc thăm khám bao gồm nhiều kỹ thuật quan sát khác nhau, trong đó có khám lưỡi, mắt, hay thậm chí xem qua các chất bài tiết…

Các thầy thuốc Tây Tạng cũng bắt mạch và đưa ra nhiều câu hỏi về bệnh sử, thói quen và chế độ ăn, để hiểu được các yếu tố đang chi phối sức khoẻ bệnh nhân.

Kỹ thuật bắt mạch của y học Tây Tạng phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ đo nhịp tim. Để bắt mạch, thầy thuốc dùng ba ngón tay đặt lên vùng cổ tay. Sau nhiều năm rèn luyện, họ có thể nhận ra nhịp đập mạnh yếu, nhanh chậm phản ánh tình trạng sức khoẻ của các cơ quan khác nhau trong cơ thể như thế nào.

Một bức ảnh được trưng bày tại bảo tàng Nghệ thuật Rubin ở Manhattan ngày 8/8/2014, với một thầy thuốc Tây Tạng đang bấm huyệt cho bệnh nhân.(ảnh: June Fakkert/ET)
Một bức ảnh được trưng bày tại bảo tàng Nghệ thuật Rubin ở Manhattan ngày 8/8/2014, với một thầy thuốc Tây Tạng đang bấm huyệt cho bệnh nhân.(ảnh: June Fakkert/ET)

Kỹ thuật này chính xác một cách đáng ngạc nhiên. Một nhà báo người Áo đến Hoa Kỳ để tìm hiểu các phương thức chữa bệnh cho biết, vị thầy thuốc Tây Tạng sau khi bắt mạch đã chẩn đoán rằng ông đang có vấn đề về thận, nhưng ông không tin. Một vài tháng sau đó, cơn đau do sỏi thận mới thật sự khiến ông đi chữa trị.

Bước đầu tiên trong cách điều trị trị của y học Tây Tạng thường là thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Bước tiếp theo là dùng thảo dược Tây Tạng bao gồm từ 3 cho đến hơn 150 loại thảo dược và khoáng chất khác nhau. Những phương thuốc này có công thức rất chính xác và được sản xuất qua quá trình vô cùng tỉ mỉ.

Khác biệt giữa các phương thuốc cổ đại này so với thuốc Tây là: các yếu tố khí hậu, chất lượng và loại đất, lượng mưa và nắng, thời gian thu hoạch trong ngày và trong năm đều được xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu năng của thảo dược.

Trong văn hóa và tín ngưỡng Tây Tạng, mọi người tin rằng cầu nguyện có năng lượng. Cầu nguyện trong lúc bào chế thuốc được cho là giúp thuốc có tác dụng tốt hơn.

Về tinh thần

Thuốc điều chế từ thảo dược Tây Tạng được trưng bày tại bảo tàng Nghệ thuật Rubin ở Manhattan ngày 8/8/2014. Loại thuốc này được bào chế rất đặc biệt với nhiều thành phần truyền thống. (ảnh: June Fakkert/ET)
Thuốc điều chế từ thảo dược Tây Tạng được trưng bày tại bảo tàng Nghệ thuật Rubin ở Manhattan ngày 8/8/2014. Loại thuốc này được bào chế rất đặc biệt với nhiều thành phần truyền thống. (ảnh: June Fakkert/ET)

Sinh ra và lớn lên ở Mỹ quốc, Tokar là một trong những thầy thuốc Tây Tạng ít ỏi của phương Tây. Anh trở nên hứng thú với y học Tây Tạng sau khi thấy người bạn khoẻ lại một cách thần kỳ nhờ phương thức chữa trị này.

Người bạn của anh bị ốm nhiều năm vì bệnh lao, viêm khớp và thấp khớp. Sau đó, cô được chẩn đoán là mắc bệnh viêm xương và viêm tuỷ xương.

Các bác sĩ cho biết, cô cần ít nhất 9 tháng điều trị thuốc và phẫu thuật để khỏi bệnh nhiễm trùng. Do đó, cô đã chọn từ bỏ điều trị bằng Tây y để dùng phương pháp y học Tây Tạng.

Chỉ trong 6 tháng, cô “đã có thể hồi phục lại gần như hoàn toàn sức khoẻ”, theo lời Tokar.

Ông Tokar cho rằng, thành công của y học Tây Tạng một phần  nằm ở việc giúp mọi người hiểu rõ hơn về sức khỏe của họ, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Tokar đã chứng kiến một vị thầy của mình điều trị một bệnh nhân nữ có dấu hiệu bệnh tâm thần. Cô tìm đến đây với một vị bác sĩ tâm thần đi kèm, vì nghe nói y học Tây Tạng có năng lực tâm linh.

“Thầy của tôi chẩn đoán và hiểu ra ngay… cô ấy không mắc bệnh tâm thần,” ông Tokar nhớ lại. Sau khi trò chuyện một lúc lâu, hóa ra cô đã bị tổn thương tinh thần nghiêm trọng khi còn nhỏ.

“Cô ấy đã dùng nhiều loại thuốc tâm thần khác nhau để đối phó với nỗi đau đó, và trở thành một người nghiện thuốc… Mọi người thường cảm thấy chuyện đó rất riêng tư và mơ hồ, nhưng thật ra nó rất rõ ràng và hiện hữu vật lý”, Tokar nói.

>> Nhà sinh học tế bào: Ý nghĩ của bạn kiểm soát DNA

Thầy của Tokar đã hướng dẫn cho người bệnh đó các bước để cải thiện tình trạng này. Ban đầu cô thấy bối rối và tức giận vì ý kiến rằng cô không bị bệnh, bởi cô đã quen với ý tưởng rằng mình bị tâm thần. Tuy nhiên sau khi bình tĩnh, cô đã đồng ý với đề nghị trên để tiến hành chữa trị.

Là một bác sĩ với bằng cấp Đông Y hành nghề ở New York, cô Soehner từng nhận được lời khuyên của một bác sĩ Tây Tạng làm cô bất ngờ. Nó giống như một “gáo nước lạnh”, nhưng cũng là “loại thuốc tốt nhất ông ấy có thể cho,” cô nói.

Ông đã nói, “Hạnh phúc là khi ta nghĩ cho người khác”, và điều này đã đúng hết lần này tới lần khác. Cô Soehner luôn nhắc nhở mình bí quyết này khi điều trị bệnh nhân.

“Khi gặp bệnh nhân, tôi hoàn toàn đắm chìm vào điều tôi có thể làm để giúp họ. Trong đoạn thời gian đó, tôi dường như biến mất… vì toàn tâm toàn ý của tôi đang tập trung vào chữa trị cho họ,” cô giải thích.

Cô cũng nhận ra việc tham gia tình nguyện cũng là phương thức rất tốt để giúp bệnh nhân có khoảng không gian và nhìn nhận các vấn đề theo góc độ khác.

“Chẳng có gì giống như là làm từ thiện cho những người kém may mắn hơn, nó làm thay đổi hoàn toàn quan niệm của người ta về vấn đề của bản thân và nuôi dưỡng thái độ biết ơn, chính là một trạng thái chữa bệnh,” cô Soehner nói. “Đôi khi chỉ như vậy cũng đủ để đưa người ta tới một trải nghiệm hàn gắn vết thương sâu rộng hơn.”

Theo ET, bản dịch của tinhhoa.net
Phong Trần biên tập

Xem thêm: