Bài viết tổng hợp 10 điều đặc biệt được biết về cuộc đời Nữ hoàng Elizabeth II – vị quân chủ trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh, theo Hãng thông tấn AP.

shutterstock 1952690497
Nữ hoàng Elizabeth II và phu quân của bà – Hoàng tử Philip ở thủ đô London vào tháng 6/2017 trong một cuộc diễn hành. (Ảnh: Lorna Roberts/Shutterstock)

1/ Vị Quân chủ trị vì lâu nhất của nước Anh

Cho đến năm nay, Nữ hoàng Elizabeth II, đã trị vì 70 năm, là vị quân chủ lâu đời nhất và trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh. Trước đó, hồi tháng 9/2015, bà đã vượt qua bà cố của mình là Nữ hoàng Victoria, người đã trị vì 63 năm 7 tháng.

Năm 2016, Nữ hoàng Elizabeth II cũng trở thành quốc vương trị vì lâu nhất trên thế giới sau khi Vua Bhumibol Adulyadej của Thái Lan băng hà. Năm 2022, bà trở thành vị quân chủ trị vì lâu đời thứ hai trong lịch sử thế giới, sau Vua Pháp Louis XIV, người đã lên ngôi khi mới 4 tuổi.

Ngoài Nữ hoàng Elizabeth II và Nữ hoàng Victoria, chỉ có bốn vị vua trong lịch sử Anh đã trị vì từ 50 năm trở lên gồm: Vua George III (59 năm), Vua Henry III (56 năm), Vua Edward III (50 năm) và Vua James VI của Scotland (58 năm).

Nữ hoàng Elizabeth II sinh ra vào ngày 21/4/1926 trong một ngôi nhà phố ở Mayfair, London thuộc về ông bà ngoại người Scotland của bà, Bá tước và Nữ bá tước Strathmore. Bà là con đầu lòng của Công tước và Nữ công tước xứ York (sau này là Vua George VI và Nữ hoàng Elizabeth).

2/ Học tại nhà

Giống như nhiều thành viên hoàng gia Anh cùng thời với mình và trước đó, Nữ hoàng Elizabeth II chưa bao giờ học tại trường công và chưa bao giờ tiếp xúc với các học sinh khác. Thay vào đó, bà được học ở nhà cùng với em gái của mình, công chúa Margaret.

Trong số những người dạy Nữ hoàng Elizabeth lúc nhỏ là cha của bà, cùng với một giáo viên cao cấp của Đại học Eton, một số nữ gia sư người Pháp và Bỉ dạy bà tiếng Pháp, trong khi đó Tổng giám mục của Canterbury dạy bà về tôn giáo.

Việc học của Nữ hoàng Elizabeth cũng bao gồm học cưỡi ngựa, bơi lội, khiêu vũ cũng như học mỹ thuật và âm nhạc.

3/ Số hiệu 230873 trong quân đội

Trong thế chiến thứ hai, Công chúa Elizabeth trẻ tuổi trở nên nổi tiếng với số hiệu 230873 cùng tên gọi Elizabeth Alexandra Mary Windsor, Chỉ huy thứ hai của Cơ quan Vận tải Phụ trợ số 1.

Sau nhiều tháng xin phép cha mẹ để được làm một điều gì đó hỗ trợ chiến tranh, người thừa kế ngai vàng của nước Anh đã học cách lái xe cứu thương và xe tải. Trong vòng vài tháng, bà đã lên đến chức Chỉ huy cấp úy danh dự.

Nữ hoàng Elizabeth II cũng giữ kỷ lục về số lượng các quốc gia được một vị quân chủ đến thăm nhiều nhất. Bà đã đến thăm hơn 120 quốc gia trên 6 lục địa.

4/ Là người có khiếu bắt chước tuyệt vời

Nữ hoàng Elizabeth II thường gây ấn tượng về một phong thái nghiêm túc và nhiều người cảm thấy bà có “khuôn mặt lạnh lùng”, nhưng những người quen biết bà lại mô tả bà là một người có khiếu hài hước tinh quái và tài năng bắt chước đặc biệt.

Ông Rowan Williams, cựu Tổng giám mục của Canterbury, nhận xét rằng Nữ hoàng có thể “cực kỳ khôi hài khi ở riêng và không phải ai cũng biết được bà hài hước đến thế nào.”

Giám mục Michael Mann, tuyên úy trong nước của Nữ hoàng, từng nhận định rằng “Việc Nữ hoàng bắt chước chiếc máy bay Concorde khi hạ cánh là một trong những điều khôi hài nhất mà bạn có thể thấy.” Giáo sĩ Ian Paisley, chính trị gia người Bắc Ireland, cũng nhận xét rằng Nữ hoàng Elizabeth là “người bắt chước ông tuyệt vời”.

Gần đây, bà đã thể hiện khả năng tinh nghịch của mình trong Đại lễ Bạch Kim (lễ mừng 70 năm trị vì của một vị quân chủ), khi bà đóng vai chính trong một video hoạt hình hài hước cùng với Gấu Paddington và nói về việc giấu bánh sandwich mứt cam trong ví của mình.

5/ Nữ hoàng cũng phải đóng thuế

Bà trở thành nữ hoàng ở tuổi 25. Cha của bà, vua George VI qua đời ở tuổi 56 vào ngày 6/2/1952, trong khi Elizabeth đang đến thăm Kenya cùng chồng, Hoàng tử Philip. Nữ hoàng Elizabeth II đăng quang tại Tu viện Westminster ở trung tâm London vào ngày 2/6/1953.

Bà là Nữ hoàng, nhưng bà cũng phải đóng thuế, ít nhất kể từ năm 1992.

Khi Lâu đài Windsor, nơi ở cuối tuần của Nữ hoàng, bị tàn phá bởi một trận hỏa hoạn vào năm 1992, công chúng Anh đã phản đối việc trả hàng triệu bảng Anh để sửa chữa công trình này.

Tuy nhiên, Nữ hoàng Elizabeth II đã tự nguyện đồng ý thanh toán chi phí bằng thu nhập cá nhân của mình. Bà cho biết, bà sẽ trả 70% chi phí cho công việc trùng tu lâu đài này và lần đầu tiên bà quyết định mở cửa ngôi nhà của mình tại Cung điện Buckingham cho công chúng để có thêm kinh phí từ vé vào cửa.

6/ Có biệt danh là “Lilibet nhỏ” 

Nữ hoàng Elizabeth II được đặt tên thánh là Elizabeth Alexandra Mary Windsor của [thành phố] York, để vinh danh mẹ, bà nội và bà cố của bà. Tuy nhiên khi còn nhỏ, gia đình bà thường gọi bà một cách trìu mến là “Lilibet nhỏ”, được cho là bởi vì bà không không thể phát âm đúng từ “Elizabeth.”

Trong một bức thư gửi cho bà ngoại của mình là Nữ hoàng Mary, công chúa Elizabeth đã viết: “Bà ngoại thân mến. Cám ơn bà rất nhiều về chiếc áo len nhỏ nhắn xinh xắn. Chúng con rất thích ở lại Sandringham với bà. Con đã bị rụng mất một cái răng cửa trên vào sáng hôm qua,” trước khi ký tên kết thúc là dòng chữ “Tình yêu từ Lilibet.”

Biệt danh này được biết đến rộng rãi hơn sau khi Hoàng tử Harry và Meghan, Nữ công tước xứ Sussex, đặt tên con gái của họ là Lilibet Diana vào năm 2021.

7/ Cuộc hôn nhân bền vững qua nhiều thập kỷ

Nữ hoàng Elizabeth II và phu quân của bà, Hoàng tử Philip Mountbatten, đã có một cuộc hôn nhân bền vững trong hơn 70 năm. Đây là một sự gắn bó lâu bền hơn rất nhiều so với các cuộc hôn nhân của 3 trong 4 người con của bà: Hoàng tử Charles, Công chúa Anne và Hoàng tử Andrew.

Trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày cưới, Nữ hoàng đã nói về phu quân của bà, Hoàng tử Philip: “Ông ấy đơn giản là sức mạnh của tôi và ở [bên tôi] suốt những năm qua.”

Câu chuyện của họ bắt đầu vào năm 1939, khi Hoàng tử Philip của Hy Lạp, một học viên hải quân 18 tuổi đẹp trai, được kể là đã làm Công chúa Elizabeth 13 tuổi cảm thấy vui vẻ trong một ngày họ gặp gỡ. Vài năm sau đó, Hoàng tử Philip đã được mời tham dự lễ giáng sinh cùng với gia đình Hoàng gia Anh tại Lâu đài Windsor và ông đã sớm đưa ra những lời hỏi thăm kín đáo liệu ông có được coi là người cầu hôn đủ điều kiện hay không.

Hai người đã kết hôn tại Tu viện Westminster vào năm 1947. Theo lời của Hoàng tử Andrew, con trai của họ, khi Hoàng tử Philip qua đời vào năm 2021 ở tuổi 99, Nữ hoàng Elizabeth đã mô tả sự ra đi của ông đã để lại “một khoảng trống to lớn” trong cuộc sống của bà.

8/ Nhiều ngày sinh nhật 

Mặc dù Nữ hoàng Elizabeth II sinh vào ngày 21/4/1926 nhưng công chúng Anh đôi khi bị bối rối không biết nên tổ chức lễ kỷ niệm vào thời điểm nào.

Không có ngày cố định chung cho “sinh nhật chính thức” của Nữ hoàng. Thời điểm tổ chức là do Chính phủ Anh quyết định, có thể là ngày thứ Bảy đầu tiên, thứ Bảy thứ hai hoặc thứ Bảy thứ ba trong tháng 6.

Ở Úc, sinh nhật của bà được tổ chức vào ngày thứ Hai của tuần thứ hai trong tháng Sáu, trong khi ở Canada lễ kỷ niệm được tổ chức vào một ngày thứ Hai trước ngày 24/5, ngày sinh nhật của Nữ hoàng Victoria.

Chỉ có Nữ hoàng và những người thân cận nhất mới tổ chức sinh nhật đúng vào ngày sinh của bà trong các buổi họp mặt riêng tư.

9/ Bà có bao nhiêu chú chó Corgis?

Nhiều người biết rằng Nữ hoàng Elizabeth II rất yêu thích chó Corgis. Công nương Diana được cho là đã gọi các con này là “tấm thảm di chuyển” của Nữ hoàng bởi vì chúng đi cùng bà ở khắp mọi nơi.

Bà sở hữu hơn 30 con chó corgis trong nhiều năm. Bà cũng có 2 con chó “dorgis”, lai giữa chó dachshund và chó corgi, được đặt tên là Candy và Vulcan.

Nữ hoàng Elizabeth II đã được chụp ảnh ôm một trong những chú chó vào năm 1936 khi 10 tuổi và được tặng một chú chó corgi có tên là Susan vào dịp lễ sinh nhật 18 tuổi của bà. Cha của bà, Vua George VI, đã đưa giống chó này vào gia đình hoàng gia vào năm 1933, khi ông mua một chú chó corgi đực có tên là Dookie từ một trại chó địa phương.

Theo một quy chế từ năm 1324, về mặt kỹ thuật, với tư cách là Nữ hoàng Anh, bà cũng sở hữu hàng ngàn con thiên nga trắng ở vùng biển của Anh và có quyền sở hữu tất cả các loại cá tầm, cá heo, cá voi ở vùng biển này.

10/ “Một cô gái rất dễ thương”

Nữ hoàng Elizabeth II hiển nhiên trở thành chủ đề của các bài hát nhạc pop.

Ban nhạc Beatles đã khiến bà được lưu danh với bài hát mang tính đùa giỡn “Her Majesty” khi gọi bà là “cô gái rất dễ thương” mặc dù “cô ấy không có nhiều điều để nói.” Bài hát ngắn gọn do ca sĩ Paul McCartney hát và thu âm vào năm 1969, xuất hiện ở cuối album “Abbey Road.”

Tuy nhiên, việc đối xử với các ban nhạc khác không được lịch sự như vậy. Đĩa đơn “God Save The Queen” có nội dung chống lại chủ nghĩa quân chủ của ban nhạc rock Sex Pistols, được phát hành ngay trước Đại lễ Bạc của bà (lễ mừng 25 năm trị vì của một quốc vương) vào năm 1977, đã bị cấm chiếu trên truyền hình Anh.

Quốc Hùng (theo AP)