Hơn một chục nhóm tự do đã gây áp lực buộc các nhà quảng cáo tẩy chay Twitter để đáp lại kế hoạch mua lại nền tảng này của Elon Musk đã nhận tiền từ các tổ chức do Bill Gates và George Soros hậu thuẫn, một phân tích về hồ sơ công khai cho thấy.

Embed from Getty Images

Vào đầu tháng 5, một nhóm gồm 26 tổ chức đã viết một lá thư công khai tuyên bố rằng việc CEO Tesla tiếp quản Twitter sẽ là mối đe dọa trực tiếp đến an toàn công cộng và biến nền tảng này thành nơi dung túng cho thông tin sai lệch. Bức thư kêu gọi các nhà quảng cáo hàng đầu của Twitter cam kết giữ vững các tiêu chuẩn “không khoan nhượng” khi kinh doanh với trang web, một trong số đó là việc Musk không được khôi phục lại tài khoản của các nhân vật chính trị và công chúng bị cấm vì đã “vi phạm nghiêm trọng các Quy định của Twitter.” Bức thư có các biểu trưng (logo) của Accountable Tech, Media Matters for America, và UltraViolet Action.

Phân tích các hồ sơ công khai đã cho thấy ít nhất 11 bên ký tên trong bức thư hoặc các nhóm liên kết của họ đã nhận tiền từ các tổ chức được Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ. Một trong ba nhóm hàng đầu này đã nhận được hơn 1 triệu đô la từ mạng lưới tài trợ của tỷ phú George Soros là Open Society Foundations, trong khi hai nhóm khác được thành lập một phần bởi các cựu nhân viên của Barack Obama và Hillary Clinton.

Tám bên ký trong bức thư cũng đã nhận được khoảng 10,25 triệu đô la từ các khoản trợ cấp và cho vay của liên bang từ năm 2020 đến năm 2021, hồ sơ công khai cho thấy.

The New Venture Fund (Quỹ mạo hiểm mới), đơn vị nhận hơn 500 triệu đô la tài trợ từ Quỹ Gates kể từ năm 2012, vào năm 2020 đã trao tổng cộng 180.000 đô la cho hai tổ chức ký tên trong bức thư là Media Matters for America và Center for Media Justice. 11,2 triệu đô la khác trong số tiền tài trợ năm 2020 của Quỹ này đã được chuyển đến North Fund, một tổ chức phi lợi nhuận cấp tiến có trụ sở tại Washington. North Fund đã chuyển tiền cho một số nhóm hoạt động khác, bao gồm cả Accountable Tech, tổ chức đã đề xuất bức thư.

Trang web của Accountable Tech cho thấy rằng hai thành viên trong nhóm, gồm đồng sáng lập và giám đốc kỹ thuật số, đã làm việc cho chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 của bà Clinton.

Được thành lập vào năm 2004, Media Matters for America tự mô tả mình là một “trung tâm nghiên cứu và thông tin cấp tiến dành riêng cho việc theo dõi, phân tích và đính chính toàn diện các thông tin sai lệch mang tính bảo thủ trên các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ.” Một chức năng chính của tổ chức là cung cấp các công cụ để giám sát những gì tổ chức coi là “thông tin sai lệch mang tính bảo thủ”, mà nó định nghĩa là “tin tức hoặc bình luận không chính xác, không đáng tin cậy truyền tải các chương trình nghị sự bảo thủ”.

The Center for Media Justice (Trung tâm Công lý Truyền thông), vào năm 2019 đã được đổi tên thành MediaJustice, nhằm mục đích thúc đẩy “công bằng về chủng tộc, kinh tế và giới tính trong kỷ nguyên kỹ thuật số”, trang web của tổ chức này tuyên bố.

Tides Foundation, một đơn vị nhận tài trợ của Quỹ Gates ít nhất từ ​​năm 2013, đã trao 2,34 triệu đô la cho 8 trong số các bên ký tên trong bức thư hoặc các chi nhánh của họ trong khoảng thời gian ba năm kể từ năm 2019.

Trong số những bên nhận có Indivisible Project và tổ chức từ thiện phi lợi nhuận của nó là Indivisible Civics hoạt động để “đánh bại chương trình nghị sự của Trump”, trong đó Invisible Northern Nevada là một chi nhánh địa phương.

Bảy bên ký tên khác đã nhận tiền từ Tides Foundation trong ba năm qua là: nhóm vận động phụ nữ UltraViolet Action; các nhóm bảo vệ môi trường Union of Concerned Scientists and Friends of the Earth; hiệp hội ủng hộ phá thai NARAL Pro-Choice Mỹ; Black Lives Matter South Bend, một chi nhánh địa phương của Black Lives Matter Global Network Foundation; GLAAD, tổ chức theo dõi nội dung của các phương tiện truyền thông về các nhóm LGBTQ; và Media Matters Action Network, một dự án đối tác của Media Matters.

Chủ tịch hội đồng quản trị UltraViolet Action và thành viên hội đồng quản trị Karen Finney là người phát ngôn người Mỹ gốc Phi đầu tiên của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và từng là người phát ngôn cấp cao cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của bà Hillary Clinton, theo trang web của nhóm. Một chủ tịch hội đồng quản trị khác, Arisha Hatch, là người tổ chức chiến dịch tranh cử Tổng thống của ứng cử viên Barack Obama vào năm 2008.

Tổ chức Access Now, tập trung vào khả năng truy cập internet trên khắp thế giới, vào năm 2021 đã nhận được khoản tiền tổng cộng 1,35 triệu đô la từ Quỹ Open Society Foundations mà ông Soros sáng lập và chủ trì, cùng với các khoản tài trợ từ Wikimedia Foundation, Microsoft, các chính phủ ở Đức, Thụy Sĩ, Canada và Hà Lan .

Bắt đầu từ năm 2017, Open Society Foundation cũng đã trao ba khoản tài trợ với tổng trị giá 1,625 triệu USD cho Free Press, một nhóm trung lập ủng hộ mạng lưới cũng đã ký vào lá thư.

Tỷ phú Musk đã phản ứng với lá thư tẩy chay bằng cách kêu gọi một cuộc điều tra về các nhà tài trợ của các bên ký kết. 

“Ai tài trợ cho những tổ chức muốn kiểm soát quyền truy cập thông tin của bạn? Hãy điều tra…” ông viết trên Twitter vào ngày 3 tháng 5, nói thêm: “Ánh sáng mặt trời là chất khử trùng tốt nhất.”

Twitter trong những năm gần đây đã bị chỉ trích vì kiểm duyệt và đình chỉ những người dùng bảo thủ. Trong danh sách các nhân vật công khai bị cấm có cựu Tổng thống Donald Trump, Dân biểu GOP Georgia Marjorie Taylor Greene, nhà phê bình vắc-xin COVID-19, Tiến sĩ Robert Malone, và Trung tướng đã nghỉ hưu Michael Flynn.

Elon Musk đã gọi lệnh cấm của Twitter đối với tài khoản của ông Trump vào đầu năm 2021 là “cực kỳ ngu ngốc”. Ông nói rằng sẽ đảo ngược điều này nếu ông trở thành chủ sở hữu mới của nền tảng.

Tại một hội nghị công nghệ ở Miami gần đây, ông Musk cũng cho biết ông sẽ bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa sau khi trước đây đã luôn bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ. Ông cũng mô tả thỏa thuận trị giá 44 tỷ đô la mua Twitter “không phải là việc tiếp quản của cánh hữu”, mà thay vào đó là “sự tiếp quản ôn hòa và nỗ lực đảm bảo rằng mọi người thuộc mọi tín ngưỡng chính trị cảm thấy được chào đón trên nền tảng kỹ thuật số, nơi họ có thể bày tỏ niềm tin của mình mà không sợ bị cấm hoặc bị hạn chế.”

Lê Vy (theo The Epoch Times)