Ngày 1 tháng 5 từ lâu đã có hai ý nghĩa dường như trái ngược nhau. Với nhiều người, đó là lễ hội May DAY được biết đến rộng rãi ở các nước châu Âu với các hoạt động vui tươi chào đón giao mùa. Ở một số quốc gia khác, đây là ngày kỷ niệm sự đoàn kết và phản kháng của người lao động với giới chủ.

Tại sao có ngày Lao động 1/5?

Giống như nhiều sự kiện lịch sử khác, có những cách hiểu tương phản cho từng ngày kỷ niệm. Tạp chí TIME giải thích về ngày 1/5 trong một bài báo năm 1929 rằng: “Với những người truyền thống ngày MAY DAY là giành cho lễ hội với hoa, cỏ, dã ngoại, vui chơi…chào đón giao mùa. Đối với những người theo chủ nghĩa Xã hội và Cộng sản, MAY DAY có nghĩa là diễn thuyết, diễu hành, bom, gạch vụn và  bạo lực đấu tranh. Cái ý nghĩa này bắt đầu từ ngày MAY DAY năm 1886, khi có khoảng 200.000 lao động Mỹ tổ chức một cuộc đình công trên toàn quốc đòi yêu sách ngày làm việc 8 giờ”.

Vào ngày 1/5/1886, người lao động Mỹ đã không chỉ dừng lại ở mức độ của một cuộc đình công, đó là một phần của sự kiện nổi tiếng được biết đến rộng rãi là vụ Haymarket. Vào ngày đó, Chicago cùng nhiều thành phố khác đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình lớn của người lao động ủng hộ ngày làm việc 8 giờ. Các cuộc biểu tình ở Chicago diễn ra trong nhiều ngày liên tiếp. Tới ngày 3/5, bạo lực đã xảy ra tại một cuộc đình công ở nhà máy McCormick Reaper, Chicago. Ngày tiếp sau đó, một buổi tuần hành hòa bình tại quảng trưởng Haymarket cũng trở thành bạo động.

Vào năm 1938, tờ TIME đã tổng kết sự kiện Haymarket như sau:

Ngày 4/5/1886, sau 10h đêm vài phút, một cơn bão bắt đầu thổi tung Chicago. Khi những giọt mưa đầu tiên rơi xuống, đám đông tại Quảng Trường Haymarket, gần trụ sở quận, bắt đầu giải tán. Lúc 8 giờ tối có 3.000 người tay trong trong tay, đứng lắng nghe những người vận động vô chính phủ lên án sự tàn bạo của cảnh sát và yêu cầu ngày làm việc 8 giờ, nhưng đến 10h chỉ còn khoảng vài trăm người ở lại. Thị trưởng quận, người đã có mặt để quan sát diễn tiến của sự việc, lúc này yên tâm về nhà đi ngủ.

Khi người diễn thuyết cuối cùng đang chuẩn bị kết thúc câu chuyện của mình, có khoảng 180 cảnh sát đi tới từ nhà ga gần đó với mục đích giải tán đám đông. Cảnh sát tiến đến sát toa xe mà người diễn thuyết đang đứng. Trong khi đội trưởng cảnh sát ra lệnh giải tán đám đông, và người diễn thuyết kêu lên rằng đó là một cuộc mít-ting hòa bình, một quả bom đã phát nổ ở vị trí của những cảnh sát. 7 cảnh sát chết tại chỗ, 60 cảnh sát khác bị thương. Sau đó, cảnh sát đã nổ súng, giết chết một số người và làm bị thương 200 người và bi kịch Haymarket đã trở thành một phần của lịch sử Hoa Kỳ”.

Bức tranh minh họa cuộc bạo loạn Haymarket ngày 4/5/1886 khi 7 cảnh sát Mỹ bị đánh bom chết tại chỗ (Ảnh: History.com)
Bức tranh minh họa cuộc bạo loạn Haymarket ngày 4/5/1886 khi 7 cảnh sát Mỹ bị đánh bom chết tại chỗ (Ảnh: History.com)

Năm 1889, Hội nghị Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa tuyên bố rằng, để tưởng niệm vụ Haymarket, ngày 1 tháng 5 sẽ là một ngày nghỉ lao động quốc tế, hiện nay được biết đến ở nhiều nơi trên thế giới là Ngày Quốc tế Lao động.

"Công nhân quốc tế đoàn kết lại" - lời kêu gọi của Quốc tế Cộng sản
“Công nhân quốc tế đoàn kết lại” – lời kêu gọi của Quốc tế Cộng sản vào ngày 1/5

Tại Hoa Kỳ, trong thời kỳ ‘Chiến tranh Lạnh’ tâm lý chống cộng rất cao và ngày 1/5 là để họ biểu thị sự phản đối phong trào cộng sản.

Vào tháng 7 năm 1958, Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower đã ký một nghị quyết đặt tên  ngày 1 tháng 5 là “Ngày trung thành” để phân biệt rạch ròi với ngày “công nhân thế giới” mà phe xã hội chủ nghĩa tổ chức. Nghị quyết này tuyên bố rằng 1/5 sẽ là “một ngày đặc biệt để khẳng định lại lòng trung thành với Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ và công nhận di sản tự do Mỹ”.

Hoa Kỳ cũng có Ngày lao động, tổ chức vào thứ Hai đầu tiên của tháng 9. Hiện nay, đa số các nước khác trên thế giới vẫn tổ chức ngày Lao động vào 1/5.

Ngày MAY DAY truyền thống của các nước châu Âu diễn ra như thế nào?

Ở nhiều nước châu Âu, ba lễ hội khác nhau vào cuối tháng 4 dường như đã sáp nhập để cho ngày 1 tháng 5 hay còn gọi là MAY DAY có ý nghĩa đặc biệt hơn.

MAY DAY của người Xen-tơ tại Ireland và Scotland, được biết đến với tên Beltane. Lễ hội này được tổ chức vào khoảng thời gian từ giữa tháng 3 tới giữa tháng 6 hàng năm.

Hoạt động đi vòng quanh một cột cao kết hoa trong lễ hội May Day (ảnh: acient-origins.net)
Hoạt động đi vòng quanh một cột cao kết hoa trong lễ hội May Day (ảnh: acient-origins.net)

Beltane cũng được biết đến là lễ hội chào đón mùa hè. Dân làng tụ họp đốt các đống lửa lớn và cử hành các nghi lễ bảo vệ cây trồng và gia súc, và cùng thưởng thức một bữa tiệc lớn.

Trong khi đó, tại Đức, Phần Lan và Thụy Điển, Đêm Walpurgis (trước 1/5) là lễ kỷ niệm một vị thánh đặc biệt của họ. Người dân các nước này thường sẽ tổ chức ăn tiệc vào ngày 1/5, có nhảy múa, ca hát và phụ nữ trẻ được ôm hôn. Walpurgis cũng được biết đến là đêm mà phù thủy sẽ đợi mùa xuân đến.

Ở Roma, Ý vào cuối tháng 4, người dân tổ chức lễ hội Flora, Nữ thần của các loài hoa và đây cũng là lễ hội đánh dấu sự bắt đầu của mùa hè.

Có gì đặc biệt trong ngày MAY DAY?

MAY DAY là đồng nghĩa với maypole (cây cột cao có kết hoa), được cho là bắt nguồn từ một truyền thống của những tộc người đa thần. Họ cắt những cây non và trải chúng trên mặt đất để đánh dấu sự xuất hiện của mùa hè và sau đó nhảy múa xung quanh chúng trong các hội diễn tranh tài giữa các làng.

Ngày này cũng liên quan đến điệu nhảy Morris, thường do những nhóm đàn ông mặc những bộ quần áo màu khác nhau tùy thuộc vào vùng đất nơi họ sinh sống biểu diễn.

Trang phục lộng lẫy và hoa cúc có thể là một phần của lễ hội, trong khi Nữ hoàng tháng Năm và đôi khi là “Người xanh” cũng có thể xuất hiện trong lễ hội MAY DAY như biểu tượng của mùa xuân.

Người Xanh Green Man trong lễ hội May Day tại Châu Âu (Ảnh: hevercastle)
Người Xanh Green Man trong lễ hội May Day tại Châu Âu (Ảnh: hevercastle)

Vào buổi sáng ngày MAY DAY, ở Oxford (Vương quốc Anh), một bài thánh ca Latin được vang lên từ trên đỉnh tháp Magdalen College và tiếp theo là chuông báo hiệu bắt đầu điệu nhảy Morris trên đường phố.

Sinh viên trường St Andrews có hoạt động kỷ niệm ngày MAY DAY độc đáo của riêng mình. Vào buổi sớm bình minh ngày 1/5, các sinh viên St Andrews lao xuống biển “tắm tiên” biểu lộ cảm xúc hân hoan chào đón giao mùa.

Xuân Thành

Xem thêm: