Các nhà chức trách Philippines mới đây đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc xuất hiện hàng trăm tàu dân quân Trung Quốc trên Biển Đông trong tháng này. Đây là ví dụ mới nhất về căng thẳng leo thang tại vùng biển chiến lược ở khu vực Đông Nam Á mà nhiều quốc gia đang cùng tuyên bố chủ quyền.

tau trung quoc tren bien dong
Tàu Trung Quốc trên biển Đông (Ảnh: Camera chiến đấu của Hải quân Hoa Kỳ do Chuyên gia Truyền thông Công chúng Ace Rheaume đăng tải)

Reutersdẫn thông tin từ một tổ công tác đặc biệt liên chính phủ Philippines cho biết Cảnh sát Biển nước này báo cáo rằng có khoảng 220 tàu biển, được tin là do dân quân hàng hải Trung Quốc điều khiển, đã neo đậu thành hàng dài tại một bãi san hô ngầm trên Biển Đông hôm 7/3.

Tổ công tác đặc biệt liên chính phủ Philippines cho biết các tàu Trung Quốc đã neo đậu tại Bãi san hô Julian Felipe, còn được gọi là Bãi san hô Whitsun, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila trên Biển Tây Philippines (tên Philippines gọi Biển Đông).

Tổ công tác Biển Tây Philippines phát đi tuyên bố nói rằng: “Bất chấp điều kiện thời tiết quang đãng vào thời điểm đó, các tàu Trung Quốc đã tập hợp tại bãi san hô mà không cho thấy các hoạt động đánh bắt hải sản và đã bật đèn sáng trắng cả đêm”.

Giới chức Philippines cam kết sẽ giám sát tình hình này chặt chẽ và “sẽ chủ động, ôn hòa theo đuổi sáng kiến của họ về bảo vệ môi trường, an ninh thực phẩm và tự do hàng hải” trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin khi được hỏi liệu ông sẽ đệ trình kháng nghị ngoại giao về sự hiện diện của tàu dân quân Trung Quốc hay không, ông đã nói với một nhà báo trên Twitter rằng: “Chỉ khi nào các tướng lĩnh nói với tôi. Với tôi, chính sách ngoại giao là quả đấm bọc sắt của lực lượng vũ trang”.

Biển Đông là vùng biển hàng hải chiến lược và cũng là nơi có tài nguyên khoáng sản và hải sản lớn. Đây là vùng biển nhiều quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan.

Trung Quốc là quốc gia có yêu sách mạnh mẽ nhất tại Biển Đông khi họ vạch ra đường 9 đoạn, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” bao phủ tới khoảng 90% Biển Đông. Tuy nhiên, một tòa án quốc tế năm 2016 đã ra phán quyết yêu sách của chế độ Bắc Kinh tại Biển Đông là không có giá trị pháp lý.

Trung Quốc không công nhận phán quyết của tòa án quốc tế và thậm chí trong những năm gần đây chế độ này đã gia tăng bồi đắp và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông phớt lờ sự phản đối của các nước liên quan, cũng như cộng đồng quốc tế.

Đáng chú ý, hôm 22/1/2021, Thường ủy Nhân đại toàn quốc Trung Quốc khóa 13 đã thông qua dự thảo “Luật Hải cảnh” (Luật Cảnh sát biển). Luật này chỉ rõ rằng phía Trung Quốc có thể nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài trong trường hợp cần thiết.

Điều 43 của Luật Hải cảnh quy định rằng, nếu tàu thuyền nước ngoài tiến vào khu vực biển thuộc quản hạt của Trung Quốc hoặc tham gia vào hoạt động sản xuất phi pháp, không tuân theo chỉ lệnh dừng tàu hoặc từ chối cho hải cảnh Trung Quốc lên tàu kiểm tra, sau khi cảnh báo không có hiệu quả, nhân viên hải cảnh có thể sử dụng vũ khí.

Philippines, Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam đã lên tiếng phản đối luật hải cảnh mới của Trung Quốc nêu trên. Philippines thậm chí đã lên án luật Trung Quốc cho phép hải cảnh nước này nổ súng vào các tàu nước ngoài là “đe dọa chiến tranh”.

Như Ngọc

Xem thêm: