Theo một báo cáo được công bố hôm 3/5, hơn một phần tư tỷ người ở 58 quốc gia phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào năm ngoái do xung đột, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Báo cáo Toàn cầu về Khủng hoảng Lương thực, một liên minh của các tổ chức nhân đạo do Liên Hợp Quốc và Liên minh Châu Âu thành lập cho biết, đa số người dân tại 7 quốc gia Somalia, Afghanistan, Burkina Faso, Haiti, Nigeria, Nam Sudan và Yemen phải đối mặt với nạn đói và chết chóc.

Theo báo cáo, số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và cần viện trợ lương thực khẩn cấp lên đến 258 triệu người – con số tăng lên trong năm thứ tư liên tiếp. Đây là một “bản cáo trạng nhức nhối về sự thất bại của nhân loại” trong việc thực hiện các mục tiêu của Liên Hợp Quốc nhằm chấm dứt nạn đói trên thế giới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhận định.

Báo cáo cũng cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề cũng tăng lên, “làm nổi bật xu hướng suy thoái đáng lo ngại”.

Ông Rein Paulsen, Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp và khả năng phục hồi của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cho hay, sự tác động lẫn nhau của nhiều nguyên nhân đang thúc đẩy nạn đói. Trong đó có xung đột giữa các quốc gia, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của đại dịch COVID và hậu quả của cuộc chiến Nga – Ukraine đã tác động đến thương mại toàn cầu về phân bón, lúa mì, ngô và dầu hướng dương.

Tác động nghiêm trọng nhất đối với các nước nghèo nhất, vốn phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực. Ông Paulsen nói: “Giá đã tăng (và) những quốc gia đó đã bị ảnh hưởng tồi tệ.”

Ông kêu gọi một “sự thay đổi mô hình”, qua đó có thể dành nhiều kinh phí hơn đầu tư vào các biện pháp can thiệp nông nghiệp nhằm dự đoán các cuộc khủng hoảng lương thực và ngăn chặn chúng.

Ông nhấn mạnh: “Thách thức mà chúng tôi gặp phải là sự mất cân bằng, không cân xứng giữa số tiền tài trợ được cấp, số tiền tài trợ đó được chi vào mục đích gì và các phương thức can thiệp cần thiết để tạo ra sự thay đổi.”

Bà Cindy McCain, Giám đốc mới của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc từng đưa ra cảnh báo, nguồn lực của cơ quan này dành cho việc cung cấp viện trợ lương thực trong bối cảnh nhu cầu gia tăng đang “cạn kiệt một cách nguy hiểm”. Bà tiết lộ thêm, họ có thể buộc phải đưa ra “quyết định đau lòng để cắt giảm” hỗ trợ nếu không có nguồn tài trợ mới đáng kể được bổ sung.

Bà McCain vừa trở về từ Somalia, nơi mà “hàng triệu người đang đứng trên bờ vực của nạn đói và thảm họa.” 

Mất an ninh lương thực cấp tính là khi một người không có khả năng đảm bảo đủ lương thực, khiến cuộc sống hoặc sinh kế của họ gặp nguy hiểm ngay lập tức.

Nhật Minh (Theo AP)