Trong một bức thư ngày 9/12, hơn hai mươi nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã chính thức yêu cầu Tổng thống Donald Trump chỉ đạo Bộ trưởng Tư pháp William Barr chỉ định một công tố viên đặc biệt điều tra các điểm bất thường trong cuộc bầu cử 2020.

lance gooden
Dân biểu Cộng hòa Lance Gooden (tiểu bang Texas) (Ảnh chụp màn hình Fox News)

Theo Breirbart, Dân biểu Cộng hòa Lance Gooden (tiểu bang Texas) cùng các nhà lập pháp khác, đã viết một bức thư cho Tổng thống Trump và yêu cầu ông “chỉ đạo Bộ trưởng Tư pháp Barr chỉ định một công tố viên đặc biệt để điều tra những bất thường trong cuộc bầu cử năm 2020”.

Ông Gooden khẳng định hành động này nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều dân biểu Hạ viện, và nhấn mạnh rằng “các câu hỏi hợp pháp về gian lận cử tri vẫn chưa được giải đáp”.

“Bộ Tư pháp đã được yêu cầu nhiều lần mở cuộc điều tra về vấn đề này, nhưng việc Bộ này không có bất kỳ hành động nào, cùng với các bình luận công khai của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho thấy họ không sẵn sàng điều tra những bất thường mà chiến dịch [pháp lý] của Ngài và các quan chức dân cử khác trên toàn quốc đã cáo buộc,” dân biểu Gooden viết trong thư gửi TT Trump, và ông còn nói thêm rằng việc chỉ định một công tố viên đặc biệt sẽ giúp “thành lập một nhóm điều tra viên có trách nhiệm duy nhất là tìm ra sự thật và cung cấp sự chắc chắn mà nước Mỹ cần có”.

“Chúng tôi kêu gọi Ngài thực hiện hành động nhanh chóng và dứt khoát, đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Tư pháp Barr chỉ định một Công tố viên đặc biệt để khôi phục niềm tin của người dân Mỹ đối với cuộc bầu cử của chúng ta,” ông Gooden kết luận. Hơn 20 nhà lập pháp đã ký tên vào bức thư, trong đó có các Dân biểu Cộng hòa Paul Gosar (tiểu  bang Arizona), Louie Gohmert (tiểu bang Texas), Jody Hice (tiểu bang Georgia), John Rutherford (tiểu bang Florida), Mo Brooks (tiểu bang Alaska), Steve King (tiểu bang Iowa) và nhiều người khác.

Dân biểu Gooden cũng đã gửi một bức thư tương tự vào tuần trước, chỉ vài ngày sau khi AP đưa tin rằng ông Barr khẳng định Bộ Tư pháp không phát hiện ra bằng chứng về gian lận trên diện rộng đủ lớn để thay đổi kết quả dự kiến ​​của cuộc bầu cử.

“Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy gian lận trên quy mô có thể ảnh hưởng đến việc thay đổi kết quả của cuộc bầu cử,” ông Barr đã nói với AP hôm 1/12.

Chiến dịch tranh cử của TT Trump đã tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh vì tính toàn vẹn của cuộc bầu cử, và cáo buộc có nhiều trường hợp gian lận, sai sót và bất thường trên diện rộng.

Ngày 8/12, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã từ chối ban hành biện pháp khẩn cấp để ngăn tiểu bang Pennsylvania thực hiện các bước tiếp theo trong việc chứng nhận kết quả bầu cử năm 2020, nhưng tòa không bác bỏ toàn bộ đơn kiện của các nhà lập pháp cùng các ứng cử viên vào Quốc hội và Hạ viện của Pennsylvania về kết quả bầu cử tại tiểu bang này.

Cùng ngày hôm đó, tiểu bang Texas đệ đơn kiện thẳng lên Tòa án Tối cao, cáo buộc 4 tiểu bang Pennsylvania, Georgia, Michigan và Wisconsin thay đổi luật bầu cử một cách vi hiến, đối xử bất bình đẳng với cử tri và gây ra những bất thường đáng kể trong cuộc bầu cử, bằng cách nới lỏng các biện pháp vốn nhằm đảm bảo tính liêm chính của phiếu bầu.

Tổng thống Trump nhận định đây là “vụ việc lớn”. Ông đã đăng tweet hôm 9/12 khẳng định: Chúng tôi sẽ THAM GIA vào vụ kiện của Texas (cộng thêm nhiều tiểu bang khác). Đây là một vụ việc lớn. Đất nước chúng ta cần một chiến thắng!” 

Đáng chú ý là chỉ trong vòng 24 giờ sau khi Texas khởi kiện 4 bang lên Tối cao Pháp viện, ít nhất 17 bang khác đã cùng ký tên vào một bản tóm tắt “Thân hữu tòa án”, trong đó nhấn mạnh rằng vụ kiện do bang Texas nộp lên Tối cao Pháp viện là rất quan trọng và yêu cầu tòa án tối cao quan tâm xem xét.

17 bang ủng hộ và tham gia vào vụ kiện của bang Texas đều có Tổng Chưởng lý tiểu bang là đảng viên Đảng Cộng hòa. Các bang này gồm: Missouri, Alabama, Arkansas, Florida, Indiana, Kansas, Louisiana, Mississippi, Montana, Nebraska, Bắc Dakota, Oklahoma, Nam Carolina, Nam Dakota, Tennessee, Utah, và Tây Virginia.

Minh Ngọc

Xem thêm: