Gần đây Tòa án Tối cao Mỹ đã liên tiếp đưa ra một số phán quyết mang tính lịch sử có thể ảnh hưởng lâu dài đến nước Mỹ. Những phán quyết đó đã gây ra nhiều tranh cãi: người xu hướng bảo thủ thường xem là dấu hiệu cho thấy hệ thống tư pháp Mỹ đang trở lại truyền thống, trái lại người xu hướng cấp tiến thì thường phản đối.

id13766610 Epoch Times9A6A1052 supreme court 1200x775 600x400 1
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ tại Washington ngày 21/9/2020. (Ảnh: Samira Bouaou / Epoch Times)

Lật lại vụ án Roe kiện Wade đã hợp pháp hóa quyền phá thai

Theo Viện Guttmacher, kể từ năm 1973 khi Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết trong vụ án Roe kiện Wade rằng việc phá thai được hợp pháp hóa, ước tính có khoảng 60 triệu thai nhi Mỹ chưa được sinh ra đã bị phá bỏ. Xã hội Mỹ từ lâu đã vô cùng chia rẽ về vấn đề phá thai.

Ngày 24/6/2022, Tòa án Tối cao Mỹ với tỷ lệ 6:3 đã lật lại vụ án Roe kiện Wade về quyền được phá thai của phụ nữ Mỹ từ cách đây gần nửa thế kỷ, theo đó trao quyết định cho các bang của Mỹ quyền tự quyết về việc có cho phép phá thai hay không. Phán quyết này đã gây chấn động nước Mỹ.

“Phá thai đặt ra câu hỏi sâu sắc về đạo đức. Hiến pháp không cấm cản cụ thể đối với công dân của từng bang trong vấn đề phá thai, do đó vụ án Roe kiện Wade đã đi quá giới hạn. Giờ đây, chúng tôi phủ quyết những quyết định đó và trả lại quyền lực đó cho người dân và các đại diện được bầu của họ”, Samuel Alito viết trong Bản Ý kiến (Majority opinion) của Tòa án.

Việc lật ngược vụ án Roe kiện Wade đã trao cho các bang quyền tự do lớn hơn trong quyết định việc phá thai. 13 bang trong đó có Texas đã thông qua “luật kích hoạt”, tức là một khi Tòa án Tối cao Mỹ lật lại vụ án Roe kiện Wade thì ngay lập tức lệnh cấm phá thai của bang sẽ có hiệu lực. Gần một nửa số bang của nước Mỹ sẽ hạn chế hoặc cấm hoàn toàn việc phá thai, trong khi một số bang xu hướng tự do hơn đã thiết lập cơ chế cho phép phá thai theo luật của bang.

Như vậy, các phòng khám phá thai ở các bang bảo thủ có thể phải đóng cửa, trong khi các bang xanh như Illinois có thể phải tiếp nhận lượng lớn người phá thai tiềm năng đến từ bang khác.

Tờ Wall Street Journal hôm 25/6 đăng một bài xã luận cho biết, Tòa án Tối cao Mỹ đã sửa sai vấn đề đã kéo dài suốt 49 năm, trả lại quyền tự quyết vấn đề phá thai cho người dân. Cuộc tranh luận về việc phá thai tại Mỹ giờ đây sẽ chuyển từ tòa án sang lĩnh vực chính trị. Đảng Dân chủ cho biết phá thai sẽ là một vấn đề chính trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Ngoài ra, Thẩm phán Clarence Thomas cũng đề nghị trong Bản Ý kiến rằng Tòa án Tối cao Mỹ cần xem xét lại luật pháp về biện pháp tránh thai và hôn nhân đồng tính.

Mang súng ở nơi công cộng là hợp pháp

Tòa án Tối cao Mỹ ngày 23/6 thông báo rằng Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền của các cá nhân mang súng nơi công cộng để tự vệ, do đó lật ngược luật kiểm soát súng đã tồn tại hơn 100 năm ở bang New York.

Luật của bang New York yêu cầu bằng chứng về nhu cầu tự vệ hoặc “lý do chính đáng” thì mới có thể được phép mang súng ở nơi công cộng.

Thẩm phán bảo thủ Clarence Thomas của Tòa án Tối cao Mỹ đã viết Bản Ý kiến ​​chính về phán quyết này, 5 thẩm phán bảo thủ khác cũng đồng thuận. “Tu chính án 2 và 14 của Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền mang súng ngắn để tự vệ bên ngoài gia đình [nơi công cộng]”, Thomas viết.

Phán quyết lịch sử này được cho là sẽ đảo ngược luật tương tự ở các bang khác, bao gồm California và New Jersey, theo đó các hạn chế súng khác thực thi tại các bang mà Đảng Dân chủ chi phối có thể bị thách thức.

Trong hơn một thập kỷ qua, đây là lần đầu tiên Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết liên quan đến trường hợp về Tu chính án 2. Năm 2008, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết rằng người dân Mỹ có quyền giữ súng ở nhà để tự vệ.

Hai vụ xả súng hàng loạt gây chấn động nước Mỹ hồi tháng Năm đã làm dấy lên ời kêu gọi hạn chế súng đạn. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ vẫn giữ ý kiến ​​rằng Hiến pháp đảm bảo cho mọi người quyền sở hữu và mang súng.

Một khảo sát cho thấy vào năm 2017, gần 400 triệu khẩu súng được lưu hành trong cộng đồng cư dân Mỹ, như vậy tỷ lệ súng và dân số bình quân là 120 khẩu súng/100 người.

Phán quyết về tự do tôn giáo

Năm 2015 xảy ra sự kiện được người Mỹ quan tâm: Joseph Kennedy – cựu quân nhân và trợ lý huấn luyện viên bóng đá tại trường trung học Bremerton (trường công lập) ở bang Washington bị sa thải vì cầu nguyện trên sân sau trận đấu. Năm đó Kennedy đã kiện Học khu Bremerton.

Trong 7 năm sau đó, nhiều tòa án đã ra phán quyết chống lại Kennedy, tháng 1/2022 Tòa án Tối cao Mỹ đã thụ lý vụ án của Kennedy.

Ngày 27/6, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết với tỷ lệ 6:3 chỉ ra rằng hành động của Học khu Bremerton đã vi phạm Tu chính án 1. Kết quả cuối cùng của vụ án tự do tôn giáo ở Mỹ này cũng mang tính lịch sử.

“Một cơ quan nhà nước đã trừng phạt một cá nhân vì thực hiện một nghi lễ tôn giáo cá nhân, ngắn gọn, yên tĩnh”, Thẩm phán Neil Gorsuch viết trong Bản Ý kiến của tòa án. “Hiến pháp không cho phép, cũng không dung thứ cho sự phân biệt đối xử như vậy”.

Theo Fox News, từ năm 2008 – 2015 Joseph Kennedy là huấn luyện viên trưởng đội sơ cấp và trợ lý huấn luyện viên toàn trường của Học khu Bremerton ở bang Washington. Ban đầu chỉ có mình Joseph Kennedy đọc kinh và cầu nguyện sau trận đấu, nhưng cuối cùng một số học sinh đã tham gia. Hồ sơ tòa án cho thấy điều đó đã biến thành hoạt động có yếu tố tôn giáo. Kennedy đã bị sa thải sau khi từ chối đề nghị của Học khu phải ngừng hành động đó.

Thẩm phán Neil Gorsuch cho biết không chỉ Hiến pháp mà những truyền thống tốt đẹp nhất của nước Mỹ đều đòi hỏi “sự tôn trọng và khoan dung lẫn nhau chứ không phải kiểm duyệt và đàn áp các quan điểm tôn giáo và phi tôn giáo”.

Tranh luận trước thềm Ngày Độc lập

Một số phán quyết gần đây của Tòa án Tối cao Mỹ sẽ có tác động sâu sắc đến xã hội Mỹ và cũng gây ra nhiều tranh cãi. Người xu hướng bảo thủ thường xem là dấu hiệu cho thấy hệ thống tư pháp Mỹ đang trở lại truyền thống, trái lại người xu hướng cấp tiến thì thường phản đối.

Trước phán quyết lật ngược vụ án Roe kiện Wade, những người phản đối cho rằng quyền của phụ nữ bị thụt lùi, theo đó đã xảy ra các cuộc biểu tình ở nhiều nơi trên nước Mỹ, thậm chí còn đe dọa bạo lực. Theo New York Post, ngày 26/6 Sở Cảnh sát Portland cho biết những người biểu tình đã đập vỡ cửa sổ, viết nguệch ngoạc trong các cơ sở thương mại và làm hư hại một số nơi gần đó như cửa hàng Starbucks, ngân hàng và một trung tâm tài nguyên mang thai. Cuối tuần trước, người biểu tình cũng biểu tình trước cửa nhà của Thẩm phán bảo thủ Brett Kavanaugh, đã có người bị bắt vì đe dọa ám sát Thẩm phán Kavanaugh. Đối với phán quyết cho rằng luật kiểm soát súng của New York là vi hiến cũng đã có nhiều người phản đối, chẳng hạn như Tổng thống Mỹ Biden bày tỏ sự thất vọng.

Ngược lại, những người bảo thủ thường ủng hộ đối với những phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ. Ví dụ như chuyện lật ngược vụ án Roe kiện Wade, những người chống phá thai đã cổ vũ rằng sinh mạng của vô số thai nhi sẽ được cứu sống. Cựu Tổng thống Trump nói với Fox News: “Chúa đã đưa ra quyết định này”. Đối với phán quyết chỉ ra luật kiểm soát súng của New York là vi hiến, Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ cho biết quyền tự vệ trong hiến pháp cuối cùng đã được bảo vệ.

Ngày 4/7 là Ngày Độc lập của nước Mỹ, nước Mỹ sẽ kỷ niệm năm thứ 246 lập quốc, một lần nữa nhắc nhở mọi người về nền tảng lập nên nước Mỹ. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ bắt đầu: “Chúng tôi coi những chân lý này là hiển nhiên: Tạo hóa đã tạo ra các cá nhân bình đẳng và ban cho họ một số quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tuyên bố cho thấy nền tảng xây dựng nước Mỹ, tức là, tất cả các quyền của con người đều bắt nguồn từ Chúa.

Tại thời khắc này, những phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao Mỹ đang dẫn dắt nước Mỹ quay trở lại các giá trị truyền thống là nền tảng lập quốc của Mỹ.

Mời xem thêm các bài liên quan chủ đề “Hoa Kỳ lập quốc” tại đây.

Tiêu Nhiên, Vision Times