Gần đây Liên minh châu Âu (EU) đã đưa các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vi phạm nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ vào danh sách trừng phạt, biện pháp bao gồm cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản trên lãnh thổ EU. Quyết định này vẫn còn chờ chính thức thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EU vào ngày 22/3.

Trụ sở Liên minh châu Âu tại Brussels, Vương Quốc Bỉ.
Trụ sở Liên minh châu Âu tại Brussels, Vương Quốc Bỉ. (Nguồn: Jorisvo/ShutterStock)

Tờ Wall Street Journal của Mỹ ngày 11/3 dẫn nguồn tin cho biết, 27 nước thành viên EU đã nhất trí áp dụng biện pháp trừng phạt quan chức ĐCSTQ về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, vấn đề liên quan đến 4 cá nhân và 1 tổ chức. Như vậy, 32 năm sau cuộc thảm sát Thiên An Môn, một lần nữa EU lại áp biện pháp trừng phạt đối với quan chức ĐCSTQ.

Theo thông tin đề cập, biện pháp trừng phạt sẽ bao gồm lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản tại EU. Quyết định này vẫn sẽ chờ để được chính thức thông qua tại cuộc họp ngoại trưởng EU vào ngày 22/3. Sau khi có quyết định cuối cùng, ngay thời điểm đó EU sẽ công bố danh sách quan chức bị áp lệnh trừng phạt.

Thông tin cho hay, đại diện EU tại Brussels đã dành 3 ngày để thống nhất về danh sách trừng phạt. Chính phủ Hungary có quan hệ tốt với Bắc Kinh đã phản đối, nhưng cuối cùng chính phủ của 27 nước EU đã đạt được đồng thuận vào chiều 11/3. Một nhà ngoại giao EU đã diễn tả vấn đề đối với ĐCSTQ là “gieo gì gặt nấy”.

Ngoài ra EU cũng đã ra tuyên bố chỉ trích hành động của Bắc Kinh sau cái gọi là quyết định cải tổ hệ thống bầu cử của Hồng Kông được Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc của ĐCSTQ thông qua. EU chỉ ra rằng quyết định đó của ĐCSTQ một lần nữa vi phạm nguyên tắc “một nước, hai chế độ”, các cam kết quốc tế của ĐCSTQ và Luật cơ bản của Hồng Kông. EU kêu gọi Chính phủ Bắc Kinh và Hồng Kông cần khôi phục niềm tin vào tiến trình dân chủ của Hồng Kông, ngừng bức hại những người ủng hộ dân chủ. Tuyên bố đề cập rằng EU sẽ xem xét thực hiện các hành động bổ sung để chú ý đến tình hình ở Hồng Kông.

Dịp “lưỡng hội” của ĐCSTQ vào năm 2021, vấn đề vi phạm nhân quyền ở Tân Cương cũng trở thành một trong những tâm điểm chú ý của toàn cầu. Ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) 65 tuổi, bắt đầu giữ chức lãnh đạo cao nhất tại Tân Cương vào tháng 8/2016 và đã dùng “nắm đấm sắt” trấn áp những người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, cuối cùng được khen thưởng và lọt vào Bộ Chính trị của ĐCSTQ vào năm 2017, nhưng đồng thời ông ta cũng bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt.

Diễn biễn tương tự trước đó, ngày 10/7/2020, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố lệnh chế tài đối với 4 quan chức lãnh đạo hệ thống chính trị và pháp luật tại Tân Cương, bao gồm ông Trần Toàn Quốc và Sở Công an Tân Cương, lý do chế tài vì liên quan đến vi phạm nghiêm trọng nhân quyền của các dân tộc thiểu số ở Tân Cương, căn cứ trên Sắc lệnh hành pháp số 13818 do Tổng thống Trump khi đương nhiệm ban hành vào tháng 12/2017. Biện pháp chế tài là đóng băng tài sản tại Mỹ và cấm người thân của quan chức liên quan nhập cảnh Mỹ.

Ngoài Trần Toàn Quốc, đối tượng lệnh trừng phạt của Mỹ còn bao gồm: Chu Hải Luân (Zhu Hailun) – Phó Bí thư Đảng ủy Ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân Tân Cương; Vương Minh Sơn (Wang Mingshan) – Tổng Thanh tra Sở Công an Tân Cương; và Hoắc Lưu Quân (Huo Liujun) – Bí thư Đảng ủy Sở Công an Tân Cương.

Một số nhà quan sát chỉ ra ý nghĩa quan trọng về nhân quyền trong động thái của Mỹ: Dù có địa vị xã hội thế nào vẫn có thể bị xử phạt và thậm chí liên lụy người thân, cơ quan liên quan cũng phải chịu tránh nhiệm.

Miêu Vi, Vision Times

Xem thêm: