Hơn 30 nhà lập pháp đã ký một lá thư chung gửi Thủ tướng Justin Trudeau kêu gọi chính phủ Canada trừng phạt các quan chức Trung Quốc tham gia bức hại học viên Pháp Luân Công tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

35 nghi si
35 nhà lập pháp kêu gọi ông Trudeau trừng phạt thủ phạm bức hại Pháp Luân Công (Ảnh: The Epoch Times)

Lời kêu gọi được đưa ra nhân dịp ngày 20/7 – ngày đánh dấu 22 năm chính quyền Trung Quốc phát động chiến dịch trấn áp bạo lực và tuyên truyền kích động hận thù đối với Pháp Luân Công vào năm 1999.

“Nhân ngày kỷ niệm này, chúng tôi, những người ký tên dưới đây, kêu gọi chính phủ lên án những hành vi vi phạm nhân quyền không ngừng nghỉ đối với các học viên Pháp Luân Công và kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chấm dứt cuộc bức hại,” lá thư được gửi đi hôm 19/7 nêu rõ.

“Trong 22 năm qua các quan chức cộng sản ở Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền kích động thù hận do nhà nước bảo trợ trên toàn quốc, bắt giữ tùy tiện, bỏ tù bất hợp pháp, tra tấn, giết người ngoài vòng pháp luật và mổ cướp nội tạng quy mô lớn nhằm vào hàng chục triệu người học học Pháp Luân Công.”

Ba mươi lăm nhà lập pháp, bao gồm các nghị sĩ, một thượng nghị sĩ và các ủy viên Hội đồng Lập pháp (MLA) cấp tỉnh, đã thúc giục chính phủ liên bang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ đồng lõa trong cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn.

“Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng và quy mô của các vi phạm nhân quyền đối với Pháp Luân Công, chúng tôi tin rằng các biện pháp trừng phạt đối với thủ phạm [đàn áp] sẽ có hiệu quả trong việc thúc đẩy hơn nữa lợi ích của công lý quốc tế và nhân quyền,” bức thư viết.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập thiền định và một số bài thuyết giảng về đạo đức dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Môn tu luyện này đã lan truyền rộng rãi tại Trung Quốc với 70 – 100 triệu người theo học vào cuối những năm 1990, theo ước tính chính thức của chế độ Trung Quốc vào thời điểm đó.

Xuất phát từ tâm lý sợ hãi trước sự thịnh hành và phổ biến của môn tu luyện này, vào ngày 20/7/1999, lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công. Kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị sa thải, đuổi học, bỏ tù, tra tấn hoặc bị sát hại chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Ước tính khoảng 1,5–2,5 triệu người đã bị giam trong các trại lao động chỉ trong năm 2010, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.

Bất chấp đại dịch COVID-19, chiến dịch đàn áp vẫn không hề  thuyên giảm. Năm 2020, ít nhất 6.659 học viên Pháp Luân Công bị bắt, 622 người bị kết án tù vì đức tin của họ và ít nhất 83 người bị giết. Trang web Minghui.org báo cáo, nửa đầu năm 2021, có tới 3.291 học viên bị bắt và 6.179 người bị sách nhiễu.

Phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Edmonton ngày 17/7, các nghị sĩ Đảng Bảo thủ Michael Cooper và Garnett Genuis nhấn mạnh, đưa ra các lệnh trừng phạt sẽ là biện pháp hữu hiệu đối với thủ phạm bức hại Pháp Luân Công.

Ông Cooper nhận định: “Có rất nhiều biện pháp thiết thực mà chính phủ Canada nên thực hiện. Một trong những bước cơ bản mà chính phủ Canada nên tiến hành vào thời điểm này chính là áp đặt lệnh trừng phạt Magnitsky đối với các quan chức cộng sản Trung Quốc, những người chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này.”

Các biện pháp trừng phạt theo phiên bản Đạo luật Magnitsky của Canada bao gồm tịch thu hoặc đóng băng tài sản ở Canada của những công dân nước ngoài tham gia vào các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng được quốc tế công nhận, đồng thời cấm họ nhập cảnh Canada.

Ông Genuis, Phó chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Quan hệ Canada-Trung Quốc, cũng là đồng Chủ tịch Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) cho biết, các biện pháp trừng phạt Magnitsky “không chỉ là một biện pháp mang tính tượng trưng”.

“Nó thực sự ngăn chặn các quan chức đàn áp nhân quyền, khi mà họ biết rằng họ có thể đối mặt các lệnh trừng phạt Magnitsky.”

Cùng với bức thư của 35 nhà lập pháp, Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada đã đệ trình danh sách hơn 150 thủ phạm đồng lõa trong cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, trong đó có Giang Trạch Dân và những kẻ tiếp tay chủ chốt của chế độ cộng sản.

Trong danh sách này cũng có ông Dư Huy (Yu Hui), cựu Trưởng Phòng 610 ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên và ông Hoàng Nguyên Hùng (Huang Yuanxiong), Giám đốc Sở cảnh sát Ngô Thôn thuộc Cục Công an Hạ Môn, Phúc Kiến – hai người đã bị chính phủ Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt. Phòng 610 là một tổ chức kiểu Gestapo nằm ngoài luật pháp mà ĐCSTQ đã đặc biệt thiết lập để bức hại Pháp Luân Công.

Trong một diễn biến khác, tham gia một cuộc họp báo ngày 19/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price đã kêu gọi Bắc Kinh “ngay lập tức chấm dứt chiến dịch bức hại các học viên Pháp Luân Công và trả tự do cho những người bị bỏ tù vì đức tin của họ”.

Cùng ngày 19/7, IPAC ban hành tuyên bố kỷ niệm 22 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công. “Hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị cầm tù trong hơn hai thập kỷ qua, và tại đây nhiều người phải chịu những phương thức tra tấn khắc nghiệt nhất. Một điểm đáng quan ngại hơn nữa là các báo cáo về vấn nạn cưỡng bức mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công và tù nhân lương tâm ở Trung Quốc.”

“Các quốc gia dân chủ phải có hành động nhằm ngăn chặn nạn buôn bán và cưỡng bức thu hoạch nội tạng trên toàn cầu. Và chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc đảm bảo nhân quyền cho tất cả các dân tộc tại Trung Quốc.”

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: