Ông Ashraf Ghani, Tổng thống Afghanistan, đã chạy sang nước láng giềng Tajikistan. Sau khi Taliban kiểm soát hoàn toàn tình hình, họ tuyên bố rằng chiến tranh đã kết thúc và Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan sẽ được thành lập. Kết quả của cuộc chiến ở Afghanistan đã được các nước trên thế giới theo dõi sát sao. Tại sao nó lại quan trọng như vậy? Về vấn đề này, National Public Radio của Hoa Kỳ đã tóm tắt 4 lý do chính dưới đây:

p2990081a26360596
Các nhà lãnh đạo cấp cao của Taliban tại Afghanistan đã đến thăm Trung Quốc và gặp gỡ ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. (Ảnh: Trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

1. Afghanistan sẽ trở thành vấn đề nhân quyền

Trước đây, Taliban khét tiếng với việc cấm phụ nữ đi học, và công khai hành quyết những người chống đối. Ngoài ra, họ còn đàn áp người Shiite thuộc cộng đồng thiểu số Hazara và các dân tộc thiểu số khác, cũng như phá hủy những kiến trúc tượng Phật lớn quý giá ở tỉnh Bamiyan.

Đồng thời, tại các tỉnh mà họ chiếm đóng cách đây vài ngày, ngoài việc hành quyết dã man người dân, họ còn quất roi vào phụ nữ và đóng cửa trường học, cũng như cho nổ tung các bệnh viện và cơ sở hạ tầng. Có thể thấy rằng Taliban ngày nay thật khác biệt so với Taliban 20 năm trước.

Ông Husain Haqqani, cựu Đại sứ Pakistan tại Hoa Kỳ, từng nói không có lý do gì để tin rằng chế độ mới này sẽ không trở thành một hiểm hoạ nhân đạo khác.

2. Chế độ Taliban có thể một lần nữa trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ cực đoan

Sau sự kiện ngày 11/9/2001, do Taliban không chịu giao nộp Osama bin Laden, lực lượng đồng minh do Hoa Kỳ lãnh đạo, đã tiến vào đóng quân tại Afghanistan. Đồng thời Hoa Kỳ cũng phát động cuộc chiến chống khủng bố kéo dài 20 năm. Đến khi chính quyền Biden lên nắm quyền, quân đội Hoa Kỳ mới rút lui.

Một số chuyên gia tin rằng không cần phải lo lắng về điều này. Nhưng không ai có thể đảm bảo rằng Afghanistan sẽ không trở thành hang ổ của những kẻ khủng bố một lần nữa, bất kể những kẻ khủng bố này muốn làm hại Hoa Kỳ hay các lực lượng nước ngoài khác.

Tuần trước, ông Leon Panetta, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã không giấu giếm khi nói rằng Taliban là những kẻ khủng bố và họ sẽ hỗ trợ những kẻ khủng bố. Ông Panetta nói rằng Taliban sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho Al-Qaida, Nhà nước Hồi giáo (ISIS) và những kẻ khủng bố. Nói thẳng ra, đây sẽ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

3. Sức mạnh của Taliban ở Afghanistan có thể gây bất ổn cho Pakistan

Phần phía nam của Afghanistan giáp với Pakistan. Người ta thường tin rằng trước khi Taliban phát động phong trào tôn giáo và chiếm đóng Afghanistan vào năm 1996, Cơ quan Tình báo Tam quân (gồm Lục quân, hải quân và không quân) – ISI, của Pakistan từng ủng hộ Taliban. Ngoài ra, quân đội Pakistan từ lâu đã coi Afghanistan, quốc gia tương đồng về hệ tư tưởng và tôn giáo, là một pháo đài cần thiết để chống lại kẻ thù cũ là Ấn Độ.

Ông Haqqani, cựu Đại sứ Pakistan, hiện đảm nhiệm chức danh Giám đốc Vụ Nam Á và Trung Á tại Viện Hudson, Hoa Kỳ. Trước đây, ông từng viết một bài chỉ trích “Chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đã chia rẽ xã hội Pakistan theo các phe phái tôn giáo khác nhau. Sự trỗi dậy của các phần tử Hồi giáo ở Afghanistan sẽ chỉ khuyến khích các chiến binh ở Pakistan.”

Cô Madiha Afzal, một nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Brookings cho biết, Hoa Kỳ cũng tin rằng việc thành lập chính phủ Taliban ở Afghanistan, chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho Taliban tại Pakistan.

4. Trung Quốc kỳ vọng sẽ giành được chỗ đứng tại Afghanistan

So với khi Taliban lên nắm quyền cách đây hơn 20 năm, Afghanistan gần như đã biến thành một “Quốc gia bị loại trừ”. Trên thế giới, chỉ có Pakistan, Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út) và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) là sẵn sàng công nhận chính phủ của họ.

Tuy nhiên, lần này tình hình đã khác. Trong những tuần gần đây, nhiều thủ lĩnh cấp cao của Taliban đã tới thăm Iran, Nga và Trung Quốc một cách rầm rộ. Họ dường như đang dốc toàn lực để giành được sự ủng hộ của các nước đồng minh và ảnh hưởng ở nước ngoài.

Theo báo cáo, Trung Quốc đã hứa đầu tư mạnh vào năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Afghanistan. Trong đó gồm cả việc xây dựng mạng lưới đường nội địa. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tập trung vào các mỏ đất hiếm rộng lớn mà Afghanistan chưa khai thác.

Thậm chí, có tin đồn rằng trên thực tế, trước khi Taliban xác nhận quyền kiểm soát Afghanistan, Trung Quốc đã chuẩn bị chính thức công nhận chế độ Taliban.

Theo Wall Street Journal, Taliban coi Bắc Kinh là nguồn cung cấp tính hợp pháp quốc tế của họ. Trung Quốc cũng là một nhà hỗ trợ kinh tế tiềm năng và là một phương tiện gây ảnh hưởng đối với Pakistan. Đồng thời, Taliban cũng có thể đẩy Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau hơn.

Vương Quân, Vision Times

Xem thêm: