Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp mới đây đã công bố báo cáo thường niên cho thấy năm 2019 đã có 49 nhà báo bị giết hại, thấp nhất trong 16 năm qua. Tuy nhiên, những lý do dẫn đến sự sụt giảm con số tử vong này không phải đều tích cực.

Embed from Getty Images

Số phóng viên bị giết hại trong năm 2019 phần lớn bị chết khi đưa tin về các cuộc xung đột tại Yemen, Syria và Afghanistan. RSF cảnh báo: “Báo chí vẫn là một nghề nguy hiểm”. RSF cho biết trung bình 20 năm qua, mỗi năm khoảng 80 nhà báo trên toàn cầu bị thiệt mạng.

Lãnh đạo RSF Christophe Deloire cảnh báo rằng số lượng nhà báo bị giết hại trong các nước được cho là hòa bình vẫn đang ở mức cao đáng báo động, riêng Mexico năm 2019 đã có 10 nhà báo bị giết.

Năm 2019, Mexico tiếp tục cùng với Syria, Afghanistan, Somalia và Pakistan nằm trong danh sách những nước nguy hiểm nhất đối với nhà báo và nhân viên truyền thông.

Ông Christophe Deloire nói: “Mỹ La-tinh với tổng cộng 14 phóng viên bị giết, đã trở thành khu vực có số nhà báo bị chết nhiều ngang với khu vực Trung Đông.”

Mặc dù ông Deloire công nhận việc giảm số lượng nhà báo tử vong tại các vùng xung đột là điều đáng mừng, nhưng cũng khẳng định “ngày càng nhiều hơn các nhà báo bị sát hại khi làm việc trong các quốc gia dân chủ, đó là điều thách thức thực sự cho dân chủ”.

RSF nói thêm rằng dù số lượng nhà báo tử vong đang ít hơn, nhưng con số nhà báo bị tống giam lại cao hơn.

57 nhà báo bị bắt cóc, 389 bị tống giam

Báo cáo của RSF cho biết tính đến đầu tháng Mười Hai, có khoảng 389 nhà báo đã bị tống giam, tăng 12% so với năm ngoái.

Gần nửa số nhà báo bị bỏ tù nằm ở ba nước Trung Quốc (120), Ai Cập (34) và Ả Rập Saudi (32). Ba nước cũng có số lượng bắt giam nhà báo kỷ lục tiếp theo là Syria (26), Thổ Nhĩ Kỳ (25) và Việt Nam (25).

>>Trung Quốc bắt giam nhiều nhà báo nhất thế giới năm 2019

Trung Quốc, nơi đã đang tăng cường đàn áp cộng đồng Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, chiếm tới 1/3 số lượng nhà báo bị tống giam năm 2019,” RSF nói.

Trong khi đó, RSF ghi nhận 57 nhà báo đã đang bị bắt làm con tin trên khắp toàn cầu, phần lớn ở các nước như Syria, Yemen, Iraq và Ukraine.

RSF lưu ý rằng năm nay không có vụ giải thoát con tin đáng chú ý nào, mặc dù cũng có những tiến triển lớn ở Syria. Điều này càng làm dấy lên những lo lắng về điều tồi tệ nhất có thể tới với những nhà báo bị bắt cóc.

Số lượng phóng viên chiến trường giảm

Phát ngôn viên RSF Juliane Matthey nói: “Có nhiều lý do cho việc [giảm số lượng nhà báo bị giết hại] và không phải tất cả các lý do đều tích cực.” Một lý do trong số đó là ngày càng ít phóng viên nước ngoài tới các khu vực chiến tranh và những nơi đang có khủng hoảng. 2019 là năm đầu tiên không có nhà báo nào bị giết hại trong khi đang tác nghiệp ở nước ngoài, tất cả số nhà báo bị chết năm nay đều làm việc trong chính đất nước của họ.

Một yếu tố khác dẫn đến con số tử vong giảm là nhiều nhà báo đã được đào tạo tốt hơn và được trang bị tốt hơn trước khi được điều động tới tác nghiệp tại các khu vực chiến tranh. Đó là trường hợp đặc biệt ở Trung Đông. Bà Juliane Matthey nói rằng các nhà báo Afghanistan đã quen với việc tránh các nhóm nguy cơ và tránh những hành trình dài để giảm rủi ro bị tấn công.

Số lượng nhà báo bị giết cũng giảm đáng kể tại Yemen – từ 10 trường hợp năm 2018 xuống còn 2 trường hợp năm 2019. “Tuy nhiên điều này một phần là vì nhiều nhà báo đã thay đổi việc làm vì tình hình bất ổn,” bà Matthey nói. Theo RSF, một cựu nhà báo của tờ nhật báo Al-Thawra hiện đã chuyển sang làm phục vụ bàn tại thủ đô Sanaa. Một nhà báo khác từng làm việc cho nhật báo Akhbar al-Youm, nay làm nghề bán kem.

Nhà báo nghiệp dư đối mặt áp lực

Hơn 40% nhà báo bị bắt là những phóng viên nghiệp dư, những người không được đào tạo nghề báo và họ chia sẻ các nguồn tin cá nhân với cộng đồng.

Bất chấp kiểm duyệt ngày càng chặt chẽ hơn, các nhà báo nghiệp dư Trung Quốc đã đang cố gắng phát tán thông tin độc lập trên mạng trực tuyến. Kết quả là, họ đã bị chính quyền cáo buộc là “gián điệp” hoặc “phần tử ly khai”.

Vụ án nổi tiếng nhất là trường hợp của nhà báo nghiệp dư, nhà kinh tế IIham Tohti. Ông Tohti đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giam từ năm 2014 với cáo buộc là “phần tử ly khai”. Ông Tohti thường sử dụng trang web cá nhân để thúc đẩy nhân quyền cho đồng bào Duy Ngô Nhĩ của ông.

Trung Quốc đang bị cộng đồng quốc tế cáo buộc bắt giam tùy tiện từ 1 đến 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung tại Tân Cương. Chế độ Bắc Kinh phủ nhận điều này và họ gọi các trại giam giữ người Duy Ngô Nhĩ là trung tâm đào tạo, dạy nghề – một phần của chương trình “chống khủng bố” và “chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan”.

Như Ngọc