Tòa án tối cao Mỹ sắp kết thúc thời hạn tòa án năm nay, các thẩm phán vẫn chưa đưa ra phán quyết đối với 33 trường hợp, bao gồm cả những tranh cãi ‘bom tấn’ về phá thai, tôn giáo và súng.

shutterstock 1901403496
Biểu tình chống phá thai ở San Francisco năm 2021. (Nguồn: Sheila Fitzgerald/ Shutterstock)

Các thẩm phán dự kiến ​​sẽ kết thúc công việc của họ vào cuối tháng Sáu hoặc đầu tháng Bảy, có nghĩa là trong vài tuần tới Tòa án Tối cao sẽ đưa ra một loạt các quyết định có khả năng thay đổi đời sống của người dân Mỹ, và trở thành các tin tức hàng đầu của các kênh truyền thông.

Dưới đây là năm trường hợp gây tranh cãi mà tòa án sẽ đưa ra phán quyết trước khi tạm nghỉ trong thời gian nghỉ hè.

Quyền phá thai

Một dự thảo ý kiến ​​đa số bị rò rỉ vào tháng Năm cho thấy các thẩm phán chuẩn bị lật ngược quyết định của án kiện “Roe và Wade”, làm dấy lên một cuộc tranh luận về quyền phá thai.

Dự thảo ý kiến, được viết vào tháng Hai bởi Thẩm phán Samuel Alito, sẽ loại bỏ quyền phá thai theo hiến pháp cho đến khi thai nhi có thể sống sót bên ngoài tử cung, thường là khoảng tuần thứ 24 của thai kỳ (tức là dưới 24 tuần thì có thể phá thai). Việc loại bỏ quyền liên bang gần 50 năm tuổi sẽ khiến các tiểu bang lựa chọn cách điều chỉnh quy trình phá thai và đưa ra các luật khác nhau ở các bang màu xanh của đảng Dân chủ dễ dãi, các bang màu đỏ của đảng Cộng hòa hạn chế nghiêm ngặt quyền phá thai và các bang khác ở giữa.

Vụ việc làm dấy lên bản dự thảo bị rò rỉ là Dobbs kiện tổ chức Tổ chức Sức khỏe phụ nữ Jackson” (Dobbs v.Jackson Women’s Health), liên quan đến lệnh cấm phá thai 15 tuần tuổi của Mississippi.

Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts được cho là đã cố gắng duy trì lệnh cấm phá thai của Mississippi, nhưng lý do hẹp hơn không thể lật ngược án lệ “Roe kiện Wade”, điều này khác với cách làm của ông Samuel Alito, ông Samuel Alito đã giành được 5 sự ủng hộ của các thẩm phán cánh hữu. Các mục tiêu bảo thủ có khả năng tham gia con đường trung gian của ông Roberts là thẩm phán Brett Kavanaugh và thẩm phán Coney Barrett.

Quản lý súng

Các thẩm phán sẽ sớm đưa ra quan điểm đầu tiên của họ về quyền sử dụng súng trong hơn một thập kỷ, sau hai vụ xả súng hàng loạt đặc biệt thảm khốc ở Mỹ gần đây đã làm dấy lên các tranh luận về Tu chính án thứ hai và an toàn cộng đồng của Hiến pháp Mỹ.

Theo The Hill đưa tin, các chuyên gia cho biết, Tòa án Tối cao với đa số các thẩm phán bảo thủ, có thể ra phán quyết thách thức sự ủng hộ đối với các hạn chế của New York về việc mang theo súng ngắn cất giấu.

Vụ kiện này là Hiệp hội Súng trường & Súng lục Tiểu bang New York kiện Bruen (New York State Rifle & Pistol Association Inc. v. Bruen) liên quan đến một luật buộc những người nộp đơn mang theo súng được cất giấu phải có nhu cầu đặc biệt để xin giấy phép, chứ không phải vì nhu cầu cơ bản để tự vệ. Chỉ New York, Đặc khu Columbia và 7 tiểu bang khác ở Mỹ có luật hạn chế như vậy.

Nhiều người theo dõi tòa án tin rằng đa số thẩm phán sẽ bỏ phiếu để hủy bỏ luật của New York, nhưng không rõ phán quyết của Tòa án Tối cao sẽ có phạm vi rộng đến đâu.

Vụ kiện này có thể phá vỡ quyết định năm 2008 của tòa án về “Quận Columbia kiện Heller” (District of Columbia v. Heller), thừa nhận cá nhân tại nhà có quyền lợi sử dụng súng. Phán quyết này thừa nhận rằng các quyền của Tu chính án thứ hai “không phải là vô hạn”, nhưng không xác định rõ ràng các ranh giới.

Tôn giáo

Tòa án Tối cao cũng cần đưa ra phán quyết về 2 vụ liên quan đến tôn giáo. 

Một trường hợp liên quan đến một huấn luyện viên bóng đá trung học bị khiển trách vì tổ chức các buổi cầu nguyện sau trận đấu ở vạch 50 yard của sân bóng. Huấn luyện viên Joseph Kennedy đang kiện khu học chánh ở khu vực Seattle của mình. Học khu này cáo buộc ông khuyến khích học sinh cầu nguyện vi phạm chính sách của trường và cho phép ông nghỉ có lương.

Ông Kennedy, một người theo đạo thiên chúa, là trợ lý huấn luyện viên bóng đá tại Trường trung học Bremerton, một trường công lập ở Seattle, từ năm 2008. Lấy cảm hứng từ bộ phim “Facing the Giants”, ông Kennedy bắt đầu cầu nguyện ở vạch 50 yard ở giữa sân sau mỗi trận đấu bóng đá. Theo thời gian, các cầu thủ của ông cũng tham gia cùng ông, và sau đó các cầu thủ và huấn luyện viên của đội đối phương cũng tham gia cầu nguyện.

Khi các thẩm phán nghe các cuộc tranh luận bằng miệng tại Khu học chánh trong vụ “Kennedy kiện trường Bremerton” (Kennedy v. Bremerton School District) vào tháng Tư, họ thấy hai tuyên bố tương phản về thực tế. Luật sư của ông Kennedy mô tả hành vi sau trận đấu của huấn luyện viên là một “biểu hiện tôn giáo riêng tư”. Các luật sư của trường cáo buộc rằng ông Kennedy đã dẫn đầu một buổi cầu nguyện trong khuôn viên trường với tư cách là huấn luyện viên, thể hiện niềm tin tôn giáo của mình một cách công khai và thậm chí gây áp lực với các cầu thủ không theo tôn giáo của đội.

Các chuyên gia cho rằng kết quả của vụ án có thể phụ thuộc vào việc bên nào đưa ra được chứng minh có tính thuyết phục nhất. 

Trường hợp xung đột quyền tôn giáo lớn thứ hai liên quan đến cái gọi là thách thức bài trừ giáo phái ở tiểu bang Maine, chính sách này khiến các trường học K-12 có giáo dục tôn giáo mất đi tư cách nhận tài trợ học phí từ người nộp thuế.

Luật tại tiểu bang Maine cho phép trẻ em trong độ tuổi đi học được hưởng nền giáo dục công cộng miễn phí. Nhưng vì nhiều vùng nông thôn thiếu các trường trung học công lập, vì thế đã thiết kế một phương pháp giải quyết, cho phép những học sinh này theo học các trường tư thục đủ điều kiện gần đó với bằng khoản tài trợ công.

Tuy nhiên, các trường dạy về tôn giáo không đủ điều kiện theo luật tiểu bang Maine.

Sự loại trừ đó đã gây ra vụ “Carson kiện Makin” (Carson v. Makin), một thách thức pháp lý được đệ trình bởi các phụ huynh ở tiểu bang Maine, những người nói rằng việc cấm học sinh tham gia các chương trình hỗ trợ học phí vì lý do tôn giáo đã vi phạm quyền được quy định trong Tu chính án thứ nhất về tôn giáo.

Nhập cư

Các thẩm phán sẽ sớm đưa ra quyết định về việc chính quyền Biden phá vỡ chính sách nhập cư thời chính quyền Trump, chính sách này yêu cầu những người xin tị nạn ở biên giới phía nam nước Mỹ phải ở lại lãnh thổ Mexico trong khi đơn của họ được xử lý.

Chính sách “Ở lại Mexico” của chính quyền Trump, được thực hiện vào năm 2019, vẫn có hiệu lực, mặc dù Bộ An ninh Nội địa trong chính quyền Biden cho rằng nó không vì lợi ích quốc gia của Mỹ. Cả hai lần nỗ lực của chính quyền Biden nhằm hủy bỏ chính sách này đều bị các tòa án cấp dưới ngăn chặn, dẫn đến việc “Chính quyền Biden kiện Texas” (Biden v. Texas) bị kháng cáo lên Tòa án Tối cao.

Chương trình “Ở lại Mexico”, chính thức được gọi là Nghị định thư Bảo vệ Người di cư (Migrant Protection Protocols, MPP), được thực hiện vào tháng 1/2019 như là phản ứng của chính quyền Trump đối với cuộc khủng hoảng nhập cư ngày càng gia tăng tại biên giới Mỹ – Mexico. Tuy nhiên, ông Biden đã hoãn kế hoạch vào ngày đầu tiên làm tổng thống vào tháng 1/2021.

Chính quyền Biden đã kháng cáo vào tháng 8/2021 sau khi một thẩm phán liên bang ở tiểu bang Texas ra lệnh cho các quan chức liên bang khôi phục chương trình này.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 12/2021, do dòng người di cư Trung Mỹ đến biên giới phía Nam nước Mỹ tiếp tục tăng, chính quyền Biden thông báo đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Mexico để tái khởi động chính sách nhập cư gây tranh cãi này. Tuy nhiên, theo đó cuộc chiến pháp lý về chính sách vẫn tiếp diễn.

Môi trường

Một vụ việc lớn khác đang chờ xử lý, có khả năng định nghĩa lại quyền lực của Cơ quan Bảo vệ Môi trường thuộc chính phủ liên bang trong việc điều chỉnh các yếu tố chính gây ra biến đổi khí hậu. Tiêu điểm chú ý của tranh cãi là quyền lực của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) trong xử lý ô nhiễm không khí từ các nhà máy điện.

Câu hỏi trọng tâm ở vụ “Tiểu bang West Virginia kiện EPA” (West Virginia v. EPA) là liệu ảnh hưởng của EPA có vượt khỏi phạm vi các địa điểm nhà máy, và bao hàm các lĩnh vực năng lượng rộng lớn hơn của Mỹ như một phần của nỗ lực giải quyết ô nhiễm không khí hay không.

EPA dưới thời Tổng thống Obama, bắt đầu sử dụng quyền hạn của mình, thúc giục các công ty năng lượng xem xét cái gọi là các biện pháp “ngoài hàng rào” để giảm lượng khí thải. Chúng bao gồm chuyển đổi từ các nguồn năng lượng phát thải cao, chẳng hạn như than đá, sang các nguồn năng lượng phát thải thấp, chẳng hạn như khí đốt tự nhiên và thậm chí cả các nguồn năng lượng tái tạo không tạo ra khí nhà kính. Ông Trump đã tìm cách bãi bỏ các chính sách của người tiền nhiệm của mình, nhưng vụ việc đã vướng vào một quy trình phức tạp tại các tòa án liên bang cấp dưới trước khi đưa ra các thẩm phán của Tòa án Tối cao.

Trong cuộc tranh luận hồi tháng Hai, tòa án đa số bảo thủ 6-3 đã không thông báo rõ ràng kết quả của vụ kiện này, mặc dù một số thẩm phán bảo thủ của tòa án này tỏ ra lo ngại về việc liệu cách giải thích rộng hơn về quyền hạn của EPA có vượt quá những gì Quốc hội đã cấp cho nó hay không.

Nhưng Thẩm phán bảo thủ Brett Kavanaugh do ông Trump bổ nhiệm đã chỉ trích các hành động quản lý của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) của chính quyền Obama trong thời gian nhiệm kỳ tại Tòa phúc thẩm. Vào năm 2012, ông đã đặt câu hỏi về việc “vượt quá thẩm quyền theo luật định” của EPA trong một vụ việc liên quan đến quy định về khí nhà kính; trong một vụ việc khác vào năm 2014, một lần nữa ông nói rằng “EPA không cân nhắc đến chi phí của cách làm, như vậy là không hợp lý”.