Kể từ ngày 10/5, Hamas đã nã tên lửa điên cuồng vào Israel, và hệ quả là Israel đáp trả bằng các cuộc tấn công thế lực khủng bố Hamas ở Gaza. Vấn đề hòa bình Trung Đông đã luôn là trọng tâm của thảo luận chính trị quốc tế, càng trở nên được quan tâm hơn bao giờ hết.

shutterstock 1972702631
Giao tranh Israel – Hamas (Ảnh: Abed Rahim Khatib / Shutterstock)

Hamas đang thống trị Dải Gaza là tên viết tắt của “Phong trào Kháng chiến Hồi giáo”, địa bàn hoạt động chính của tổ chức này là Palestine (Dải Gaza) và các khu vực khác ở Trung Đông như Qatar. Hamas bị Israel, Mỹ, Canada, Liên minh Châu Âu, Jordan, Ai Cập và Nhật Bản xác định là tổ chức khủng bố.

Trong vô số diễn giải và bình luận của giới truyền thông quốc tế và các chính trị gia, bức tranh hiện thực trong xung đột nảy lửa giữa Israel và Hamas mới đây là thế nào? Trang Breitbart News (Mỹ) đã sơ lược 5 điểm nhấn quan trọng cho độc giả tham khảo:

1. Chỉ trong một tuần, Gaza đã chi 175 triệu USD cho tên lửa khủng bố, nhưng không có tiền để chi cho vắc-xin hoặc giáo dục

Israel đã bị chỉ trích vì không cung cấp vắc-xin cho người Palestine, nhưng đừng quên rằng Israel không có bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào để làm điều đó, cũng chớ quên rằng mặc dù vậy, Israel đã thực sự gửi vắc-xin đến.

Cho đến nay, chỉ trong hơn một tuần, lực lượng Hamas cai trị Dải Gaza đã bắn hơn 3.500 quả tên lửa vào các thành phố của Israel, với chi phí mỗi quả là 50.000 USD, tổng chi phí tương đương với 175 triệu USD. Con số này là chưa kể hàng trăm triệu USD được sử dụng để xây dựng các đường hầm xuyên biên giới dưới lòng đất vì mục tiêu đưa những kẻ khủng bố và vũ khí đến Israel.

Israel, chứ không phải Hamas, bị đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza. Trên thực tế, sự cố mất điện trong tuần này là do tên lửa Hamas bắn nhầm gây ra. Tất nhiên, có nhiều người, chẳng hạn như Nghị sĩ Mỹ Rashida Tlaib, đã đổ lỗi cho Israel về sự cố mất điện.

Chính quyền Biden đã nối lại tài trợ cho Cơ quan Người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (LHQ), Cơ quan cứu trợ và công trình của LHQ cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA), bất chấp việc UNRWA tiếp tay cho bạo lực chống lại người Israel. Hơn nữa, chính LHQ cũng thừa nhận rằng các trường học của UNRWA được sử dụng làm kho chứa vũ khí và bệ phóng cho tên lửa Hamas.

2. Thiên lệch về số người thiệt mạng, bỏ qua thực tế người thiệt mạng chủ yếu là những kẻ khủng bố

Các phương tiện truyền thông dòng chính, bao gồm New York Times, CNN và BBC, đều thu hút sự chú ý về sự kiện hơn 200 người Palestine đã thiệt mạng trong vụ xung đột kéo dài 11 ngày qua, trong khi phía Israel chỉ thiệt mạng 12 người. Nhưng đông đảo cơ quan truyền thông đã phớt lờ thực tế rằng hầu hết người thiệt mạng là quân khủng bố Hamas và tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ).

Nhiều người còn lại, bao gồm một số trẻ em, đã vô tình bị giết bởi 460 quả rocket do quân khủng bố bắn từ Gaza nhắm vào lãnh thổ Israel nhưng lại phát nổ ngay trên lãnh thổ Hamas kiểm soát. 

Ngay cả những thương vong dân sự do Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) gây ra, nếu Hamas không chọn thủ đoạn đưa người dân ra làm lá chắn, thì tình hình đã không “đến mức tồi tệ như vậy”.

Về việc Israel đánh sập một tòa nhà nơi Hamas ẩn náu và cũng đặt một số văn phòng của các hãng truyền thông quốc tế, mặc dù hãng tin AP chỉ trích Israel rằng: “Chúng tôi không thấy có dấu hiệu nào cho thấy Hamas đang ở trong tòa nhà này hoặc hoạt động trong tòa nhà này”, nhưng một cựu quan chức an ninh quốc gia của Nhà Trắng thời Obama nói rằng tòa nhà này từ lâu đã thành trung tâm điều hành của Hamas, những người làm việc ở đó biết điều này. Một cựu biên tập viên của AP cũng nói rằng Hamas hoạt động trong tòa nhà.

Một lý do khác khiến “con số [tự vong của hai bên] chênh lệch” là Israel quan tâm đến công dân của mình nên đã đầu tư đầy đủ cho công tác bảo vệ, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt và các hầm trú ẩn không kích.

Công dân Israel được trang bị còi báo động mã màu đỏ để tìm nơi tị nạn trong thời gian từ 15 giây đến một phút rưỡi (tùy thuộc vào khoảng cách vị trị mà họ cư trú so với Gaza). Nếu Hamas quan tâm đến người dân thì phải biết xây dựng các hầm trú ẩn để giúp người dân ẩn nấp trong các cuộc không kích. Nhưng không, Hamas chỉ xây dựng nơi chứa bom. Hệ thống hầm ngầm phức tạp của Hamas để cất tên lửa, bom và các loại vũ khí khác.

3. Israel luôn có hệ thống cảnh báo dân thường ở Gaza rời đi trước khi bị tấn công

Israel sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để cảnh báo người dân ở Gaza sơ tán khỏi khu vực mục tiêu, bao gồm gọi điện, nhắn tin, và cái mà IDF gọi là “gõ mái nhà”, ném “bom xịt” vào trước cuộc tấn công khoảng 15 phút. Trong trường hợp của tòa nhà AP, một video clip đã khiến hàng ngàn biểu tượng cảm xúc cười kèm theo, video cho thấy chủ nhân của tòa nhà nói chuyện điện thoại với một sĩ quan IDF yêu cầu anh ta để vụ tấn công trì hoãn thêm 10 phút.

Chủ sở hữu tòa nhà nói: “Hãy báo cho chỉ huy của anh chờ thêm 10 phút thì cũng chẳng có gì thay đổi”. Người sĩ quan trả lời: “Chúng tôi đã sơ tán mọi người khỏi đó hơn một giờ trước. Không ai được vào tòa nhà. Bất cứ ai vào sẽ phải đối mặt nguy hiểm nghiêm trọng!”

Mọi người hãy suy nghĩ, trên thế giới có quân đội nào lại có cuộc điện đàm phán như vậy trước một cuộc tấn công?

4. Nhiều người cánh tả cấp tiến không biết họ đang nói gì

Tuần trước, nghị sĩ Rashida Tlaib của Michigan đã có phát biểu đầy cảm xúc trước Hạ viện, kêu gọi chấm dứt “phân biệt chủng tộc” do Israel áp đặt đối với người Palestine. Theo thông tin cho thấy, bà Rashida Tlaib còn nói với Tổng thống Biden, “Không thể dung thứ cho những hành động tàn bạo như đánh bom trường học, chưa nói đến việc ném bom bằng vũ khí do Mỹ cung cấp”. Cần biết trên thực tế, “hệ thống phân biệt chủng tộc” của Israel cho phép hoàn toàn bình đẳng giữa công dân Ả Rập và Do Thái, thậm chí người Ả Rập đã nắm giữ những vị trí cao nhất ngay cả trong hệ thống tư pháp như Tòa án Tối cao.

Nghị sĩ Rashida Tlaib cho rằng Mỹ không nhận ra hoàn cảnh của người Palestine, nhưng lại không thấy bà ấy đề cập đến việc Hamas tấn công công dân Israel trong đó có 1,9 triệu công dân Ả Rập của Israel, thậm chí những tên lửa trong tuần qua đã giết chết cả người Ả Rập của Israel. Vậy mà ông Biden lại “biểu dương trí tuệ và tình cảm của bà Rashida Tlaib, cảm ơn Chúa giúp Rashida Tlaib như một chiến binh!”

Cùng lúc, nghị sĩ Alexander Ocasio-Cortez, không chịu thua các đồng nghiệp, cũng tích cực tham gia và chỉ ra báo cáo của LHQ lên án Israel “phân biệt chủng tộc”, sau đó phát hiện rằng báo cáo đó là sản phẩm của nhà lý thuyết âm mưu 11/9 Richard Falk dưới ủy quyền của 18 nước Ả Rập, trong đó có Syria và Libya;  Richard Falk đã bị Tổng thư ký LHQ lúc bấy giờ là Ban Ki-moon và Chính phủ Anh lên án là người theo chủ nghĩa bài Do Thái.

Ngoài ra còn nhiều nhà hoạt động cánh tả cấp tiến khác tham gia chỉ trích về “nạn phân biệt chủng tộc” và “tội ác chiến tranh” của Israel, tiêu biểu như John Oliver – người dẫn chương trình Last Week Tonight, Trevor Noah của Saturday Night Live (SNL), các diễn viên và đạo diễn như Lena Headey, Mark Ruffalo, Roger Waters; và nhà nữ quyền Malala của Pakistan (người đoạt giải Nobel Hòa Bình) v.v…

5. Sheikh Jarrah, Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, và tại sao bạo lực không liên quan gì đến Jerusalem, chỉ do chủ nghĩa khủng bố của Palestine

Trong phát biểu tại Hạ viện, nghị sĩ Rashida Tlaib tuyên bố: “[Mỹ] không cho rằng các gia đình Palestine ở Đông Jerusalem bị xua đuổi khỏi nhà của họ”. 

Truyền thông cho rằng tên lửa từ Gaza và sự nổi dậy của người Ả Rập ở Israel (dẫn đến giết hại người Do Thái và đốt cháy giáo đường Do Thái), là hệ quả từ việc người Do Thái chiếm cứ khu vực Sheikh Jarrah do những người Palestine sống.

Tuyên bố đó là do dựa vào việc tòa án Israel ra quyết định trục xuất 6 gia đình người Palestine, trong khi những gia đình này chưa bao giờ trả tiền thuê bất động sản mà họ sinh sống. Thực ra, nếu có người trong khu vực này bị thanh lọc sắc tộc, thì đó là những người Do Thái đã bị xua đuổi khi Jordan xâm lược và chiếm đóng phần Đông Jerusalem.

Điều này đã trở thành vụ án pháp lý kéo dài hàng thập kỷ, trong vụ án này thì người Do Thái có tất cả sự hỗ trợ pháp lý, bao gồm cả giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, nhưng điều đó đã không còn được chú trọng khi những người Ả Rập giành chiến thắng trong trận chiến quan hệ công chúng.

Bất kỳ tuyên bố nào về các mối đe dọa đối với nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa trên núi Núi Đền (Temple Mount) cũng không đáng tin cậy. Các thông tin từ New York Times, BBC, Guardian, Washington Post hay AP, đều cho rằng những người hành lễ Palestine đã bị cảnh sát Israel tại vùng điểm nóng hành hung vô cớ. Nhưng các thông tin đó bỏ qua việc hàng ngàn người Palestine đang hô vang “đánh bom Tel Aviv”, cũng không đề cập đến nhà thờ Hồi giáo được sử dụng làm kho vũ khí và căn cứ cho các cuộc tấn công.

Thành Dung, Vision Times

Xem thêm: