Căng thẳng giữa Trung Quốc và đảo Đài Loan dường như đã tăng cao hơn nữa sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến thăm chính thức đến đảo quốc trong tuần này, bên cạnh việc đến thăm và gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính phủ khắp châu Á khác.

Embed from Getty Images

Theo nhìn nhận của một số chuyên gia, sự hiện diện của bà Pelosi trên đất Đài Loan, dù có chủ ý hay không, đều khiến dư luận phải đối mặt với sự kình địch Trung Quốc – Đài Loan, đồng thời tác động đến việc các siêu cường phương Tây cam kết hỗ trợ Đài Loan trong hơn 50 năm qua.

Dưới đây là những phương thức mà Trung Quốc hiện đã và đang trả đũa Đài Loan:

Ban hành lệnh cấm nhập khẩu

Ngày 3/8, ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Pelosi và phái đoàn Đảng Dân chủ của bà đáp xuống Đài Loan, Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế thương mại đối với Đài Loan, cấm các mặt hàng nhập khẩu quan trọng như cam quýt và cá.

Trung Quốc cũng ngừng xuất khẩu cát, một vật liệu xây dựng chủ chốt của Đài Loan.

Theo Bloomberg, các lệnh cấm khác nhau của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến 100 công ty Đài Loan, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp thực phẩm, nông nghiệp và thủy sản của đảo quốc này.

Triệu tập Đại sứ Hoa Kỳ ngay trong đêm

Trích dẫn một thông cáo hôm 3/8 từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns đã phải tham dự một “cuộc họp khẩn cấp” ở Bắc Kinh để thảo luận về sự “phản đối mạnh mẽ” của Trung Quốc trước việc bà Pelosi đến thăm tại Đài Loan.

Bản thông cáo mô tả chuyến đi của bà Pelosi là “một hành động khiêu khích có chủ ý và đùa với lửa”, vi phạm chính sách Một Trung Quốc.

Bộ này còn cáo buộc Hoa Kỳ đã bỏ qua các cụm từ như “Đài Loan là một phần của Trung Quốc” khỏi trang web của Bộ Ngoại giao và đưa Đài Loan vào chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tiến hành các cuộc tập trận quân sự

Trung Quốc đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận quân sự khiêu khích bắt đầu vào ngày thứ Năm (4/8), trong đó bao gồm việc phóng tên lửa khắp vùng biển của eo biển Đài Loan, đồng thời triển khai máy bay và tàu chiến trong khu vực.

Trong tuần tới, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) còn lên kế hoạch thực hiện các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật – cả trên không và trên biển – xung quanh Đài Loan, “tạo ra một cuộc phong tỏa hiệu quả quanh hòn đảo”, theo The Hill.

Đưa drone vào khu vực hạn chế của Đài Loan

Reuters đưa tin, một cặp máy bay không người lái của Trung Quốc đã hai lần bay qua một khu vực hạn chế trên quần đảo Kim Môn của Đài Loan, vào lúc 21 giờ và 22 giờ ngày 3/8.

Quần đảo Kim Môn thuộc quyền kiểm soát của Đài Loan nhưng nằm sát với thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).

Thiếu tướng Chang Zone-sung thuộc lực lượng phòng vệ Kim Môn nhận định, máy bay không người lái này được cho là xuất hiện nhằm thu thập tình báo về việc triển khai an ninh tại Đài Loan.

Tấn công mạng

Trước khi bà Pelosi đến Đài Loan, trang web chính thức của Văn phòng Tổng thống Đài Loan đã bị tấn công DDos từ nước ngoài, lưu lượng tấn công gấp 200 lần so với ngày bình thường khiến trang web bị tê liệt trong một khoản thời gian. Sau 20 phút xử lý, trang web đã khôi phục hoạt động bình thường.

Ngoài ra, Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng của Đài Loan – cùng với sân bay lớn nhất của đảo quốc – cũng được cho là đối tượng của các cuộc tấn công mạng.

Trích dẫn một báo cáo khác, màn hình tivi trong các cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ở Đài Loan đang nhấp nháy những tấm biển có nội dung “Kẻ gây chiến Pelosi hãy rời khỏi Đài Loan”, theo The Hill.

Hồi tháng 1/2022, khoảng một tháng trước khi chiến tranh Ukraine-Nga bắt đầu, chính phủ Ukraine đã gặp phải các cuộc tấn công mạng tương tự vào hệ thống máy tính của họ. Các quan chức Ukraine tin rằng Điện Kremlin có liên quan đến nhiều vụ tấn công khác nhau.

Nhật Minh (Theo Newsmax)