Ngày 31/10, 50 quốc gia đã ký vào bản tuyên bố trình bày tại một cuộc tranh luận của Liên Hợp Quốc lên án những vi phạm nhân quyền “nghiêm trọng và có hệ thống” ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc.

“Chúng tôi hết sức quan ngại về tình hình nhân quyền ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đặc biệt là những vi phạm nhân quyền đang diễn ra với nhóm người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi khác ở Tân Cương,” theo tuyên bố được đại diện Canada đọc trong cuộc tranh luận của Ủy ban thứ ba của Đại hội đồng LHQ, cơ quan xử lý các vấn đề về nhân quyền.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) hồi tháng 8 đã công bố một báo cáo về Tân Cương, trong đó nêu ra những tội ác chống lại loài người của ĐCSTQ nhằm vào cộng đồng Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác. Báo cáo nêu thực trạng, hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ vẫn đang bị giam giữ tại các trại tập trung ở khu vực Tân Cương.

Bắc Kinh vẫn luôn bác bỏ cáo buộc, khẳng định chính sách của họ nhằm chống khủng bố và đảm bảo sự phát triển của khu vực.

“Những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống như vậy không thể được biện minh trên cơ sở chống khủng bố. Xét về mức độ nghiêm trọng trong đánh giá của OHCHR, chúng tôi hết sức lo ngại bởi đến nay Trung Quốc vẫn từ chối thảo luận về các phát hiện trong bản báo cáo,” tuyên bố cho biết thêm.

Trong số 50 nước ký tên vào bản tuyên bố bao gồm cả Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Pháp, Úc, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Guatemala và thậm chí cả Somalia.

Họ thúc giục Bắc Kinh “thực hiện các khuyến nghị theo bản đánh giá OHCHR” bao gồm “nhanh chóng tiến hành các bước trả tự do cho tất cả các cá nhân bị tước quyền tự do một cách tùy tiện ở Tân Cương, đồng thời nhanh chóng làm rõ số phận và nơi ở của các thành viên gia đình mất tích, tạo điều kiện cho liên lạc và đoàn tụ an toàn”.

Hồi đầu tháng 10, Trung Quốc đã cố gắng tránh một cuộc thảo luận về báo cáo của OHCHR tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Về vấn đề này, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 31/10 đã kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc “cố gắng một lần nữa” tiến hành cuộc tranh luận “càng sớm càng tốt”.

“Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi các thành viên hội đồng cố gắng một lần nữa có thể sớm thảo luận và xem xét thiết lập một cơ chế do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn để điều tra thêm trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc đối với các vi phạm nhân quyền,” giám đốc tổ chức Louis Charbonneau nhấn mạnh.

Ngân Hà (Theo AFP)