The Wall Street Journal đưa tin, một liên minh các quốc gia (chủ yếu nằm ở phương Tây) đã thành lập để phản đối việc giam giữ công dân nước ngoài vì đòn bẩy ngoại giao, một động thái mà nhóm này cho biết không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

Embed from Getty Images

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Marc Garneau (Ảnh: Getty Images)

Canada là quốc gia dẫn đầu thành lập liên minh, ngoài ra còn có sự tham gia của Hoa Kỳ, hầu hết tất cả các thành viên của Liên minh Châu Âu, Úc và Nhật Bản. Sáng kiến thành lập liên minh ​​của Canada đã được khởi xướng vào năm ngoái bởi Bộ trưởng Ngoại giao Francois-Philippe Champagne, người tiền nhiệm của ông Marc Garneau.

Theo đó, Liên minh đã ký một tuyên bố không ràng buộc nhằm phản đối những hành động, trùng khớp với điều mà Ngoại trưởng Canada Marc Garneau nói rằng, “Bắt giữ người dân từ gia đình họ và sử dụng họ làm con bài mặc cả là bất hợp pháp và vô đạo đức.” 

Ông còn nói thêm, thông qua việc thành lập liên minh này “chúng tôi tin rằng chúng tôi có cơ hội tốt hơn để gây áp lực lên những quốc gia thực hiện hành vi giam giữ tùy tiện”.

Theo ông Garneau, tuyên bố không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào, nhưng một quan chức Canada cho biết liên minh được thành lập trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan ngại về các vụ bắt giữ người nước ngoài của Trung Quốc, Iran, Nga và Triều Tiên.

Hai công dân Canada đã bị bắt giữ ở Trung Quốc vào tháng 12/2018 vì cáo buộc gián điệp, nhưng chính phủ Canada tuyên bố họ bị giam giữ để trả đũa cho việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ. Canada tố cáo hành động mà họ gọi là “ngoại giao con tin” trong khi Trung Quốc khẳng định rằng hai vụ việc không liên quan đến nhau.

Nhiều nhà ngoại giao phương Tây cũng cáo buộc các nước Trung Quốc, Iran, Nga và Triều Tiên giam giữ công dân nước ngoài làm con bài thương lượng nhằm đạt được đòn bẩy ngoại giao.

Ngoại trưởng Vương quốc Anh Dominic Raab cho biết tại một cuộc họp báo trực tuyến do Canada tổ chức, việc “sử dụng biện pháp giam giữ tùy tiện, đặc biệt như một mối đe dọa, hoặc như một phương tiện để gây ảnh hưởng đến quốc gia khác, là tàn nhẫn. Điều đó là sai trái.”

Phát ngôn viên của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken, người hồi đầu tháng này đã yêu cầu thả hai người Mỹ bị giam giữ ở Nga trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp của quốc gia này, cũng khẳng định trong một tuyên bố: “Ngoại trưởng nhắc lại quyết tâm của Tổng thống [Joe] Biden đối với việc bảo vệ công dân Mỹ và hành động kiên quyết để bảo vệ lợi ích của Mỹ trước các hành động của Nga đã gây tổn hại cho chúng tôi hoặc các đồng minh của chúng tôi.”

Minh Ngọc

Xem thêm: