Vào tháng 10 năm nay, khi một nhóm người Hồng Kông ở Anh biểu tình ôn hòa bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manchester, nhân viên Lãnh sự quán đã đánh và phá hủy các vật trưng bày biểu tình. Vào ngày 14/12, BBC đưa tin rằng 6 nhà ngoại giao của Trung Quốc liên quan đến vụ việc đã rời khỏi Vương quốc Anh.

p3230732a464009562
Những người được cho là tham gia vào vụ ẩu đả, lôi người Hồng Kông vào trong Lãnh sự quán ĐCSTQ, từ trái sang phải: Tổng lãnh sự Trịnh Hy Nguyên (Zheng Xiyuan), Lãnh sự Cao Liên Giáp (Gao Lianjia), Tham tán Trần Vỹ (Chen Wei) và Phó Tổng lãnh sự Phạm Ánh Kiệt (Fan Yingjie). (Nguồn: RFA)

Vào ngày 16/10 năm nay, ngày diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, hàng chục cư dân Hồng Kông ở Vương quốc Anh đã biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Manchester với biểu ngữ lớn có dòng chữ “Trời diệt Trung Cộng” và một biểu ngữ khác viết “Chúc mừng lão mẫu của anh” (thể hiện sự khinh bỉ với ngày quốc khánh 1/10 của ĐCSTQ), cùng một bức tranh biếm họa châm biếm ông Tập Cận Bình. Một số người biểu tình cũng giương cao các biểu ngữ tương tự như biểu ngữ mà ông Bành Tái Chu (Peng Zaizhou) treo trên cầu Tứ Thông (Sitong) ở Bắc Kinh.

p3231571a652097111
Ông Trịnh Hy Nguyên, Tổng lãnh sự quán ĐCSTQ tại Manchester. (Ảnh chụp màn hình Sky News)

Cuộc biểu tình lúc đầu được tổ chức ôn hòa, nhưng bất ngờ vào buổi chiều, một người đàn ông trung niên được cho là Tổng lãnh sự tại Manchester, ông Trịnh Hy Nguyên (Zheng Xiyuan), bước ra khỏi lãnh sự quán, đá thẳng vào biểu ngữ “Trời diệt Trung Cộng” và giật tranh biếm họa ông Tập Cận Bình. Hành động này đã khiến khiến những người có mặt tại cuộc biểu tình bất mãn, tiến lên định ngăn cản, sau đó hai bên xảy ra xô xát. Trong thời gian đó, một số người biểu tình đã bị kéo vào bên trong Lãnh sự quán và bị đánh đập, nhưng cuối cùng đã được giải cứu thành công.

Ông Trịnh Hy Nguyên khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sky News tại Anh rằng ông rất bình tĩnh khi vụ việc xảy ra. Khi được hỏi tại sao lại hành xử như vậy, ông Trịnh đổi giọng và nói rằng vì người Hồng Kông xúc phạm lãnh đạo của mình, thời khắc giật tóc những người Hồng Kông ở đó đã trở thành trách nhiệm của ông. Ông nhấn mạnh rằng bất kỳ nhà ngoại giao nào cũng nên làm như vậy trong tình huống này để bảo vệ tôn nghiêm của đất nước và người dân.

BBC chỉ ra, việc Trung Quốc rút 6 nhà ngoại giao liên quan đến vụ việc được coi là để xoa dịu tranh chấp và tránh đối đầu hơn giữa Trung Quốc và Anh quốc. Phía Anh trước đó đã nói rõ rằng nếu các nhà ngoại giao liên quan không đồng ý tham gia vào cuộc điều tra của cảnh sát, họ sẽ phải đối mặt với hậu quả, có nghĩa là 6 người có thể bị đưa vào danh sách những người không được chào đón (persona non grata) và bị trục xuất khỏi nước Anh. Kết quả là chính quyền Trung Quốc đã rút các nhà ngoại giao này về nước sớm hơn một bước.

Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh James Cleverly cho biết, việc rút 6 người này phản ánh rằng Vương quốc Anh xem xét vụ việc này một cách nghiêm túc, trong tương lai Anh sẽ tiếp tục duy trì và tuân thủ luật pháp trong và ngoài nước, đồng thời hy vọng rằng các quốc gia và cá nhân khác sẽ làm như vậy. Trong một tuyên bố bằng văn bản trước Hạ viện, ông Cleverly nói thêm rằng ông thất vọng vì 6 người liên quan đến vụ việc đã không bị đưa ra trước công lý.

BBC đưa tin, theo yêu cầu của Cảnh sát Greater Manchester, Chính phủ Anh trước đó đã thông báo cho chính quyền Trung Quốc rằng 6 quan chức Trung Quốc có liên quan phải từ bỏ quyền miễn trừ ngoại giao trước tuần này, nghĩa là những quan chức này (và gia đình của họ) có thể bị bắt hoặc bị kiện.

Anh Bob Chan, một người Hồng Kông bị tấn công, cho biết vụ việc đã xảy ra được 2 tháng và anh tin rằng có thể đây là một cách để giải quyết các vấn đề ngoại giao phức tạp.

Anh nhấn mạnh rằng việc nhập cư vào Vương quốc Anh cùng gia đình là vì khao khát cuộc sống tự do ở đây, và những gì xảy ra vào ngày 16/10 là không thể chấp nhận được và là bất hợp pháp. Việc rút 6 nhà ngoại giao về nước giống như một dấu chấm hết cho vụ việc.

Cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ Sir Iain Duncan Smith cho biết, Anh nên chính thức tuyên bố 6 nhà ngoại giao là những người không được hoan nghênh.

Ông nói rằng thật không công bằng khi các nhà ngoại giao Trung Quốc tấn công trắng trợn những người biểu tình ôn hòa ở Manchester, lại có thể rời nước Anh mà không phải chịu trách nhiệm. “Đáng lẽ chúng ta nên đá họ đi từ nhiều tuần trước.”

Bà Alicia Kearns, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện của Quốc hội Anh, đã đưa ra một tuyên bố vào thứ Tư (ngày 14/12), về việc Tổng lãnh sự Trung Quốc “chạy trốn công lý” và trở về Trung Quốc.

Bà Kearns cho biết trong tuyên bố, người dân Anh có quyền kỳ vọng rằng những “kẻ phạm tội trên bờ biển của chúng tôi sẽ phải đối mặt với hậu quả, đây là ý nghĩa khi sống ở một đất nước pháp trị”.

“Các nhà ngoại giao Trung Quốc tấn công người biểu tình đã chạy trốn khỏi Vương quốc Anh như những kẻ hèn nhát, điều này chứng tỏ họ có tội.”

“Bộ Ngoại giao bây giờ phải tuyên bố những người đã bỏ trốn là người không được hoan nghênh, đồng thời nói rõ rằng họ không bao giờ được chào đón ở Vương quốc Anh nữa.”

Người phát ngôn của Đại sứ quán ĐCSTQ tại Anh đã đưa ra tuyên bố về vụ việc trên Twitter hôm thứ Tư, chỉ trích Chính phủ Anh không thực hiện nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế để bảo vệ cơ sở và nhân viên lãnh sự quán. Phát ngôn viên này cũng tuyên bố rằng Tổng lãnh sự ĐCSTQ tại Manchester đã trở lại Trung Quốc như một phần của cơ chế luân chuyển chính thức.

“Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Manchester đã hoàn thành nhiệm kỳ và được lệnh trở về Trung Quốc cách đây không lâu. Đây là hoạt động luân chuyển bình thường của các quan chức lãnh sự Trung Quốc”, thông cáo viết.

Trí Đạt (t/h)